Người không chuyên trách có lương hưu sắp nghỉ việc: "Tôi thấy nhẹ nhõm"

Hoa Lê

(Dân trí) - Hơn 10 năm làm cán bộ không chuyên trách phường Hàng Trống (Hà Nội), bà Cao Thị Thu Hà say mê với công việc, làm vì cái tâm chứ không phải vì số tiền phụ cấp.

Tham gia các hoạt động để không bị già cỗi

Dưới cái nắng gay gắt, bầu không khí oi ả của những ngày hè, bà Thu Hà cùng cán bộ trong Hội Chữ thập đỏ phường Hàng Trống tích cực phát tặng 200 suất cháo cho người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức.

Những bàn tay thoăn thoắt trao gửi từng hộp cháo. Niềm vui nhỏ bé của bệnh nhân khi nhận quà từ thiện giúp bà có thêm những động lực lớn lao tiếp tục hoạt động thiện nguyện của mình.

Đây chỉ là một trong những hoạt động tiêu biểu do bà Hà thực hiện với vai trò Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường. Ngoài ra, bà còn kiêm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp phường nhiều năm nay.

Nhớ lại, bà cũng phải bất ngờ khi mình đã có hơn 10 năm làm các chức danh người không chuyên trách cấp phường. Năm 2011 nghỉ hưu sau thời gian dài gắn bó với công ty cơ khí, bà Hà tích cực tham gia các hoạt động tại tổ dân phố số 5 - nơi bà sinh sống.

Người không chuyên trách có lương hưu sắp nghỉ việc: Tôi thấy nhẹ nhõm - 1

Bà Cao Thị Thu Hà có hơn 10 năm làm cán bộ không chuyên trách cấp phường (Ảnh: Hoa Lê).

"Thật sự được mọi người tin tưởng, tín nhiệm nên tôi mới nhận làm, chứ không phải vì tiền. Vì phụ cấp những ngày đầu tôi nhận chức danh này chỉ vỏn vẹn 1,4 triệu đồng. Vì đã có lương hưu nên tôi cũng không bị gánh nặng về kinh tế. Từ năm 2024 đến nay, mức phụ cấp này đã tăng lên 5 triệu đồng/tháng", nữ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường chia sẻ.

Bà Hà coi công việc là niềm vui, giúp bản thân năng động hơn để đỡ già cỗi đi mỗi ngày. Song có những ngày công việc cũng chất chồng trên vai bà do kiêm nhiệm nhiều chức danh. Nữ Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tất bật họp ở phường, rồi ở quận Hoàn Kiếm.

Đến nay bà không thể quên những tháng ngày trở thành tuyến đầu ở cơ sở chống dịch, lăn lội khắp nhà dân, bệnh viện hay huy động hỗ trợ người dân ủng hộ bà con bị ảnh hưởng do cơn bão lịch sử Yagi.

Khi nghe thông tin sẽ chấm dứt hoạt động của người không chuyên trách cấp xã từ 1/8 mới đây do sắp xếp tinh gọn bộ máy, bà Thu Hà bình thản đón nhận vì quãng thời gian qua cũng đã cống hiến hết mình cho các hoạt động tại địa phương.

Tới đây sẽ không còn tham gia các hoạt động tại phường, bà cho biết vẫn tiếp tục những hoạt động thiện nguyện, phong trào tại tổ dân phố vì vốn là người "không thể ngồi yên trong nhà".

Vẫn có người không chuyên trách tâm tư

Năm 2020, ông Chử Bá Điệp được bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi, kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Hàng Trống. Trước đó gần 10 năm, ông cũng có thời gian hoạt động trong lĩnh vực khuyến học, người cao tuổi tại tổ dân phố.

Nói về công việc của mình, ông Điệp cho rằng có lẽ bận rộn nhất khi tham gia công tác liên quan đến mặt trận, bởi các hội, đoàn thể cũng là thành viên của Mặt trận Tổ quốc. Tiếp đó là công tác chăm sóc người cao tuổi, phát huy vai trò của họ trong các hoạt động tại tổ dân phố.

