Tách thửa 50m2: Cái lý của Hà Nội
Tôi vừa phải trải qua hành trình gần 2 giờ đồng hồ để vượt quãng đường chừng 10km vào giờ tan tầm dưới trời mưa. Đó là tôi còn "may" khi di chuyển bằng xe máy, nếu sử dụng ôtô, thời gian di chuyển có lẽ phải gấp đôi.
Những lúc như vậy, tôi lại thấy Hà Nội có lý với quyết định tách thửa 50m2.
UBND thành phố vừa ban hành Quyết định 61 về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn, trong đó một vấn đề đáng chú ý nhất, gây tranh luận nhiều nhất là quy định về điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất. Theo Quyết định 61 thì việc tách thửa tại khu vực các phường, thị trấn phải đảm bảo diện tích thửa đất được tách không được dưới 50m² (quy định trước đây là 30m2), đồng thời chiều rộng cạnh tiếp giáp với đường giao thông công cộng, lối đi phải từ 4m trở lên.
Quy định này được cho là sẽ khiến việc tách thửa đất tại khu vực các quận nội thành trở thành bất khả thi, bởi để tách thửa thì thửa đất ban đầu phải có diện tích tối thiểu 100m², đồng thời có cạnh tiếp giáp với đường, ngõ tối thiểu 8m. Hà Nội là đô thị "tấc đất, tấc vàng", không còn nhiều thửa đất có kích cỡ lớn đến mức ấy.
Bởi vậy, quy định này chẳng khác nào đã "ngăn chặn" việc người dân thực hiện tách thửa đất. Chẳng hạn nếu một gia đình có 2 người con nhưng chỉ có một thửa đất thì sẽ không thể chia đôi để các con xây dựng nhà.
Vậy tại sao Hà Nội lại ban hành quy định gây tranh cãi này? Đâu là mục đích ẩn sau quyết định ấy?
Theo số liệu mà Tổng cục Thống kê công bố, dân số Hà Nội năm 2024 là khoảng 8,5 triệu người; đó là còn chưa kể đến lực lượng lao động vãng lai không đăng ký thường trú, tạm trú. Dân số Hà Nội sẽ sớm đạt mốc 10 triệu người (thậm chí có thể đã đạt được ở thời điểm này). Vừa qua, báo chí cũng đưa tin Hà Nội là một trong những thành phố có chất lượng không khí kém bậc nhất thế giới.
Bởi vậy, quy định tại Quyết định 61 đóng vai trò "hàng rào kỹ thuật" để hạn chế tình trạng bùng phát dân số. Việc hạn chế tách thửa đất sẽ làm giảm đáng kể tốc độ gia tăng dân số, đồng thời giúp bảo đảm mỹ quan đô thị khi không còn các căn nhà "siêu mỏng, siêu méo". Đương nhiên, giải pháp mang tính cưỡng chế này luôn nhạy cảm!
Cần nhấn mạnh rằng khi đánh giá về một chính sách thì cần phải nhìn nhận trên nhiều khía cạnh, bao gồm tính hợp pháp và tính hợp lý. Về tính hợp pháp, việc UBND thành phố ban hành quy định điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất là thực hiện đúng thẩm quyền được giao tại Điều 220 Luật Đất đai 2024.
Về tính hợp lý, việc siết chặt điều kiện tách thửa, diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đất sẽ giúp phát triển bền vững đô thị và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, tránh gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Có thể thấy rõ rằng thành phố Hà Nội đang xây dựng, thực thi các chính sách nhất quán nhằm giảm thiểu sự gia tăng dân số, đặc biệt tại khu vực nội đô, nhằm đảm bảo chất lượng sống và duy trì các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô.
Một năm trước, HĐND thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết số 10 về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú. Với trường hợp người dân không có nhà mà đi thuê, mượn, ở nhờ thì diện tích nhà ở phải đạt tối thiểu 15m2/sàn/người mới đủ điều kiện đăng ký để trở thành công dân Thủ đô. Việc nâng cao diện tích tối thiểu được tách thửa cũng có ý nghĩa tương tự, giúp hạn chế sự bùng phát dân số.
