Quản lý các nguồn tài trợ triệu đô cho trường đại học như thế nào?
Trong những năm qua, với cương vị Chủ tịch của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), một trong những sứ mệnh quan trọng của tôi là tìm kiếm các khoản tài trợ để giúp trường duy trì hoạt động.
Nếu như khi bắt đầu, 90% kinh phí hoạt động của FUV dựa vào nguồn tài trợ của Chính phủ Mỹ, thì đến nay, con số này đã giảm dần xuống còn 50-60% và kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm nhanh trong tương lai. Nhưng kỳ vọng đó chỉ có thể trở thành hiện thực, nếu như FUV nhận được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm.
Hoạt động từ thiện trên thế giới thường được miêu tả bằng hai thuật ngữ: "Charity" để giải quyết các vấn đề cấp thiết, giúp đỡ những cá nhân, những khu vực cụ thể, trong một hoàn cảnh khẩn cấp. Còn "Philanthropy" là những hoạt động thiện nguyện mang tính chiều sâu, với các mục tiêu lâu dài để giải quyết những vấn đề gốc rễ của xã hội. Những khoản đóng góp cho giáo dục được xếp vào loại này. Ở Việt Nam, "Charity" phổ biến hơn "Philanthropy".
Năm 2022, FUV nhận được khoản tài trợ 40 triệu USD từ 8 nhà hảo tâm. Đây vẫn là khoản tài trợ tư nhân lớn nhất mà một trường Đại học Việt Nam nhận được từ trước đến nay, cũng là một trong những dấu mốc đáng nhớ của tôi trong quá trình đảm nhiệm vai trò Chủ tịch FUV. Số tiền này sẽ được quản lý bởi Hội đồng tín thác của trường, bao gồm các thành viên có uy tín trong xã hội và có lợi ích độc lập với FUV, đảm bảo khoản tài trợ này chỉ được phục vụ cho mục đích xây dựng campus của trường và cấp học bổng cho sinh viên.
Nếu so với Mỹ - nơi tập trung nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới, cũng là nơi dẫn đầu về phong trào thiện nguyện giáo dục, thì con số 40 triệu USD đó còn quá khiêm tốn. Nhưng cái khó của Việt Nam không chỉ là chuyện chưa nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm đến việc tài trợ giáo dục, mà còn vướng mắc ở việc làm thế nào để quản lý các khoản tiền tài trợ đó, vừa đảm bảo tính minh bạch, vừa giúp số tiền đó sinh sôi nảy nở, phục vụ cho hoạt động giáo dục.
Ở Mỹ, các khoản tiền tài trợ giáo dục được quản lý bởi các quỹ tín thác trường đại học. Nhưng mô hình này vẫn là khái niệm còn quá mới mẻ và còn nhiều vướng mắc về chính sách ở Việt Nam hiện nay. Nhưng tôi hy vọng, nó sẽ là xu hướng tất yếu của giáo dục Việt Nam trong tương lai.
Về cơ bản, thì quỹ tín thác trường đại học là các khoản quyên tặng được trường đại học đó tích lũy để hỗ trợ cho các hoạt động của trường. Các trường đại học lớn trên thế giới, đặc biệt là các trường trong khối IVY League (Harvard, Yale, Stanford...) là những trường có quỹ tín thác lớn nhất thế giới hiện nay, cũng là những nơi áp dụng thành công nhất mô hình này.
Sẽ không có một nhà hảo tâm nào muốn rằng năm nào cũng bị một tổ chức A đó đến gõ cửa xin tiền cho việc duy trì hoạt động của tổ chức đó. Cái mà họ mong muốn là các khoản tiền đó được đầu tư hợp lý, sinh sôi không ngừng, rồi trở thành nguồn ngân sách cho tổ chức đó hoạt động trong một thời gian dài, như cách mà Harvard, Standford, Yale...hay nhiều trường đại học trên thế giới đã làm rất thành công.
Ở Harvard, các khoản quyên tặng được đem đi đầu tư sinh lời, sau đó những khoản lợi nhuận này lại được dùng một phần để hỗ trợ các hoạt động của trường, một phần cho việc tái đầu tư, một phần cho việc mở rộng quỹ. Năm 2020, quy mô của quỹ tín thác trường ĐH Harvard là 42 tỷ USD, trong khi đó, của ĐH Stanford là 29 tỷ USD, Đại học Yale là 31 tỷ USD.
Cách mà các trường ĐH ở Mỹ phát triển quỹ tín thác của họ là điều mà mọi quốc gia trên thế giới cần phải học tập. Về nguyên tắc, việc quản lý các quỹ tín thác này sẽ không thuộc quyền hạn của các trường đại học đó, mà trường phải thuê những nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp và hoàn toàn độc lập với trường. Những nhà quản lý quỹ này sẽ mang tiền trong quỹ tín thác đi đầu tư, với mục đích tạo ra lợi nhuận cho trường. Lợi nhuận càng cao, thì các nhà quản lý quỹ được chia hoa hồng càng nhiều, nhưng cũng có nghĩa là quy mô của quỹ tín thác trường đại học càng lớn, ngân sách hoạt động của trường càng dồi dào.
