Đề xuất tăng thuế 2.000-5.000 đồng/bao thuốc lá: Chuyên gia nêu ý kiến
(Dân trí) - Góp ý dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi với nội dung liên quan mặt hàng thuốc lá, giới chuyên gia nêu góc nhìn liên quan sự phù hợp của chính sách, hiệu quả sử dụng các nguồn lực của Nhà nước…
Theo ý kiến của các chuyên gia, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là rất cần thiết nhằm hạn chế tiêu dùng và điều tiết sản xuất. Các chuyên gia đều đồng tình với góc nhìn rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng như thuốc lá thể hiện chủ trương đúng đắn của Nhà nước nhằm điều tiết sản xuất, tiêu dùng đối với sản phẩm có hại cho sức khỏe cũng như giúp tăng thu ngân sách Nhà nước.
Nên tăng thuế nhưng cần có giải pháp bổ trợ
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, cần có những giải pháp bổ trợ đi kèm, tính toán hợp lý về mức tăng, lộ trình thực hiện phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp thuốc lá có thời gian thích nghi, ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để hỗ trợ tính ổn định và đóng góp vào tăng trưởng của kinh tế vĩ mô.
Bà Phan Minh Thúy, Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Ban Pháp chế (VCCI), từng chia sẻ trong một hội thảo rằng các đầu mối sản xuất lớn trong ngành đều là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Do đó, tác động đến các doanh nghiệp ngành này cũng sẽ tác động đến hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước và nguồn thu ngân sách.

Một hộ kinh doanh bị phạt hành chính 20 triệu đồng vì buôn bán 450 bao thuốc lá điếu nhập lậu (Ảnh: DMS).
Một số góc nhìn khác cho rằng, nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt hàng năm mà không có khoảng thời gian giữa các lần tăng để doanh nghiệp thích ứng như dự thảo hiện tại có thể dẫn tới mất ổn định trong hoạt động kinh doanh của ngành thuốc lá.
Doanh nghiệp ngành này khi đó sẽ không có thời gian và nguồn lực để tái cơ cấu sản phẩm, chuyển đổi máy móc, vùng trồng nguyên liệu… Điều đó kéo theo sự ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô tại Việt Nam, có thể tác động phần nào tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm nay.
GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, cũng nêu quan điểm rằng giải pháp tăng thuế có thể sẽ giúp ngân sách bớt căng thẳng trong thời gian đầu nhưng về lâu dài những tác hại của nó rất khó lường. Gánh nặng thuế phí tăng cao làm tăng giá cả, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cũng như mục tiêu giảm tiêu thụ trong dài hạn.
Ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng phương án thực hiện. Theo ông, việc tăng thuế đột ngột có thể gây bất ổn trong ngành, đặc biệt khi giá thuốc lá hợp pháp tăng mạnh sẽ thúc đẩy buôn lậu thuốc lá - vốn không chịu thuế và không được kiểm soát chất lượng.
"Chúng tôi cho rằng phương án tăng thuế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay là áp dụng phương pháp hỗn hợp với lộ trình tăng dần. Hiệp hội đề xuất tăng 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030, nhằm tạo ra một lộ trình phù hợp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngành và thị trường", ông nêu.
Chính sách thuế phải giảm động lực của người buôn lậu thuốc lá
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) gợi ý tăng theo từng đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 5 năm, trong khoảng thời gian giữa hai lần tăng thuế thì tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được vấn đề cần tuyên truyền.
Khoảng cách thời gian như vậy sẽ tạo thuận lợi để tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của hai mặt hàng này cũng như giúp doanh nghiệp có thời gian để chuẩn bị và chuyển đổi.
Bên cạnh đó, một số hệ lụy khác cũng nên được tính đến, theo chuyên gia, chẳng hạn như làn sóng buôn lậu ồ ạt vào Việt Nam làm tăng chi phí chống buôn lậu thuốc lá. Mô hình phân tích của PwC cho thấy, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá tăng quá nhanh tại Việt Nam, thuốc lá lậu có thể tăng lên 50 tỷ điếu vào năm 2030.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2016, Việt Nam tăng thuế từ 65% lên 70% dẫn đến số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ 6,8 triệu bao vào năm 2016 lên gần 7,5 triệu bao trong năm 2017.
Năm 2019, khi tăng thuế từ 70% lên 75%, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao trong năm 2019 lên hơn 5,1 triệu bao vào năm 2020 và lên gần 6,6 triệu bao ở năm 2021. Riêng giai đoạn 2019-2021, thuế tăng mỗi lần thêm 5% nhưng thuốc lá lậu đã tăng ít nhất 10% sau mỗi đợt tăng thuế.
Giai đoạn 2019-2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ được hơn 59.600 vụ buôn lậu thuốc lá, đưa ra truy tố, xét xử nhiều tổ chức, cá nhân, tịch thu nhiều phương tiện vận chuyển. Tổng số thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ 37,5 triệu bao, số lượng bị tiêu hủy 22,1 triệu bao.
Đề cập đến thực trạng quản lý thuốc lá lậu tại Việt Nam, trong một hội thảo hồi tháng 7/2024, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Pháp chế, Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), thừa nhận tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra khá phức tạp.
Theo ông Dương, đường biên giới phức tạp, phương thức vận chuyển của các đối tượng ngày càng đa dạng, tinh vi; đối tượng vi phạm ngày càng liều lĩnh, manh động. Bên cạnh đó, nhận thức và tác động của nguồn thu bất hợp pháp... cũng khiến công tác quản lý mặt hàng thuốc lá nhập lậu vẫn gặp nhiều khó khăn.
Vị này cho rằng chính sách thuế với thuốc lá cần được nghiên cứu, điều chỉnh một cách hợp lý để làm giảm động lực của người tham gia buôn lậu, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp.