Tên xã sau sáp nhập: Từ chuyện quê hương Bà chúa thơ Nôm
Các địa phương trong cả nước đang khẩn trương triển khai việc xây dựng đề án điều chỉnh địa giới hành chính. Theo đó, nhiều xã, phường không đáp ứng tiêu chuẩn nên buộc phải điều chỉnh địa giới hoặc sáp nhập để hình thành đơn vị hành chính (ĐVHC) mới giai đoạn 2023-2025.
Cái khó nhất là thống nhất được phương án điều chỉnh, sắp xếp các đơn vị hành chính để trình cấp có thẩm quyền thông qua. Tuy nhiên, có vấn đề tưởng đơn giản trong quá trình này, nhưng nếu không được chú ý xử lý cho tốt, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ điều chỉnh địa giới hành chính. Đó là việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới sau sáp nhập.
Huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là một ví dụ. Huyện có 15 xã thuộc diện sáp nhập để hình thành 7 xã mới. Theo dự kiến sau sáp nhập, xã Quỳnh Thuận với xã Quỳnh Long thành xã Thuận Long; xã Quỳnh Nghĩa và xã Tiến Thủy thành xã Phú Nghĩa. Cách đặt tên cho các xã mới theo kiểu này được cho đã có sự đồng thuận của các xã sáp nhập. Tuy nhiên, trong trường hợp sáp nhập 2 xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi thì lại không được thuận lợi như dự kiến. Phương án ban đầu là Đôi Hậu, nhưng xem ra người dân của cả 2 xã đều không đồng tình.
Quỳnh Đôi nổi tiếng là làng khoa bảng từ xưa của Quỳnh Lưu, lại là quê hương của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Nay theo tên xã mới thì không còn dấu ấn nào để lại. Sao có thể chấp nhận được! Đấy là ý kiến của nhiều người dân xã Quỳnh Đôi. Người dân xã Quỳnh Hậu thì cho rằng xã mình cũng có từ lâu đời, là nơi phát hiện dấu tích sinh sống của người Việt cổ cách đây hơn 4.000 năm và như vậy cũng có bề dày về lịch sử, văn hóa, nên nếu sáp nhập thì tên xã mới phải là… Quỳnh Hậu.
Đây mới là câu chuyện đặt tên xã sau sáp nhập của một huyện. Nhìn rộng ra cả nước chắc chắn sẽ có những vấn đề tương tự như vậy. Xử lý sao cho hợp lý là yêu cầu bức thiết đang đặt ra.
Trước hết cần thấy rõ, Quốc hội có thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể… ĐVHC cấp tỉnh; đặt tên, đổi tên ĐVHC cấp tỉnh.
Sau đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể… ĐVHC cấp huyện, cấp xã; đặt tên, đổi tên ĐVHC cấp huyện, cấp xã.
Cơ quan trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt tên, đổi tên là Chính phủ và Chính phủ lại căn cứ vào tờ trình từ địa phương. Cho nên suy đến cùng, về nguyên tắc, việc đặt tên mới cho ĐVHC cấp xã thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh. HĐND cấp tỉnh sau khi đặt tên mới sẽ trình lên Chính phủ với đề án điều chỉnh địa giới hành chính.
Cho dù thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, nhưng việc đặt tên mới cho ĐVHC sau sáp nhập phải tuân thủ nguyên tắc thống nhất, có nghĩa là người dân 2 xã sáp nhập phải thống nhất với nhau về tên gọi của xã mới sau sáp nhập. Điều này được quy định gián tiếp trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo đó phải có trên 50% tổng số cử tri tên địa bàn tán thành việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính.
Vậy tên của xã mới sau sáp nhập thường được đặt như thế nào?
- Cách thứ nhất: tên mới mang một phần tên của 2, 3 xã sáp nhập, như trường hợp của huyện Quỳnh Lưu thì xã Quỳnh Thuận sáp nhập với xã Quỳnh Long thành xã Thuận Long. Cách này khá phổ biến trong thực tiễn;
- Cách thứ hai: tên mới không mang một phần nào của tên các xã sáp nhập vào, như trường hợp sáp nhập 3 xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá và Quỳnh Ngọc thành xã mới có tên là Bình Sơn.
- Cách thứ ba: tên mới mang tên của 2 xã sáp nhập vào với nhau. Trường hợp này tên đó gọi là tên kép. Kép có nghĩa ở đây là tên đôi, cụ thể như trường hợp dự kiến sáp nhập phường Văn Miếu và phường Quốc Tử Giám của Hà Nội thành phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám hoặc nhập một phần phường Trung Tự vào phường Phương Liên thành phường Phương Liên - Trung Tự… Giả sử như phường mới Văn Miếu - Quốc Tử Giám không đặt tên như vậy sau sáp nhập, thì hậu thế ai còn biết đến những địa danh đã đi vào lịch sử của đất nước.
Cách thứ ba này áp dụng vào trường hợp sáp nhập 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu có vẻ là khả thi nhất, vì vừa duy trì được tên 2 xã khá nổi tiếng về văn hóa, lịch sử, vừa có thể đạt được sự đồng tình cao của người dân.
Nói đến câu chuyện đặt tên xã mới sau sáp nhập của huyện Quỳnh Lưu, tôi lại chợt nhớ việc tương tự ở bên châu Âu. Các đây 51 năm, vào năm 1973, Bang Saarland của CHLB Đức cũng triển khai nhập xã.
Phương án nhập xã Rehlingen và xã Siersbug thành một xã đã xong, nhưng tên xã mới là gì thì còn tranh chấp. Cả 2 xã đều to như nhau và đều có tầm quan trọng như nhau. Thực sự là một cuộc chiến về tên xã mới. Ngay các vị nghị sĩ của bang cũng bị cuốn vào cuộc chiến này. Bên nào cũng muốn xã mới tên là xã mình. Người dân xã Siersburg cho rằng xã mình có ý nghĩa lịch sử to lớn, người Rehlingen lại bảo xã mình có ý nghĩa hơn về kinh tế, giao thông thuận tiện hơn nhiều so với xã Siersburg.
Do các xã không nhất trí được với nhau, nên cuối cùng Nghị viện Bang sẽ quyết định tên xã mới. Dự thảo trình ra nghị viện do đảng đoàn CDU vốn đang điều hành chính phủ chuẩn bị trình tên xã mới là Siersburg, nhưng rồi không hiểu chuẩn bị tờ trình kiểu gì ra biểu quyết thông qua thì tên xã mới lại là Rehlingen.
Thế là xã mới có tên Rehlingen và cuộc chiến kiện tụng pháp lý kéo dài 12 năm kể từ sau khi có văn bản do nghị viện thông qua. Nói 12 năm bởi sau đó các bên tranh chấp đã tự thống nhất và đề xuất tên xã sẽ là Rehlingen - Siersburg. Một cái tên kép, một kết thúc có hậu, mặc dù hơi lâu một chút.
Tác giả: TS Đinh Duy Hòa nguyên là Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!