Tâm điểm
Bùi Mẫn

Sát hạch bằng lái xe ở Việt Nam: Khắt khe hay dễ dàng?

Báo chí đưa tin trong năm 2023 ở TPHCM có 58.679 thí sinh rớt bằng lái mô tô và 75.897 thí sinh rớt bằng lái ô tô; tỷ lệ đậu đạt 54%, giảm 11% so với năm 2022.

Theo Sở Giao Thông Vận Tải TPHCM, tỷ lệ đậu sát hạch lái xe giảm là do áp dụng thêm nội dung kiểm tra mô phỏng các tình huống giao thông.

Tại Vương quốc Anh (UK) để có bằng lái, tôi phải trải qua hai kỳ thi lý thuyết và thực hành riêng biệt. Chỉ sau khi đỗ lý thuyết, thì tôi mới được phép học lái thực hành. Điều này là hợp lý vì không thể để một người tập lái xe trên đường phố và đường cao tốc nhưng lại chưa đủ kiến thức và ý thức giao thông an toàn cho bản thân và người khác.

Đề thi lý thuyết ở UK được xem là rất rộng và khó khăn hàng đầu thế giới. Trong một bộ dữ liệu trên 700 câu hỏi lý thuyết ở UK, ngoài phần luật giao thông, tôi còn được hỏi nhiều về nhận diện và xử lý các tình huống rủi ro. Nội dung này tương tự như phần mô phỏng các tình huống giao thông được áp dụng gần đây tại Việt Nam.

Sát hạch bằng lái xe ở Việt Nam: Khắt khe hay dễ dàng? - 1

Học viên đang học phần cabin tại Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi, TPHCM (Ảnh minh họa: An Huy).

Ngoài ra tôi còn được hỏi về yếu tố thời tiết, văn hóa lái xe, cách giao tiếp với các xe khác, luật nhường đường tại đường hẹp (khi đường 2 làn xe ngược chiều, đến đoạn hẹp chỉ rộng đủ 1 làn xe thì sẽ nhường như thế nào). Tôi cũng được học cách ứng xử và quan tâm đến những nhóm dễ bị tổn thương khi giao thông như người lái xe đạp, xe máy, và người đi bộ. Sự tập trung, tính kiên nhẫn, sức khỏe, quản lý stress (tôi gọi nôm na là "thiền" khi lái xe) cũng là những nội dung trong phần thi lý thuyết.

Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo cách làm của UK, tách riêng phần thi lý thuyết và thực hành, cũng như tham khảo nội dung bộ đề thi lý thuyết của UK để rèn luyện ý thức và văn hóa giao thông tốt trước khi bắt đầu thực hành lái xe. Cách làm này cũng đơn giản hóa công tác tổ chức với các trung tâm thi lý thuyết và thực hành tách biệt nhau, cũng như giảm bớt chi phí và thời gian cho các thí sinh.

Phần thi thực hành lái xe tại UK còn khắt khe hơn nhiều phần thi lý thuyết. Thi thực hành không chỉ về kỹ năng "chân ga chân thắng" hay "tay lái lụa". Trong suốt bài thi, người chấm thi quan sát rất kỹ từng cử chỉ và sự thể hiện của tôi. Nếu có dấu hiệu bất cẩn, hành vi hay thói quen xấu nghiêm trọng thì tôi sẽ bị đánh trượt. 

Theo số liệu cổng thông tin Chính phủ UK, từ đầu năm 2019 đến cuối năm 2023, UK có 3.372.691 người thi đỗ trong tổng số hơn 7.048.047 người dự thi. Tỉ lệ thi đậu bằng lái trung bình trong 5 năm ở UK là 48% (thấp hơn tỷ lệ thi đậu tại TPHCM). Đồng nghĩa với trung bình một người phải thi thực hành hơn 2 lần mới có được bằng lái. Tôi biết vài du học sinh từ Việt Nam sang phải thi thực hành đến 5-6 lần mới đậu.

Các nước khác trên thế giới cũng có tỉ lệ thi trượt bằng lái xe rất cao. Năm 2022 tỷ lệ trượt thi thực hành lái xe ở Đức là 37%; Pháp là 51%; Iceland là 47%; Hà Lan là 48%; và Luxemburg là 53%.

Theo các số liệu thống kê các nước, người mới có bằng lái và những người trẻ dưới 30 tuổi thường gây tai nạn nhiều hơn. Lứa tuổi từ 18 đến 24 đại diện cho 10% dân số nhưng chiếm đến 25% số tai nạn trên toàn thế giới. Ở toàn châu Âu hơn 29.000 người dưới 24 tuổi và trẻ em bị chết vì giao thông mỗi năm. Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn giao thông còn là nguyên nhân số một dẫn đến tử vong cho người dưới 29 tuổi và trẻ em, cao hơn tỷ lệ tử vong do lao phổi gây ra.

Nguyên nhân chủ yếu là do những người lái xe trẻ tuổi thường thiếu kinh nghiệm nhưng đôi khi lại quá tự tin, hoặc tâm lý thích rủi ro, mạo hiểm, bốc đồng, hoặc thích thể hiện. Những người trẻ thì thường lái xe "bất cẩn và táo bạo" hơn những người khác.

Theo số liệu Bộ Nội Vụ UAE, trong năm 2022, những người mới có bằng lái dưới một năm đã gây ra 530 tai nạn trong số 3.945 tai nạn (chiếm 13.4%). 48% các tai nạn là do các tài xế có bằng lái dưới 5 năm. Cơ quan an toàn giao thông UAE cảnh báo những người dưới 30 tuổi gây ra 41% thương vong và 53% số tai nạn cho năm 2022.

