Tâm điểm
Nguyễn Lân Hiếu

Nhận biết quảng cáo thuốc rởm như thế nào

Tôi thường xuyên được nhắn tin hỏi về các quảng cáo thuốc hoặc phương pháp điều trị trên các trang mạng là đúng hay không. Mỗi lần như vậy, tôi rất ngại trả lời nếu không thực sự biết tường minh.

Tuy nhiên, hôm trước khi chị bạn lo lắng hỏi về quảng cáo một sản phẩm có số lượng người tiếp cận thông tin rất lớn, tôi đã bỏ thời gian đi tìm hiểu. Theo như nội dung quảng cáo này, mọi người chỉ cần dùng sản phẩm là trong vòng 2 tiếng sẽ loại bỏ toàn bộ Cholesterol xấu ra khỏi cơ thể mà không hề có biến chứng gì.

Đọc qua đã biết là "rởm" nhưng nhìn số lượng like, share và bình luận "khủng" của nội dung quảng cáo trên mạng xã hội, tôi cẩn thận nhấc máy gọi  theo số điện thoại quảng cáo. Tiếp nhận điện thoại là một chuyên gia chắc chắn là "rởm" khi vừa nhấc máy đã xưng chị với tôi, và hỏi "em cần tư vấn gì về yếu sinh lý". Sau khi tôi vặn mấy câu thì người này ấp úng hẹn để hỏi bác sĩ rồi... chuồn luôn!

Nhận biết quảng cáo thuốc rởm như thế nào - 1

Khá đơn giản để nhận ra quảng cáo thuốc rởm, nhưng vẫn có nhiều người bị mắc bẫy (Ảnh minh họa: CV)

Khá đơn giản để nhận ra quảng cáo rởm, nhưng vẫn có nhiều người bị mắc bẫy, chính vì vậy tôi cố gắng tóm tắt một số nhận dạng căn bản của loại hình quảng cáo vô cùng nguy hiểm này.

Thứ nhất, tên đơn vị quảng cáo thường chung chung, mập mờ, như Trung tâm Công nghệ cao, Phòng khám quốc tế ... Thậm chí có người "liều mạng" lấy tên gần giống các cơ sở y tế nổi tiếng, để ý kỹ sẽ thấy hơi khác một chút về logo, tên thiếu đi một hai chữ so với cơ sở chính thức... Tất nhiên, với thể loại lấy nguyên tên của cơ sở chính thức thì là lừa đảo quá rõ ràng nên thường bị kiện và lộ ngay!

Thứ hai, phía dưới tên đơn vị quảng cáo thường có dòng chữ sponsors - có nghĩa là quảng cáo này trả tiền cho Facebook hay YouTube để tiếp cận người dùng mạng xã hội. Chính vì vậy các bạn đừng quá chú ý lượng like của nội dung quảng cáo sản phẩm, tất cả đều có thể mua được.

Thứ ba, đơn vị quảng cáo thường không có địa chỉ rõ ràng mà chỉ là số điện thoại (chú ý kỹ sẽ thấy số không đẹp, đa phần là sim rác). Nếu đơn vị nào có địa chỉ sẽ rất chung chung, như có số nhà và đường song lại không có thông tin về quận, huyện, thành phố.

Thứ tư, nội dung quảng cáo thường được thổi phồng, là những thông tin mà người có chuyên môn sẽ nhận ra ngay. Tuy nhiên, với những người bệnh thì có khi đọc quảng cáo đó như "chết đuối vớ được cọc", nếu không tỉnh táo sẽ bị "lóa mắt".

Các quảng cáo "rởm" này đa phần khẳng định 100% chữa khỏi bệnh, và thường liệt kê dãy dài các rủi ro, nguy hiểm nếu không chạy chữa; phương pháp chữa bệnh sẽ đơn giản chỉ vài tiếng, vài lần... Đặc biệt, các quảng cáo rởm thường khẳng định phương pháp điều trị an toàn tuyệt đối, nhưng chúng ta đều biết luôn có % nguy hại của bất cứ phương pháp điều trị nào, và không một thầy thuốc dù rất nhiều kinh nghiệm lại giải thích cho người bệnh rằng 100% thành công.

Thứ năm, nếu chúng ta nhắn tin hỏi trong mục bình luận sẽ có câu trả lời giống nhau và đề nghị nhắn tin riêng. Số lượng bình luận hiển thị luôn rất lớn, có khi đến hàng nghìn, nhưng ấn vào kiểm tra chỉ có rất ít. Họ đã mua cả số bình luận và xóa đi các bình luận vạch trần sự lừa đảo. Nếu không tin bạn hãy phê bình dù một cách rất nhẹ nhàng, sẽ thấy rằng bình luận của mình không hiển thị.

Thứ sáu, các bệnh nhân được phỏng vấn luôn khẳng định đã được chữa khỏi, giọng luôn giống nhau và người đóng vai thường là mặc quần áo bộ đội, tuổi trung niên.

Thời gian qua có hiện tượng một số người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội. Các sản phẩm do người nổi tiếng quảng cáo đa phần là chữa triệu chứng hoặc thực phẩm chức năng nên cũng ít tác dụng phụ, vô thưởng vô phạt. Sau khi bị báo chí nhắc nhở, số lượng những người nổi tiếng tham gia quảng cáo đã giảm đáng kể.

Thứ bảy, khi liên hệ trực tiếp với đơn vị quảng cáo rởm, tôi thấy thường là giọng nữ trả lời, nếu hỏi kỹ thì cô ấy trả lời rằng sẽ có người liên hệ lại. Một điểm dễ nhận biết nhất đó là người trả lời không phải bác sĩ, thậm chí còn không phải là nhân viên y tế, ít khi xưng tên. Nếu chúng ta hỏi tên và địa chỉ chính xác thì người này sẽ tỏ ra bối rối, trả lời không rõ ràng, quanh co.

Cuối cùng, tất cả các quảng cáo rởm chỉ có đất sống khi hệ thống y khoa chưa gây được niềm tin hoàn toàn cho người dân. Mỗi nhân viên y tế không được "tặc lưỡi" trước cái xấu, vì nhiều khi hậu quả sẽ rơi vào chính người thân của mình.

Cơ quan quản lý nhà nước phải có phương án hữu hiệu để răn đe và ngăn chặn những sản phẩm rởm vô cùng độc hại như nêu ở trên. Việc đơn giản có thể làm ngay là lập bộ phận rà soát thường xuyên trên các trang mạng xã hội (trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ rất tốt việc này), tiếp nhận các thông tin qua đường dây nóng và sau đó công khai thông tin để người dân nếu cần tìm hiểu thì có thể xác định ngay sản phẩm đó là rởm hay không.

Tác giả: Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!