Ngồi nhà làm hộ chiếu
Tôi làm hộ chiếu đầu tiên vào năm 2009. Khi đó, do nhu cầu công tác trong khu vực Đông Nam Á, cùng ý định hành hương các thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ nên tôi về quê để làm hộ chiếu.
Chi phí về quê riêng tiền vé máy bay khứ hồi TPHCM - Quảng Nam là gần 5 triệu đồng, ngoài ra tôi còn phải xin nghỉ phép, mất gần một tuần ở quê mới có được tấm giấy hẹn.
Đến năm 2019, hộ chiếu hết hạn sau 10 năm, tôi chưa kịp làm lại thì xảy ra đại dịch Covid-19. Đầu năm nay, tôi có việc cần đi Thái Lan nên tìm hiểu thông tin để làm hộ chiếu mới. Nhờ tìm hiểu kỹ lưỡng, tôi được biết chỉ cần đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, với số điện thoại chính chủ (đã đăng ký với nhà mạng) thì tôi có thể ngồi nhà khai các thông tin cần thiết để xin cấp mới hộ chiếu phổ thông.
Sau khi đăng ký thành công tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tôi vào "Dịch vụ công trực tuyến", tìm kiếm thư mục cần làm hồ sơ (cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử ở trong nước). Các bước trong quy trình làm hồ sơ trực tuyến khá đơn giản, từ nộp tờ khai, giấy tờ liên quan (căn cước công dân), đến hình ảnh gắn trên hộ chiếu được tôi chuẩn bị sẵn nên thao tác chỉ trong 15 phút.
Nộp hồ sơ thành công, tin nhắn tự động từ cổng dịch vụ công quốc gia gửi về số điện thoại cá nhân của tôi xác nhận: "hồ sơ của ông/bà đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý", đồng thời lưu ý tôi "truy cập hệ thống phản ánh, kiến nghị để biết thêm chi tiết".
Tôi vào hệ thống kiến nghị, truy cập vào số hồ sơ của mình rồi nộp tiền online theo hướng dẫn, quét mã và thanh toán thành công. Vài tuần sau, tôi nhận được hộ chiếu gửi về nơi cư trú ở TPHCM mà không phải mất thêm bất cứ chi phí nào, cũng không cần nghỉ phép, về quê ở Tam Kỳ như hồi 14 năm trước.
Từ kinh nghiệm của mình, tôi hướng dẫn vài người khác thực hiện theo quy trình, có người thành công nhưng cũng có người gặp sự cố do thao tác, do còn chưa quen với quy trình làm việc online, nhất là những người không giỏi công nghệ, người lớn tuổi. Nhưng nhìn chung nếu kiên nhẫn và thực hiện đúng các bước theo hướng dẫn thì tất cả đều nộp hồ sơ thành công.
Mới đây, do cần lý lịch tư pháp để hoàn thiện hồ sơ cùng nhóm bạn thời phổ thông lập quỹ học bổng cho học sinh quê nhà, tôi thực hiện yêu cầu "cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam". Tuy nhiên, do tôi nộp hồ sơ từ cổng dịch vụ công quốc gia, nhưng hồ sơ lại lưu về "Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính" của tỉnh Quảng Nam nên đã xảy ra sự cố. Hồ sơ nộp đi ngày 18/8/2023, tôi chờ mãi chỉ thấy tình trạng "yêu cầu bổ sung giấy tờ", khi đăng nhập vào tài khoản thì không thể xử lý được yêu cầu tự động này.
Tôi quyết định gửi phản ánh trực tiếp lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong mục "Phản ánh kiến nghị". Cổng chuyển phản ánh của tôi về địa phương ngày 20/9/2023, sau đó tôi được hướng dẫn nộp lại hồ sơ qua "Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Quảng Nam". Chị chuyên viên của Sở Tư pháp tỉnh gọi điện cho tôi hướng dẫn chi tiết, nhẹ nhàng, dễ hiểu rằng với các giấy tờ do tỉnh, sở ban ngành của tỉnh cấp thì vào https://dichvucong.quangnam.gov.vn/ để thao tác thay vì vào https://dichvucong.gov.vn/. Cuối cùng, tôi nhận được tin nhắn hẹn trả kết quả vào ngày 20/10/2023.
Có thể thấy công tác chuyển đổi số quốc gia đã có những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua, thể hiện qua một vài số liệu như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoạt động hiệu quả, năng lực phục vụ được tăng cường với 1,6 triệu giao dịch hàng ngày; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã tiếp nhận gần 1,2 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin…
Hàng loạt dịch vụ công đã được triển khai ở cấp độ 4 (thực hiện thủ tục, thanh toán lệ phí, trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện). Nhờ đó, tôi đã không còn cần phải về quê để làm hộ chiếu mà có thể ngồi ở nhà thực hiện yêu cầu của mình. Chi phí tiết kiệm được từ một trường hợp cụ thể như tôi nhân lên hàng triệu người chắc chắn là con số rất lớn.
Qua trải nghiệm bản thân, tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực xử lý của Cổng dịch vụ công quốc gia và tuyên truyền rộng rãi hơn về nền tảng hữu ích này.
Không phải người dân nào cũng đã biết có một nơi rất thuận tiện trong việc kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến như Cổng dịch vụ công quốc gia. Hơn nữa, người dân trên toàn quốc còn có thể nêu phản ánh, kiến nghị, và hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến thông qua nền tảng này.
Đơn cử là vào các dịp đầu năm, ngay cả những năm gần đây và năm 2023 này, tôi thấy người dân thường phải đổ xô đến Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh của Công an địa phương để làm hộ chiếu, giấy thông hành. Nếu một người quê Quảng Nam, ngồi ở TPHCM vẫn có thể làm được hộ chiếu như tôi thì không có lý do gì những người dân ở ngay địa phương mình lại phải xếp hàng đi làm hộ chiếu như vậy.
Vấn đề tiếp theo là chúng ta không chỉ cần thiết đơn giản hóa thủ tục hành chính mà còn phải đơn giản hóa cả các thao tác tiến hành thủ tục online, sao cho người dân dù không am hiểu công nghệ vẫn có thể làm được, dễ dàng truy cập, dễ dàng sử dụng, và cơ quan chức năng nên bố trí nhân viên hỗ trợ qua đường dây nóng.
Dịch vụ công trực tuyến được hiểu là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Chúng ta nói nhiều về chuyển đổi số, tuy nhiên kết quả cần được thể hiện ở số lượng dịch vụ công trực tuyến và số lượng người dân được thụ hưởng thành quả của tiến bộ công nghệ.
Tác giả: Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!