Điểm tuần: Đường nứt toác, tiền "cảm ơn" và "hối lộ"

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Đường mới làm nứt toác như động đất ở Tây Ninh và chuyện tiền "cảm ơn" của ông Nguyễn Thanh Phong... là những vấn đề được quan tâm trong tuần qua.

Đường mới làm nứt toác ở Tây Ninh

Rạng sáng 11/5, đoạn đường dài khoảng 35m dẫn lên cầu Hòa Bình thuộc xã Hòa Hội, huyện Châu Thành (Tây Ninh) bất ngờ sụt lún, tạo thành hố sâu khoảng 3m khiến một ô tô chở 4 người và 2 xe máy rơi xuống hố. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh, nguyên nhân ban đầu được xác định do nhà thầu không tiến hành khoan khảo sát địa chất tại khu vực đường dẫn, dẫn đến việc không phát hiện túi bùn nằm dưới mặt đường, gây ra hiện tượng sụt lún theo phương thẳng đứng, đồng thời kéo theo trượt tổng thể theo phương ngang.

Nhìn nhận dưới góc độ chuyên môn, độc giả To Thai đánh giá: "Nhìn bề ngoài đã thấy lún do trồi sụt, do nền đường đắp trên nền đất yếu không được xử lý tốt. Nếu thi công đúng thì lỗi thuộc đơn vị khảo sát, thiết kế. Trường hợp này bắt buộc phải thiết kế xử lý đất yếu trước khi đắp nền bằng các biện pháp như gia cố bằng cọc, cắm bấc thấm, xây bệ phản áp...".

Điểm tuần: Đường nứt toác, tiền cảm ơn và hối lộ - 1

Các lớp địa chất lộ ra sau khi đường dẫn lên cầu Hòa Bình sụt lún (Ảnh: An Huy).

Đường nứt toác như động đất, ai chịu trách nhiệm?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá vấn đề đầu tiên cần làm rõ là trách nhiệm khảo sát địa chất công trình thuộc về ai, nhà đầu tư (UBND huyện Châu Thành) hay nhà thầu phụ khảo sát xây dựng.

Tiếp theo, cần làm rõ quy trình khảo sát địa chất công trình đã được thực hiện như thế nào, đã đúng quy trình theo quy định của pháp luật chuyên ngành hay chưa. Từ đó, có thể xác định sự việc là sự kiện bất khả kháng hay có yếu tố lỗi của các đơn vị khảo sát, thi công, giám sát công trình. 

Nếu xác định có yếu tố lỗi, chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người bị thiệt hại. Thậm chí, trường hợp sự việc gây hậu quả nghiêm trọng, chủ thể vi phạm còn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015. 

Điểm tuần: Đường nứt toác, tiền cảm ơn và hối lộ - 2

Ô tô con vỡ nát sau khi rơi xuống đoạn đường sụt lún (Ảnh: M.T).

Ngày 6/5, anh Q. (18 tuổi, quê Lai Châu) trình báo tại Công an phường Dương Nội về việc bị nhân viên của một công ty có trụ sở ở phường Dương Nội chiếm giữ điện thoại khi đến xin việc làm. Công an sở tại sau đó đã cử tổ công tác đến xác minh. Quá trình làm việc, ông Nguyễn Đức Tâm (Cán bộ Công an phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) không mặc quân phục, bị phản ánh có hành vi tát người dân. Công an TP Hà Nội đã tạm đình chỉ công tác 30 ngày đối với cán bộ này để phục vụ xác minh.

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá theo Thông tư 73/2024/TT-BCA của Bộ Công an và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ, công an mặc thường phục được phép thực hiện công việc tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự nhưng phải có kế hoạch và phải phối hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai. Cán bộ hóa trang chỉ được sử dụng vũ lực để trấn áp nếu phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội và phải sử dụng giấy chứng minh công an nhân dân để làm việc. 

Đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, người có thẩm quyền khi xử lý phải đảm bảo có quyết định thi hành của cơ quan có thẩm quyền và phải mặc quân phục phù hiệu của ngành theo quy định của pháp luật. 

Việc cơ quan công an nhanh chóng cử cán bộ xuống cơ sở để xác minh, làm rõ tin báo về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật là đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc cán bộ không mặc quân phục nhưng làm việc dưới tư cách lực lượng chức năng và có những hành vi không chuẩn mực là không phù hợp quy định của pháp luật.

Điểm tuần: Đường nứt toác, tiền cảm ơn và hối lộ - 3

Ông Tâm không mặc quân phục, làm việc tại trụ sở công ty tại phường Dương Nội (Ảnh cắt từ clip).

