Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Mùng ba Tết thầy

"Mùng một Tết cha - Mùng hai Tết mẹ - Mùng ba Tết thầy". Ngày Tết thầy rất được coi trọng theo truyền thống nước ta nên mới đi vào thành ngữ dân gian. Vì sao lại vậy?

Học giả Phạm Quỳnh từng viết trong bài Nhà nho trên báo Nam Phong số 172 vào tháng 5/1932 mô tả chi tiết như sau: "Xã hội nước ta (lúc đó) chỉ có hai giai cấp lớn: một hạng bình dân, là dân quê làm ruộng, một hạng học thức, tức là nhà nho. Hạng bình dân coi hạng học thức là thầy dạy bảo, là người đưa đường, sẵn lòng phục tòng, không có đố kỵ. Hạng học thức cũng tự nhận cái chức trách đó, không lạm dụng, không kiêu căng".

Tất nhiên cần hiểu Phạm Quỳnh đang viết về mô hình điển hình của 2 giai cấp lớn nhất trong xã hội thời đó, mà vai trò người thày là vô cùng quan trọng. Thậm chí người thầy ngoài truyền thụ kiến thức, có thể như cha mẹ của học trò khi dạy bảo mọi việc ở đời.

Mùng ba Tết thầy - 1

"Tết thầy" là một trong ba việc quan trọng của mỗi người trong những ngày đầu năm mới (Minh họa: Ngọc Diệp).

Ngày xưa khi còn khoa cử (chế độ tuyển bạt quan viên qua trắc nghiệm), học trò theo học tại nhà các thầy đồ hoặc một địa điểm nào đó do cộng đồng làng, xã tổ chức; con em nhà giàu thì có thể mời thầy đồ đến nhà nuôi ăn ở và dạy học. Trường "đại học công lập" đầu tiên là Quốc tử giám, ban đầu chỉ dành cho con vua và con các bậc đại quyền quý, về sau mới mở rộng thu nhận cả con cái các nhà thường dân có sức học xuất sắc.

Con em nhà nghèo không có điều kiện vào Quốc tử giám thì chỉ trông cậy vào các thầy đồ ở quê nhà và tự học để đi thi. Hầu hết các thầy đồ ngày xưa khi nhận học trò thì học phí chỉ là một ít thóc gạo hay chút tiền nhỏ mỗi tháng, thu nhập đó chỉ vừa đủ sống thanh bạch. Có những học trò nghèo quá, mà học giỏi, thì thầy nhận vào nuôi luôn, sau lớn lên còn gả con gái cho.

Ngày lễ ngày Tết, gia đình các học trò thường mang biếu thầy hoa quả, gạo nước hay bánh trái chủ yếu do nhà làm ra để cám ơn và cũng để cho gia đình thầy có dư giả hơn vào ngày Tết. Phải chăng "Tết thầy" đi vào thành ngữ dân gian là như vậy. Phụ huynh thường đem quà bánh biếu thầy trước Tết. Rồi đến Tết vào ngày mùng 3 thì tới chúc mừng năm mới nhà thầy.

Vì tư cách của người thầy ngày xưa là người hướng đạo, dạy bảo, là tấm gương tri thức, nên sự tôn sư trọng đạo rất lớn. Đặc biệt Việt Nam ta là một quốc gia có truyền thống hiếu học, học sinh rất thông minh. Khi thực dân Pháp vào nước ta, họ mở Viện đại học Đông Dương vào năm 1906, là đại học đầu tiên được mở ở tất cả các thuộc địa của Pháp trên thế giới. Viện đại học này mở ra, các cha mẹ người Việt cho con đi học rất đông, dù vào được rất khó khăn và tốn kém.

Nhìn lại lịch sử để thấy không phải tự nhiên một truyền thống đẹp được sinh ra. Nó cần có các điều kiện cần và đủ. Một bên là người thầy tận tụy, hết lòng vì học trò, luôn giữ vai trò người khai sáng, người hướng đạo mẫu mực. Một bên là học trò chăm chỉ học hành, trân trọng kiến thức, coi trọng lời chỉ bảo khuyên giải đúng đắn của thầy cô. Và một bên là cha mẹ học trò luôn hết lòng đầu tư cho con ăn học, tôn trọng việc thực học của con và cùng phối hợp với thầy cô để dạy con thành người.

Nếu không có các điều kiện quan trọng này, thì người ta có thể biến truyền thống tôn sư trọng đạo, biến ngày Tết thầy trở thành câu chuyện thương mại "chạy thầy", "chạy điểm"…

Ý nghĩa tốt đẹp của truyền thống tôn sư trọng đạo, của ngày Tết thầy là điều mà cả thầy cô, học trò và cha mẹ đều phải thực tâm, nghiêm cẩn thực hành mỗi ngày.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!