Sự mất tích của những chiếc điều hòa và chuyện lạm thu
Sau kỳ khai giảng, các trường học trên cả nước rục rịch chuẩn bị cho phiên họp phụ huynh đầu năm và nhiều gia đình đã phải cân đo đong đếm những khoản chi tiêu để cân đối với tiền học, tiền trường của con cái.
Thông thường với một trẻ, vào đầu năm học cha mẹ sẽ phải chi không chỉ mỗi tiền sách vở, học phí, tiền ăn bán trú (là những khoản "cứng") mà còn vô số khoản "mềm" gói gọn trong quỹ lớp. Có thể kể đến quỹ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, tiền trang trí, mua dụng cụ, học cụ, tiền trải nghiệm…
Riêng với trẻ vào lớp Một, ở không ít trường học còn phải nộp tiền điều hòa, máy chiếu, lọc nước, rèm cửa, sơn sửa… Những khoản thu này gần như năm nào cũng gây tranh cãi, tạo dư luận trái chiều.
Vào năm ngoái, hàng loạt trường học ở khắp các tỉnh thành bị nêu tên vì để xảy ra tình trạng lạm thu. Thậm chí từng có trường tiểu học gây bức xúc khi khoản quỹ phụ huynh lên tới hàng trăm triệu đồng, trung bình mỗi học sinh phải đóng cả chục triệu đồng cho những khoản ngoài học phí.
Mới cách đây ít ngày trên mạng xã hội đã lại xôn xao về việc giáo viên một trường tiểu học ở TPHCM kêu gọi, vận động phụ huynh đóng tiền mua máy lạnh dù chưa khai giảng.
Lạ nỗi là chuyện cái máy lạnh/điều hòa năm nào phụ huynh cũng "kêu" nhưng đến hẹn lại thu. Dư luận chủ yếu xoay quanh câu hỏi: Thời gian khấu hao hết một cái điều hòa là bao nhiêu năm? Vì sao anh chị học sinh cuối cấp đã tặng lại trường mà cứ vào lớp Một, học sinh lớp dưới lại phải mua sắm mới? Vậy những chiếc điều hòa cũ đi đâu?
Sự mất tích của những chiếc điều hòa, rồi rèm cửa, máy lọc nước, máy chiếu… để lại băn khoăn với phụ huynh và khiến ngờ vực nảy sinh trong môi trường giáo dục, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, hình ảnh trường học trở nên méo mó.
Nhằm chống lạm thu trước năm học 2024-2025, một số địa phương đã ra văn bản quy định các khoản thu đầu năm học.
Đáng chú ý, tại Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT nói với PV Dân trí rằng: Trách nhiệm khi để xảy ra lạm thu gây bức xúc trong phụ huynh, trước tiên thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục. Việc thu chi liên quan đến các hoạt động trải nghiệm hoặc các khoản thu mang tính xã hội hóa, nhà trường phải có đề án, được thông qua tập thể sư phạm nhà trường và cấp có thẩm quyền quyết định mới thực hiện.
Vị giám đốc Sở nhấn mạnh "hiệu trưởng hoặc lãnh đạo cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước đơn vị quản lý, thậm chí sẽ bị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nếu phát hiện sai phạm hoặc để xảy ra lạm thu trong trường học".
Tuyên bố mạnh mẽ của lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội cho thấy sự quyết liệt và mạnh tay trong công tác chống lạm thu mà có lẽ đã trở thành vấn nạn thường niên, cố hữu. Điều này có lẽ là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi rằng, từ những năm học trước, bất chấp việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có đủ các loại quy định, hướng dẫn, văn bản nhắc nhở, nhiều địa phương cũng liên tục chỉ đạo nhưng rồi đâu lại vào đấy, vòng xoáy lạm thu vẫn cứ lặp lại, thậm chí số tiền ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước.
Thực tế, việc xử lý hình sự vì lạm thu không phải là chưa có tiền lệ.
Cuối năm 2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Lê Chân (Hải Phòng) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam hiệu trưởng và thủ quỹ Trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân) về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356 Bộ Luật Hình sự.