Bắt nguyên Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong: Thế nào là "tiền cảm ơn" và "tiền hối lộ"?

Liên quan vụ việc nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cùng 4 đồng phạm bị khởi tố về tội Nhận hối lộ, ông này khai nhận đã nhận tổng cộng 250 triệu đồng tiền "doanh nghiệp cảm ơn" sau những lần đi cấp chứng nhận GMP, hậu kiểm... cho 2 nhà máy MediPhar và MediUSA thuộc Công ty MediUSA do Nguyễn Năng Mạnh (36 tuổi), người cầm đầu đường dây sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm giả, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. 

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) đánh giá số tiền "cảm ơn" mà vị nguyên cục trưởng nhận từ doanh nghiệp cần được nhìn nhận sâu vào bản chất của vấn đề, rằng đây thực tế chính là tiền "hối lộ", không phải tiền "cảm ơn". 

"Cần đặt câu hỏi rằng, có ai đi cảm ơn sau khi hoàn thành công việc với số tiền như vậy không? Nếu không có các "động tác" từ cơ quan quản lý có thẩm quyền, chủ các doanh nghiệp liệu có cảm ơn với lượng tài sản lớn như vậy hay không?", luật sư Hậu đặt câu hỏi. 

Điểm tuần: Đường nứt toác, tiền cảm ơn và hối lộ - 4

Ông Nguyễn Thanh Phong thời điểm còn đương nhiệm (Ảnh: C.T).

Vụ ô tô tông liên hoàn 6 xe máy ở Hà Nội: Lái xe có được rời hiện trường

Tối 9/5, ô tô do ông N.B.A. (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) di chuyển trên đường Kim Giang (đoạn thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) thì xảy ra va chạm với 3 xe máy đang di chuyển, sau đó tông tiếp 3 xe máy khác đang dựng trên vỉa hè trước khi dừng lại. Vụ va chạm khiến 2 người đi xe máy phải nhập viện cấp cứu, các phương tiện bị hư hỏng nặng. 

Sau khi xảy ra sự việc, tài xế rời khỏi hiện trường. Sáng 10/5, người này tới làm việc tại cơ quan công an. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy tài xế không có nồng độ cồn, chất ma túy trong cơ thể. 

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM),theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, tài xế có 3 sự lựa chọn sau khi gây tai nạn là ở lại hiện trường, tới cơ sở y tế để cấp cứu hoặc tới cơ quan công an để trình báo. Đối với trường hợp này, cần xác định tài xế có bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải rời hiện trường vì bị đe dọa đến tính mạng hay không. Nếu không thuộc các trường hợp được phép rời đi, việc người này tự ý ra khỏi xe và bỏ đi là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo khoản 8, Điều 6 Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, người có hành vi không dừng ngay phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không trợ giúp người bị nạn, không ở lại hiện trường hoặc không đến trình báo ngay với cơ quan công an, UBND gần nhất sau khi gây tai nạn giao thông có thể đối diện mức phạt 16-18 triệu đồng.

Điểm tuần: Đường nứt toác, tiền cảm ơn và hối lộ - 5

Xe máy nằm la liệt sau vụ tai nạn (Ảnh: Công an cung cấp).

Bò thả rông tấn công bé 20 tháng tuổi, ai chịu trách nhiệm? 

Sáng 11/5, cháu N.B.K. (20 tháng tuổi, ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đang chơi trước nhà thì bất ngờ bị một con bò trưởng thành lao vào húc ngã. May mắn khi mẹ cháu K. kịp thời phát hiện, xua đuổi đàn bò và đưa con vào nhà. Sự việc khiến cháu K. bị trầy xước vùng miệng, không tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe. 

Luật sư Quách Thành Lực đánh giá vấn đề đầu tiên cần làm rõ là ai là chủ sở hữu súc vật? Và tại thời điểm sự việc xảy ra, đàn bò có được chiếm hữu, sử dụng bởi một người khác hay không? Tiếp theo, nếu sự việc không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc yếu tố lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng gia súc có trách nhiệm bồi thường cho phía người bị thiệt hại. 

Sau khi xác định 2 vấn đề trên, vấn đề cuối cùng cần làm rõ là mức độ tổn hại sức khỏe của cháu bé như thế nào, các chi phí phục vụ cho việc thăm khám, sơ cứu, chữa trị cho cháu bé ra sao. Trường hợp có đủ căn cứ chứng minh thiệt hại, gia đình có quyền yêu cầu chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng gia súc bồi thường đối với phần thiệt hại đã xảy ra. 

Điểm tuần: Đường nứt toác, tiền cảm ơn và hối lộ - 6

Khoảnh khắc bò thả rông tấn công cháu bé (Ảnh cắt từ clip).