Loạt đại học "bêu" tên sinh viên nợ học phí: Thiếu tôn trọng hay cẩu thả?
(Dân trí) - Việc hàng loạt trường đại học đăng công khai danh sách sinh viên nợ học phí không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng người học mà còn là sự cẩu thả của trường trong việc bảo mật thông tin cá nhân.
Hàng loạt trường "bêu" tên sinh viên nợ học phí
Những ngày qua, bảng chụp danh sách sinh viên Trường Đại học Tài chính Marketing chưa nộp tiền học phí học kỳ 1/2024 liên tục được chia sẻ trên nhiều diễn đàn, trang cá nhân.
Bảng danh sách này lấy từ danh sách đăng công khai trên website của trường với đầy đủ tên sinh viên kèm mã số sinh viên, lớp, số tiền còn nợ.
Không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, Trường Đại học Tài chính Marketing đã liên tục cập nhật danh sách sinh viên nợ học phí ở những thời điểm khác nhau.
Nhưng đây không phải trường hợp cá biệt… "đòi nợ sinh viên" bằng việc công khai tên tuổi người học. Lâu nay, đã có hàng loạt trường đại học trong cả nước áp dụng phương thức đăng tải danh sách công khai sinh viên nợ học phí.
Gần nhất, Trường Đại học Giao thông Vận tải phân hiệu TPHCM đăng tải danh sách sinh viên không tham gia BHYT và danh sách sinh viên nợ học phí học kỳ 1 năm học 2023-2024.
Chỉ cần gõ cụm từ "danh sách sinh viên nợ học phí" trên Google, lập tức sẽ hiển thị ra hàng loạt kết quả danh sách sinh viên nợ học phí, sinh viên gia hạn học phí, bị cấm thi vì nợ học phí, cảnh báo học tập…
Danh sách này được chính các trường đăng tải như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Trường Đại học Đồng Nai, Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên…
Có thể kể đến như Trường Đại học Luật Hà Nội có bảng tổng hợp danh sách sinh viên phải nộp học phí từ gần chục năm trước và gần nhất là danh sách sinh viên phải nộp học phí kỳ 1 năm học 2023-2024; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công khai danh sách sinh viên nợ học phí; khoa tiếng Anh, Trường Đại học Hà Nội có danh sách sinh viên nợ học phí…
Một số trường khác có danh sách sinh viên xin gia hạn nộp học phí như Trường Đại học Công Thương TPHCM, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM)…
Phải nói, rất khó để liệt kê được hết tên trường, hoặc khoa của trường đại học tung danh sách sinh viên nợ học phí lên mạng như trên.
Thiếu tôn trọng hay cẩu thả?
Nhìn danh sách sinh viên nợ học phí bị trường đại học đăng công khai lên mạng, Anh Nguyễn Trọng Nhân, làm việc về lĩnh vực tài chính, đặt câu hỏi: "Tại sao nhà trường lại làm như vậy?".
Từ góc nhìn cá nhân, theo anh Nhân, việc này rất vô duyên, thiếu tôn trọng người học và gây phản cảm. Có thể vì hoàn cảnh, các em thiếu tiền hay vấn đề gia đình nên chưa đóng học phí nhưng cho dù là lý do gì nữa cũng không nên đăng công khai tên tuổi sinh viên.
Việc trường học đòi nợ sinh viên qua mạng bằng cách việc đăng tải công khai danh sách tên tuổi, nhiều người phải thốt lên rằng cách thức đòi nợ của trường chẳng khác nào xã hội đen, các app cho vay nặng lãi. Chưa kể đến việc, thông qua việc đòi nợ này, nhiều người lo ngại các trường học đã phạm phải hành vi làm lộ thông tin cá nhân sinh viên.
Ở góc nhìn khác, một số ý kiến cho rằng, nhấn mạnh khía cạnh "trường công khai để gây áp lực đòi nợ sinh viên" là chưa đúng vấn đề mà đây là việc trường vô trách nhiệm với thông tin cá nhân, thông tin gì cũng công khai lên trang website.
"Nhiều thông tin khác của sinh viên như nợ môn, thi lại, nhận học bổng, bảng điểm… cũng được nhiều trường công khai. Đây là việc lộ thông tin cá nhân và danh sách nợ chỉ là là một trong nhiều loại danh sách khác", một ý kiến cho hay.
Có con là sinh viên năm thứ 3 một trường đại học, chị Nguyễn Hồng Vy, ở Tân Bình, TPHCM, cho biết chị rất bức xúc với việc trường học công khai tên tuổi sinh viên nợ học phí.
Nếu đây là cách trường đòi nợ sinh viên, theo chị Vy, đây là cách thức quá vô cảm, ác ý, nhẫn tâm, thiếu tôn trọng với chính học trò của mình khi đưa các em ra "bêu rếu" công khai.
Còn nếu vấn đề nằm ở chỗ trường làm lộ thông tin sinh viên một cách hồn nhiên, ngây ngô theo quy trình, chị Vy đánh giá trường đã thiếu sự chuyên nghiệp, thiếu văn hóa và quá cẩu thả trong việc bảo mật thông tin cá nhân người học.
Cả hai tình huống này, chị Vy nêu quan điểm đều không thể chấp nhận được trong một tổ chức, chứ chưa nói đây là môi trường giáo dục.
Ông Lê Văn Hiển, Phụ trách Phòng Đào tạo Trường Đại học Luật TPHCM, chia sẻ, trên thực tế ở mỗi học kỳ cũng có một số ít sinh viên chậm đóng học phí vì nhiều lý do khác nhau. Việc nhà trường nhắc nhở các trường hợp chậm hoàn thành nghĩa vụ học phí cũng là điều cần thiết và phù hợp.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, về vấn đề này, các trường cần có cách xử lý và thông tin tình trạng chậm đóng học phí của sinh viên ở mức độ và phạm vi phù hợp, đảm bảo không làm lộ các "dữ liệu cá nhân" thuộc quyền riêng tư của người học.
"Tại trường chúng tôi, khi nhập học mỗi sinh viên sẽ được trường cấp "tài khoản" và "email cá nhân" để các bạn thực hiện đăng ký học phần, xem lịch học, lịch thi kết thúc học phần, theo dõi quá trình học tập và tình trạng học phí đã đóng. Theo đó, trên tài khoản cá nhân sinh viên sẽ biết được tình trạng học phí đã đóng và còn nợ.
Trước thời điểm thi kết thúc học phần của học kỳ 2 tuần, nhà trường sẽ thống kê, cập nhật, chốt danh sách sinh viên đã đóng đủ học phí, còn nợ học phí và gửi email thông tin cho sinh viên biết để đóng học phí (nếu còn nợ) theo đúng quy định", ông Lê Văn Hiển cho biết.