Tâm điểm
Chi Nguyễn

Paris mùa Olympic có gì lạ không?

Thủ đô nước Pháp đang sống những ngày tràn ngập không khí hội hè và thể thao. Nhiều người dân dường như tạm gạt qua một bên những khúc mắc trong cuộc sống đời thường, tạm quên những rối ren chính trị chưa có lối thoát sau khi Tổng thống giải tán Quốc hội vào tháng 5 vừa qua. Có lẽ bởi vậy, tờ The Wall Street Journal cũng nhận định "Điều ngạc nhiên nhất của kỳ Olympic lần này là ngay cả người Pháp cũng không có gì để mà phàn nàn". 

Với tham vọng đưa Olympic đến gần với mọi người thay vì đóng khung trong các sân vận động kín như thường lệ, chủ nhà Paris đã biến những công trình kỳ vĩ, nổi tiếng của thành phố thành các thánh đường thể thao không thể tưởng tượng nổi. Chẳng hạn như, họ đã mang môn thi xe đạp đường trường nam nữ chạy quanh phố phường Paris để tất cả người dân địa phương cũng như du khách đều có thể tận mắt nhìn thấy và cổ vũ vận động viên, chứng kiến cuộc đua, trở thành một phần của Olympic theo cách đơn giản và bình dân nhất.

Bên cạnh đó, 26 fanzone (khu tập trung cổ động viên) và các điểm hoạt động thể thao trang bị màn hình cỡ lớn bố trí khắp Paris (do thành phố Paris chủ trì, với mạng lưới tình nguyện viên riêng của thành phố) để không khí Olympic có thể "tràn" ra đường phố, ngõ ngách.

Nếu không có vé xem trực tiếp các môn thi, bạn cũng có thể tận hưởng một không khí cũng vui không kém tại các fanzone. Người Pháp đi theo gia đình, theo nhóm bạn bè, đi một mình… thậm chí vừa picnic tại đây vừa theo dõi các trận đấu. Nhiều môn thể thao Olympic được bố trí tại các fanzone cho người lớn, trẻ em… để tất cả đều có thể khám phá.

Paris mùa Olympic có gì lạ không? - 1

Môn cưỡi ngựa biểu diễn và vượt rào diễn ra tại Công viên hoàng gia Versailles (Ảnh: ĐSQ Pháp).

Ước tính khoảng 15,3 triệu khách du lịch đến Paris trong thời gian diễn ra 2 kỳ Olympic và Paralympic, cùng với hàng triệu người dân địa phương đổ ra đường, Paris đang trong những ngày hân hoan, hội hè…, rất khác với một Paris chật chội, chen chúc thường thấy. Paris thời gian này rất ít ô tô chạy ở trung tâm thành phố, toàn bộ không gian đô thị trung tâm dành cho người đi bộ và xe đạp. Một không khí mùa hè thư giãn chưa từng thấy!

Hệ thống giao thông công cộng cũng vận hành trơn tru, cho đến nay không có đình công, không có hủy chuyến như mọi người lo ngại. Bước lên tàu điện ngầm bắt gặp đủ mọi quốc tịch, đủ mọi hướng đi, mọi người dễ dàng bắt chuyện hỏi han nhau, vui vẻ, thân thiện khác hẳn sự bí bách, ngột ngạt thậm chí căng thẳng của tàu điện tan tầm mọi khi.

Pháp huy động 45.000 cảnh sát từ cả nước và 10.000 quân nhân tăng cường để đảm bảo an ninh cho Olympic, nên du khách và khán giả có thể bắt gặp lực lượng an ninh khắp nơi. Mạng lưới tình nguyện viên cũng rất hùng hậu, riêng đội tình nguyện viên của Olympic đã 45.000 người, chưa kể 5.300 tình nguyện riêng của thành phố Paris, và 6.000 tình nguyện viên của công ty đường sắt quốc gia (SNCF) tại các bến tàu… Chỉ cần bạn có dấu hiệu tìm kiếm, sẽ có người sẵn sàng trợ giúp. Ngay cả việc cầm khung hình Paris 2024 chụp ảnh lưu niệm cũng có tình nguyện viên nhiệt tình giúp bạn chụp đủ tư thế. Công tác tổ chức tốt và hiệu quả đến từng chi tiết cùng sự thân thiện của nước chủ nhà khiến du khách nước ngoài ngạc nhiên thích thú, vì người Paris nổi tiếng lạnh lùng và thờ ơ với khách du lịch.

Trước khi Thế vận hội diễn ra, đã có những ý kiến phàn nàn, chỉ trích, rằng Olympic làm phiền cuộc sống của người Paris, tiêu tốn nhiều tiền thuế của dân. Nhưng thực tế 96% ngân sách Olympic là từ các quỹ tư nhân, bản quyền và bán vé.