Theo cáo trạng, nguyên hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hương và nguyên thủ quỹ Nguyễn Thị Huế đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để tổ chức thu tiền phụ huynh học sinh trái quy định gần 1,3 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 872 triệu đồng. Ba khoản thu cơ quan điều tra làm rõ, viện kiểm sát truy tố gồm tiền thu quỹ lớp (mỗi học sinh 400.000 đồng/năm); tiền học nghề (30.000 đồng/học sinh/tháng) và tiền sao in đề thi 100.000 đồng/học sinh/năm. Bà Hương sau đó bị tuyên phạt 42 tháng tù giam và hình phạt với bà Huế là 18 tháng tù giam.
Cuối năm ngoái, tại Hưng Yên, bà Phạm Thị Mai - hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Kết, huyện Khoái Châu bị cách chức do vi phạm quy định về tài chính, kế toán trong công tác thu chi của nhà trường. Theo phản ánh, vị này đã tổ chức họp, thống nhất tự đặt mức thu và triển khai thực hiện thu, chi, không hạch toán qua sổ sách. Tổng số các khoản thu không đúng quy định là hơn 60 triệu đồng.
Mới đây, ở Ninh Thuận cũng xôn xao thông tin hiệu trưởng trường THPT Tháp Chàm (TP Phan Rang-Tháp Chàm) chỉ đạo lạm thu, sai phạm hơn 800 triệu đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu xử lý triệt để, dứt điểm, chặt chẽ, nghiêm minh.
Trên góc độ quản lý, rõ ràng hiệu trưởng không thể chối bỏ trách nhiệm khi để xảy ra lạm thu trong chính cơ sở trường học nơi mình quản lý. Đó là người đầu tiên bị xem xét xử lý, chịu trách nhiệm trước nhất, nhưng không phải là duy nhất.
Để xảy ra lạm thu, ngoài trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường còn cần xem tới trách nhiệm của cơ quan quản lý là các phòng, sở giáo dục và đào tạo, vốn chịu trách nhiệm quản lý, giám sát. Việc giám sát cần thực hiện một cách nghiêm túc và liên tục chứ không nên chỉ mang tính chất sự vụ, khi phụ huynh bức xúc và truyền thông phản ánh mới vào cuộc.
Bản thân các phụ huynh cũng cần thẳng thắn hơn. Tôi từng gặp những trường hợp phụ huynh thường xuyên vắng mặt trong các cuộc họp đầu năm. Khi bàn bạc, phụ huynh không tham gia, không lên tiếng vì sợ con bị "đì", bị phân biệt nhưng đến lúc vấn đề đã chốt xong, đạt được sự đồng thuận về mặt hình thức thì lại bất mãn.
Đặc biệt là những phụ huynh tham gia vào ban đại diện cha mẹ học sinh cần nắm rõ quy định tại Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT để không trở thành "cánh tay nối dài" của ban lãnh đạo nhà trường, thực hiện lạm thu.
Mọi khoản lạm thu đều lấy quyền lợi học sinh làm bình phong, vấn đề là phải xác định rõ nhu cầu thực tiễn trong dạy và học. Nếu là nhu cầu thiết yếu thì phải dùng ngân sách, nhất là ở trường công, bởi đã phục vụ phổ cập giáo dục thì đương nhiên ngân sách Nhà nước có trách nhiệm.
Người viết cho rằng, ngành giáo dục không nên đánh giá năng lực của các hiệu trưởng chỉ thông qua tiêu chí vận động nguồn lực hỗ trợ, xây dựng công trình mới, cải tạo lớp học... Tuy nhiên, về mặt xã hội, tôi cũng mong cộng đồng doanh nghiệp cần coi việc tài trợ, đóng góp cho giáo dục là hoạt động phổ biến và rộng rãi hơn trong thực thi trách nhiệm xã hội (CSR). Thật đáng quý và thiết thực khi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các doanh nghiệp ủng hộ mạnh mẽ hơn cho giáo dục, vì đó là gốc rễ để đào tạo nhân lực cho nền kinh tế.
Năm học 2024-2025 đã bắt đầu. Hi vọng sau những cuộc họp phụ huynh sắp tới, chúng ta sẽ không còn phải chứng kiến mối phiền muộn về 2 chữ "lạm thu"!
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!