Tại UAE 3 lỗi chính gây tai nạn là đột ngột chuyển làn, bám đuôi xe, và quá tốc độ. Còn ở UK, phần lớn tai nạn gây ra là do rượu bia, chất kích thích, và quá tốc độ. Các lỗi này thường gặp ở người trẻ và người mới có bằng lái. Những người lớn tuổi và có bằng lâu năm thì chín chắn và cẩn thận hơn khi lái xe.

Sát hạch bằng lái khắt khe là cách các nơi trên thế giới uốn nắn ý thức giao thông tốt từ sớm. Các nước có kỳ thi bằng lái khó khăn nhất trên thế giới như Singapore, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Anh, Nhật, Hà Lan, Newzealand, Đức cũng chính là những nước có tỷ lệ tai nạn và người chết vì giao thông thấp nhất thế giới. Trong năm 2022 các nước này chỉ có từ 21 (Na Uy) đến 48 (Pháp) người chết vì tai nạn giao thông trên một triệu dân.

Tất nhiên tỷ lệ tai nạn giao thông còn liên quan đến hạ tầng và nhiều vấn đề khác. Nhưng bài học từ các nước cho thấy, việc rèn luyện ý thức lái xe tốt góp phần quan trọng trong việc giảm tai nạn giao thông, và phải được thực hiện trước khi có bằng lái, bắt đầu từ học đường. Tại Pháp có chương trình giáo dục an toàn giao thông sớm (Early Education Certificate in Road Safety) cho trẻ dưới 8 tuổi, sau đó là các chương trình an toàn giao thông cho học sinh các lớp trung học. Theo các khảo sát thì chương trình giáo dục giao thông học đường đã góp phần làm giảm đáng kể các tai nạn giao thông do thanh thiếu niên.

Sau khi có bằng lái, người lái xe cần phải trải qua những năm đầu thử thách. Hệ thống "điểm bằng lái" (point system) được áp dụng để rèn luyện ý thức lái xe an toàn cho những người mới có bằng lái. Ví dụ, tại UK, người mới đỗ bằng lái chỉ có 6 điểm, và sẽ tăng lên thêm 6 điểm sau 2 năm "tập sự". Một lỗi quá tốc độ nhỏ sẽ bị trừ 3 điểm. Các lỗi nặng hơn sẽ bị trừ đến 11 điểm. Bằng lái sẽ hết hiệu lực nếu có số điểm là không hoặc âm.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, việc thắt chặt sát hạch bằng lái xe cùng với các biện pháp an toàn giao thông được thực hiện, chẳng hạn như cấm uống rượu bia khi lái xe, đã mang lại các kết quả tích cực. So với 2022, số người chết do tai nạn giao thông năm 2023 đã giảm 1.922 người. 

Tuy vậy, ý thức giao thông vẫn chưa cải thiện đáng kể, số người chết do tai nạn giao thông tính trên một triệu dân tại Việt Nam vẫn còn cao. Trong năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 22.067 vụ tai nạn giao thông, giết chết 11.628 người và làm bị thương 15.292 người. Số liệu thống kê gần đây nhất, từ 15/12/2023 đến 15/1 cả nước có 2.434 tai nạn giao thông với số người chết là 957; trung bình mỗi ngày có 32 người chết.

Theo thống kê, các tai nạn giao thông tại Việt Nam chủ yếu do bất cẩn, thiếu quan sát, hoặc không nhường đường, vượt ẩu, hoặc quá tốc độ, hoặc say rượu, hoặc dùng chất kích thích.

Tôi cho rằng Việt Nam cũng cần thống kê số tai nạn liên quan đến các tài xế dưới 30 tuổi, các tài xế mới có bằng lái, các cung đường nguy hiểm, các khoảng thời gian hay gây tai nạn, hay các trung tâm dạy và sát hạch bằng lái có nhiều tai nạn giao thông. Từ đó chúng ta sẽ có các biện pháp phòng ngừa được áp dụng đúng đối tượng, đúng nơi, cũng như các cải tiến về thiết kế và quản lý sao cho an toàn giao thông được cải thiện nhiều nhất.

Từ các thực tế nêu trên, có thể nói là tỷ lệ thi trượt bằng lái ở Việt Nam hiện nay là điều tích cực. Việc sát hạch bằng lái xe khắt khe đã góp phần giảm tai nạn giao thông và giảm tỷ lệ tỷ vong. Bằng lái xe của Việt Nam đã và đang được công nhận nhiều hơn trên thế giới trong đó có UAE. Chúng ta cần tiếp tục tổ chức nghiêm túc hơn và hiệu quả hơn kỳ thi này. Các biểu hiện tiêu cực như đi "đường tắt" hay "đường vòng" để có được  "tấm bằng lái bằng nhựa" "hợp pháp" phải được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi đầu của những cá nhân muốn tham gia giao thông.

Có được tấm bằng lái trên tay, chỉ là mới khởi đầu của một hành trình đầy trách nhiệm. Khắt khe trong việc học và thi bằng lái không phải là một "trở ngại trên đường", mà đó là niềm hãnh diện, và là một "thần hộ mệnh" cho bản thân và những người tham gia giao thông, cũng như giúp xây dựng ý thức giao thông văn minh.

Tác giả: TS Bùi Mẫn là kỹ Sư cao cấp, Giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services, Dubai UAE; chuyên gia về nghiên cứu đặc tính đất với hơn 20 năm kinh nghiệm, chú trọng đến quản lý và kiểm soát chất lượng, chuyên sâu về thí nghiệm địa kỹ thuật tiên tiến và đặc tính động học của đất.

Ông từng làm giảng viên cầu đường tại Đại học Bách khoa TPHCM, và từng làm việc cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn của các công ty tư vấn hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh như Fugro, WS Atkins, Amec Foster Weller.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!