Năm 2021 là một năm đặc biệt với các quỹ tín thác của các trường ĐH hàng đầu nước Mỹ, trong đó quỹ tín thác ĐH Harvard ghi nhận lợi nhuận ròng 33,6%, của ĐH Yale là 40%, giúp cho quỹ tín thác của các trường này tăng trưởng một cách ấn tượng. Nhưng cũng có những năm, lợi nhuận chỉ ghi nhận khoảng từ 8 đến 12%. Riêng năm tài chính 2022, quỹ tín thác ĐH Harvard ghi nhận mức lợi nhuận âm 1,8%.
Những công ty quản lý quỹ tín thác trường đại học có trách nhiệm đầu tư vừa đảm bảo được hiệu quả sinh lời tối ưu, nhưng cũng vừa quản trị được rủi ro. Các quỹ này luôn phân bổ tiền để đầu tư vào nhiều lĩnh vực cùng lúc như bất động sản, năng lượng, chứng khoán, trái phiếu, đầu tư mạo hiểm…Nhưng nguyên tắc là không bao giờ "bỏ hết trứng vào một giỏ". Bên cạnh danh mục đầu tư truyền thống, với tỷ suất lợi nhuận thấp, các quỹ này cũng không ngại đầu tư những khoản tiền nhất định vào các danh mục phi truyền thống, trong đó có đầu tư mạo hiểm, vì thường với những vụ đầu tư này, tỷ suất lợi nhuận luôn rất hấp dẫn. Nhưng dù làm gì, họ luôn tuân thủ các nguyên tắc quản trị rủi ro cần có và đảm bảo tính minh bạch trong đầu tư.
Dù có mức độ tăng trưởng khác nhau qua từng năm, thậm chí có thể có năm thua lỗ, nhưng mấy trăm năm qua, việc này đã giúp tài sản của các trường đại học này liên tục gia tăng, trở thành nguồn ngân sách hoạt động dồi dào cho trường.
Tất nhiên sẽ có ý kiến băn khoăn nếu quỹ tín thác thua lỗ hoặc thậm chí phá sản thì sao? Vấn đề quan trọng nhất là các nước phát triển có hành lang pháp lý đầy đủ và mạnh mẽ đối với hoạt động của quỹ, đòi hỏi sự minh bạch, chống vụ lợi cá nhân và cho phép các biện pháp can thiệp kịp thời. Các trường đại học có thể thay đổi bên quản lý quỹ khi cần thiết.
Trong trường hợp của FUV, ngoài việc tìm kiếm sự ủng hộ từ các cá nhân, tổ chức ở trong nước, chúng tôi cũng vận động gây quỹ ở Mỹ. Số tiền ủng hộ thu được ở Mỹ sẽ được lập thành một quỹ tín thác theo đúng mô hình phổ biến trên thế giới, được quản lý bởi một bên độc lập, đưa đi đầu tư với mục đích phát triển quỹ. Nhưng cách này không áp dụng được ở Việt Nam.
Theo các quy chế hiện hành của pháp luật Việt Nam, Nhà nước mới chỉ cho thành lập quỹ khuyến học và tiền trong các quỹ đó chỉ được phép đầu tư vào 2 hạng mục: 1 là gửi tiết kiệm, 2 là mua trái phiếu chính phủ.
Ưu điểm của hai hạng mục đầu tư này là an toàn, nhưng nhược điểm là lợi nhuận thu hồi trên khoản tiền đầu tư là rất thấp. Nên kể cả có kêu gọi được các khoản đóng góp, thì các trường đại học ở Việt Nam cũng không có nhiều lựa chọn: hoặc là tiêu hết những đồng tiền được cho, hoặc là đầu tư sinh lợi trong một phạm vi hạn hẹp. Đó là lý do khiến quy mô của các quỹ khuyến học ở Việt Nam sẽ rất khó lớn mạnh. Mong rằng, cùng với sự quan tâm ngày càng lớn của các cá nhân, tổ chức cho việc đóng góp, tài trợ cho giáo dục, thì các vướng mắc về cơ chế cũng sẽ được tháo bỏ, giúp giáo dục Việt Nam cất cánh.
Tác giả: Bà Đàm Bích Thủy nhận bằng Cử nhân từ trường Đại học Hà Nội và MBA từ Trường kinh doanh Wharton, Đại học Pennsylvania; nhận học bổng Fulbright theo học cao học ở Hoa Kỳ vào năm 1993.
Sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư nước ngoài và ngân hàng, bà Thủy rời ngành tài chính để tham gia sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam và hiện là Chủ tịch Đại học này.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!