Tâm điểm
Vũ Ngọc Bảo

Mức sống và mức giảm trừ gia cảnh

Những bất cập trong cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã được nói đến lâu nay, và một lần nữa được đại biểu nhắc đến tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Trong phiên thảo luận về ngân sách Nhà nước ngày 2/11, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm nêu quan điểm các quy định trong tính thuế TNCN như khởi điểm thu nhập chịu thuế, mức chiết trừ gia cảnh, bậc chịu thuế... không được cập nhật theo biến động của lương tối thiểu, giá cả và lạm phát. "Có nội dung đã lạc hậu cả chục năm. Đây là bất cập lớn", ông Lâm nói.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận "Mức giảm trừ gia cảnh so với lương bình quân là cao, nhưng so sánh với mức sống đô thị của người dân, mức tính thuế và giảm trừ gia cảnh hiện nay là thấp".

Mức sống và mức giảm trừ gia cảnh - 1

Lao động không có người phụ thuộc thì tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng sẽ phải đóng thuế TNCN (Ảnh minh họa: Mạnh Quân)

Để dễ hình dung, nếu một lao động không có người phụ thuộc thì tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng sẽ phải đóng thuế TNCN; trường hợp có một người phụ thuộc, thu nhập trên 15,4 triệu đồng/tháng là ngưỡng phải đóng thuế (giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu). Đây là các mức thu nhập được cho không đủ sống hoặc rất khó khăn với người dân ở các đô thị lớn, tuy nhiên, lại là mức họ đã phải chịu thuế TNCN.

Đơn cử, chi phí cho một học sinh theo học ở trường tư tại Hà Nội hoặc TPHCM hiện nay tối thiểu 5-6 triệu đồng, còn trường công cũng phải từ 2-3 triệu đồng (học phí chính khóa, học thêm, bán trú…). Đây là chưa tính các chi phí khác ngoài giáo dục. Như vậy thu nhập 15-16 triệu đồng thực chất chỉ đủ chi phí học tập và trang trải cuộc sống cho hai người ở mức tối thiểu, chật vật.

Chính vì lý do trên, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã cho rằng mức tính thuế và giảm trừ gia cảnh hiện nay còn thấp, cần sớm được điều chỉnh theo hướng nâng cao hơn.

Về nguyên tắc thì tính công bằng trong thuế TNCN phải được thể hiện thông qua việc những người có thu nhập như nhau phải nộp thuế như nhau, người có thu nhập cao hơn phải nộp thuế nhiều hơn so với người thu nhập thấp hơn. Tuy nhiên giá cả hàng hóa, chi phí thực tế cho cuộc sống giữa các vùng miền là khác nhau, nói một cách nôm na là chi phí ở các vùng phát triển hơn, các khu đô thị thường đắt đỏ hơn những nơi còn lại. Đây là một trong những lý do chúng ta có mức lương tối thiểu vùng khác nhau.

Theo thiết kế hiện nay, những người cùng mức thu nhập thì mức đóng thuế là như nhau, tuy nhiên do mức sống vùng miền khác nhau nên chi phí cho cuộc sống của người dân sau khi đóng thuế lại khác nhau. Một người dân sống ở vùng I có thu nhập 16 triệu đồng/tháng, sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ mua được ít hàng hóa hơn những người có cùng thu nhập sống ở các vùng II, III và IV. Như vậy, vô hình trung thuế TNCN đã không còn đảm bảo nguyên tắc công bằng.

Để giải quyết vấn đề trên, thuế TNCN cần quy định ngưỡng chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh trên cơ sở phân chia các vùng tương tự như mức lương tối thiểu vùng. Qua đó vừa đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống luật vừa đảm bảo tính công bằng trong quá trình thực thi.

Trên đây chỉ là hai bất hợp lý (khởi điểm chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh và ngưỡng chịu thuế ở các vùng) trong số nhiều vấn đề khác cần "mổ xẻ" của thuế TNCN. Trong bối cảnh cần "khoan thư sức dân" hiện nay thì sửa đổi Luật thuế TNCN là việc cần thiết và cấp thiết. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, cơ quan này đã đề xuất đưa vào chương trình sửa Luật thuế thu nhập cá nhân, tuy nhiên dự luật này chưa được bổ sung vào chương trình làm luật trong thời gian tới, nên trước mắt Bộ Tài chính sẽ sửa một số luật khác.

Việc chậm sửa đổi Luật thuế TNCN sẽ kéo dài các bất hợp lý đã được chỉ ra và có những vấn đề đã được thừa nhận rộng rãi. Lẽ nào chúng ta thấy bất hợp lý mà không sửa ngay theo quy trình luật định?

Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!