Tròn 20 năm trước, tôi từ quê ra Hà Nội học và bắt đầu một hành trình sinh sống, học tập, làm việc tại Thủ đô. Sau 10 năm, tôi đã được nhập hộ khẩu, trở thành công dân Thủ đô, đã mua được một căn hộ nhỏ để mưu sinh nơi "đất khách, quê người". Trong vài chục năm qua, Hà Nội đã mở lòng bao dung đón nhận hàng triệu hộ gia đình tỉnh lẻ đến nhập cư, làm ăn sinh sống như chúng tôi.
Bởi vậy, tôi cảm thông với chính quyền Hà Nội. Không có một chính sách nào có thể làm hài lòng tất cả và đáp ứng được trọn vẹn các mục tiêu cần giải quyết. Bởi Hà Nội là một trong hai đô thị có mức độ bùng phát dân số vô cùng mạnh mẽ. Nếu không kiểm soát được gia tăng dân số cơ học thì sẽ dẫn đến quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu vực đô thị (nhận biết qua hiện tượng tắc đường, tắc cống, mất điện, mất nước, khói bụi, ô nhiễm, phụ huynh xếp hàng xuyên đêm xin cho con học trường công, một giường bệnh 2-3 người nằm...)
Chính quyền Hà Nội có một bài toán khó phải giải quyết là mâu thuẫn giữa "số lượng" và "chất lượng": Hà Nội muốn chọn một chính sách giúp hạn chế số lượng người nhập cư để bảo đảm chất lượng sống cho cư dân hiệu hữu. Đây không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn liên quan đến an sinh xã hội và chất lượng sống của cư dân đô thị.
Có bước ra đường vào giờ cao điểm, cảm nhận khói bụi, kẹt xe, tiếng còi inh ỏi của dòng người nối đuôi nhau giữa cái nóng như thiêu đốt mùa hè hay phải đứng dàn hàng dưới trời mưa mới thấy cái lý trong quy định của Hà Nội.
Hà Nội một mặt cần gia tăng chất lượng sống, cải thiện mỹ quan đô thị, một mặt cần đón nhận làn sóng di dân từ các tỉnh vùng ven đến để lao động, học tập, sinh sống. Quả là một bài toán khó!
Di dân tự phát từ nông thôn đến thành phố là một vấn đề nan giải mà Đảng, Nhà nước từ lâu đã xác định cần ưu tiên giải quyết. Gần 10 năm trước, Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận: "Khó khăn nhất của những người di cư đó là điều kiện, môi trường làm việc, nhà ở. Tại địa bàn sinh sống, họ không có đủ đất để sản xuất dẫn tới kinh tế khó khăn, nhà cửa tạm bợ, gia đình nheo nhóc, con cái không có điều kiện học hành nên phải tìm cách di cư..."
Bởi vậy, đây không phải câu chuyện của riêng Hà Nội. Về lâu dài, Nhà nước cần tiến hành các giải pháp đồng bộ để đảm bảo người dân ở nông thôn, miền núi có cơ hội việc làm, tạo thu nhập ổn định ngay tại quê hương. Phải làm sao để cư dân ở nông thôn không có nhu cầu di cư đến những đô thị lớn như Hà Nội mưu sinh, thay vì phải bất đắc dĩ đặt ra "rào cản kỹ thuật" chặn dòng di cư ấy. Khi đó mới có một xã hội ổn định và các vấn đề về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội mới được giải quyết.
Tác giả: Nguyễn Văn Đỉnh là kỹ sư, thạc sĩ xây dựng, cử nhân luật, từng có nhiều năm công tác tại Bộ Xây dựng và hiện là chuyên gia tư vấn pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản. Ông Đỉnh đã và đang tham gia đóng góp xây dựng các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!