Paris 2024 đạt kỷ lục số vé bán ra với 9,2/10 triệu vé đã bán tính đến ngày 3/8, và  tổng chi phí cho cả 2 kỳ đại hội Olympic và Paralympic dự kiến 11,2 tỷ euro, thấp hơn nhiều so với Tokyo hay Bắc Kinh hay Luân Đôn, do Pháp sử dụng 95% hạ tầng đã có, xây dựng chủ yếu sân vận động di động. Nước Pháp chỉ xây mới một công trình duy nhất từ ngân sách là Trung tâm Thể thao dưới nước; còn Làng vận động viên sẽ trở thành khu dân cư mới với 2.800 căn hộ cho 6.000 người, trong đó 25% là nhà ở xã hội…

Bên cạnh một Olympic tích cực được người dân thủ đô Paris và khách quốc tế thưởng thức từng phút giây, đúng là đã có rất nhiều chi tiết ngoài thể thao gây tranh cãi. Từ một lễ khai mạc vừa lộng lẫy, hoành tráng vừa táo bạo đến mức gây tranh cãi chưa từng có trong lịch sử, cho đến vấn đề điều hòa trong làng vận động viên, không có đá lạnh, thức ăn không đủ, ngủ trưa ngoài công viên, nước sông ô nhiễm…

Nhưng, chúng ta sẽ có cái nhìn thấu hiểu hơn nếu có đầy đủ thông tin và tìm hiểu sự khác biệt trong văn hóa, thói quen, lối sống cũng như việc Paris 2024 hướng đến kỳ Thế vận hội Xanh.

Làng Olympic được xây dựng theo tiêu chuẩn BOPES (tòa nhà tự sản xuất và tiêu thụ năng lượng, sử dụng lưu thông khí dưới sàn để làm mát) giảm lượng thịt để giảm thải carbon (mục tiêu giảm 1/2 lượng khí thải carbon so với các kỳ thế vận hội khác) và thay protein bằng các nguồn thực phẩm khác… Có thể nói Pháp ứng phó với biến đổi khí hậu khá thực chất với tư cách là nước chủ nhà của Hiệp định khí hậu Paris 2016.

Paris mùa Olympic có gì lạ không? - 2

Màn trình diễn của vận động viên tham dự Olympic bên bờ sông Seine (Ảnh: ĐSQ Pháp).

Thế vận hội cũng đóng vai trò là động lực thúc đẩy việc làm sạch sông Seine, với khoản đầu tư đáng kể được phân bổ cho việc khắc phục ô nhiễm, hướng tới mục tiêu cho phép tất cả người dân Paris tận hưởng dòng sông từ năm 2025 trở đi. Sáng kiến này là một phần trong kế hoạch phục hồi khí hậu trong tương lai của thành phố.

Có thể nói Olympic Paris 2024 đang thiết lập các chuẩn mực mới, chuyển trọng tâm từ việc nước chủ nhà thích nghi với Thế vận hội sang việc Thế vận hội thích nghi với nước chủ nhà và nhu cầu kinh tế, xã hội và môi trường của họ.

Sau tất cả tranh cãi, chúng ta đang chứng kiến một Olympic với các điểm thi đấu đẹp lộng lẫy có nền là các công trình biểu tượng của Paris như tháp Eiffel, lâu đài Versailles, Cung điện Lớn (Grand Palais), bảo tàng quân sự Invalides, cầu Alexandre III, quảng trường Trocadero… Khán đài luôn chật kín khán giả với bất cứ môn thi nào và không khí vô cùng sôi động, làm người Paris thay đổi thái độ, tự hào là người Pháp, tự hào là thành phố tổ chức một trong những kỳ Thế vận hội ấn tượng nhất trong lịch sử.

Người Pháp vốn có thói quen đi nghỉ vào mùa hè, nhưng giờ đây nhiều người đã phải nôn nóng quay về để tận hưởng không khí Olympic.

Một sự kiện tầm cỡ quốc tế kéo dài trong 17 ngày với gần 11.000 vận động viên, 34.000 phóng viên, cả chục triệu khách du lịch… không thể tránh khỏi những hạt sạn. "Nhưng nếu bạn chỉ chú tâm vào soi một hạt sạn thì bạn đã bỏ lỡ mất 1.000 chi tiết thú vị khác của Olympic", như một độc giả của tờ The Economist nói. Còn người Paris, họ đang bận rộn tận hưởng sự kiện đời người có một lần trên ngay chính thành phố của mình.

Tác giả: Chi Nguyễn từng công tác tại Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam. Hiện nay, chị cùng gia đình đang sinh sống và làm việc tại Paris, Pháp.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!