Những chiếc điện thoại xấu xí tại lễ tang nghệ sĩ
Tang lễ của nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh được tổ chức từ ngày 6 đến 9/3 tại nhà riêng. Bên cạnh dòng người xếp hàng trật tự khi đến viếng "ông hoàng cải lương", hàng chục YouTuber, TikToker (những người sản xuất nội dung trên mạng xã hội) đã gây náo loạn khi ghi hình, livestream tang lễ.
Vào thời điểm trang nghiêm nhất, xúc động nhất của lễ tang, những người này không ngừng chen lấn lên phía trên, tay cầm điện thoại và liên tục đưa ra những lời giới thiệu, bình luận về người nhà cũng như các nghệ sĩ đến viếng để cập nhập thông tin cho video của họ. Các YouTuber, TikToker này còn cản trở công tác tổ chức tang lễ và gây ùn ứ giao thông trên tuyến đường đưa nghệ sĩ Vũ Linh về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đại diện gia đình nhiều lần nhắc nhở và các bảo vệ túc trực tại tang lễ cũng ra can thiệp, nhưng lực lượng streamer (những người phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội) tụ tập ngày càng đông. Mỗi khi có nghệ sĩ nổi tiếng đến viếng thì đám đông càng trở nên nhốn nháo.
Đây không phải lần đầu xuất hiện lực lượng streamer bất chấp pháp luật và đạo đức ở lễ tang nghệ sĩ Việt. Từ nhiều năm nay, nhóm các YouTuber, TikToker này thường xuyên kéo đến các sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều người để quay phim, chụp ảnh, phát trực tiếp trên các kênh cá nhân của họ, qua đó tăng tương tác và kiếm tiền nhờ kênh cá nhân của họ trên mạng xã hội.
Để thu hút nhiều người xem, không ít streamer đã phớt lờ nguyên tắc cộng đồng và đưa thông tin thất thiệt, thậm chí là báng bổ người đã khuất như loạt video về tang lễ nghệ sĩ Vũ Linh của nhóm YouTuber, TikToker nói trên.
Từ chỗ thường chỉ quay video, livestream các sự kiện liên quan đến người nổi tiếng, nghệ sĩ, giới showbiz…, gần đây vấn nạn nói trên đã lây lan ra các sự kiện khác. Người viết bài này vừa chứng kiến tại tang lễ một sĩ quan quân đội, ở thời điểm trang nghiêm nhất, xúc động nhất vẫn có một số người thản nhiên cầm điện thoại quay video và phát trực tiếp lên mạng xã hội. Ai chứng kiến cảnh đó cũng không khỏi lắc đầu ngán ngẩm.
Xét ở góc độ pháp lý, hành vi ghi hình khi chưa được sự đồng ý của người khác là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân theo quy định tại Điều 32, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, người dân được phép ghi hình mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ trong hai trường hợp: một là, hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hai là, hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Việc ghi hình được thực hiện trong trường hợp không bị ràng buộc những quy định, yêu cầu khác.
Ngoài những trường hợp trên, các YouTuber, TikToker không được quay phim và đăng tải video lên mạng xã hội khi chưa được đồng ý của cá nhân liên quan dù với bất kỳ mục đích gì.
Hơn nữa, việc đăng tải các nội dung thất thiệt, sai sự thật, trái pháp luật lên mạng xã hội là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật An ninh mạng và các quy định pháp luật trong hoạt động viễn thông, công nghệ thông tin, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo mức độ, tính chất vi phạm.
Thiết nghĩ, trước hết mỗi YouTuber, TikToker khi bấm nút quay nên tự hỏi: làm vậy thì có đúng quy định của pháp luật không? Nếu người trong video là bản thân hoặc người thân của mình thì sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Mỗi người cần nâng cao nhận thức của mình về việc sử dụng mạng xã hội theo nguyên tắc an toàn, lành mạnh; thực hiện đúng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Để dẹp vấn nạn trên, cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật để răn đe, cảnh tỉnh lực lượng streamer đang hoạt động bất chấp các giá trị cộng đồng.
Đừng để những chiếc điện thoại xấu xí trong các lễ tang hay các sự kiện nóng trở thành xu hướng văn hóa phản cảm và tồn tại dai dẳng.
Tác giả: Nguyễn Dương là phóng viên của báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!