Người không chuyên trách có lương hưu sắp nghỉ việc: Tôi thấy nhẹ nhõm - 2

Ông Điệp cũng nắm bắt được nhiều cán bộ không chuyên trách còn tâm tư khi sắp kết thúc hoạt động (Ảnh: Hoa Lê).

Với 14-15 năm tham gia tích cực các hoạt động tại phường, ông cũng yên lòng vì đã có nhiều đóng góp. Vì vậy, khi dừng hoạt động của cán bộ không chuyên trách cấp phường, ông cũng sẵn sàng nghỉ theo kế hoạch sắp xếp bộ máy.

"Tôi tin rằng những cán bộ trẻ họ có đào tạo, chuyên môn, trình độ sẽ nhanh nhạy trong nắm bắt công việc mới. Họ ứng dụng chính quyền số giỏi hơn chúng tôi. Chúng tôi cũng là những người cao tuổi, giờ đây được nghỉ ngơi là phù hợp", Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường chia sẻ.

Bên cạnh những thế mạnh, ông Điệp e rằng người trẻ khi bắt tay vào công việc không chuyên trách có thể gặp những khó khăn nhất định. Đây là bộ phận gần dân, tiếp xúc với người dân nhiều nhất, vì vậy, nhóm này cũng cần có kỹ năng, vốn sống và thời gian thích nghi.  

Cho nên khi nghỉ việc, ông Điệp sẵn sàng bàn giao, trao đổi kinh nghiệm cần thiết cho lớp trẻ tiếp nhận công việc.

Người không chuyên trách có lương hưu sắp nghỉ việc: Tôi thấy nhẹ nhõm - 3

Các hoạt động của cán bộ không chuyên trách phường (Ảnh: NVCC).

Với thời gian dài công tác trong lĩnh vực thống kế của thành phố, ông Điệp cũng có một khoản lương hưu khá để lo cho cuộc sống về già. Chính vì vậy, ông cũng không gặp khó khăn về kinh tế.

Tuy nhiên, qua quá trình tiếp xúc với những người không chuyên trách khác, đặc biệt người không có lương hưu, vị Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường nhận thấy không ít người còn tâm tư. Nhiều cán bộ đã tham gia công việc không chuyên trách kéo dài 20 năm qua.

Tuy nhiên, họ cũng không có nguồn thu nào khác ngoài số tiền phụ cấp hằng tháng. Mức phụ cấp này bằng hệ số nhân với mức lương cơ sở hiện nay là 2,34 triệu đồng. Mức tiền hằng tháng cũng dựa trên quy mô số hộ dân thuộc tổ dân phố đó.

Vì vậy, ông Điệp mong mỏi cơ quan liên quan cần tính toán chế độ đãi ngộ tốt hơn so với mức trợ cấp theo Nghị định 29 hiện nay. "Mỗi người đều có đóng góp suốt quãng thời gian vừa qua. Họ đã mang tâm trí, sức lực vào các hoạt động của địa phương nên cần thiết có hỗ trợ tốt hơn khi chấm dứt công việc", ông Điệp chia sẻ.

Bà Hà, ông Điệp là hai trong số 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước sẽ chấm dứt hoạt động từ 1/8 tới đây.

Chính quyền địa phương sẽ xem xét, có thể sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.

Trước mức trợ cấp như quy định hiện hành còn thấp, Bộ Nội vụ đã đề nghị UBND cấp tỉnh nghiên cứu đề xuất chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố khi sáp nhập xã. TPHCM đang tiến hành lấy ý kiến về 2 chế độ hỗ trợ với mức tối đa có thể hơn 500 triệu đồng.

Tại Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đề nghị tăng mức trợ cấp, bổ sung chính sách hỗ trợ đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động không chuyên trách có nhu cầu làm việc ở khu vực ngoài nhà nước.

Đồng thời, đại biểu cũng đề xuất hỗ trợ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc có cơ chế bảo lưu thời gian tham gia để người lao động đóng nối tiếp khi có điều kiện.