Ngày gia đình Việt Nam: Nhân viên có con nhỏ cần được thấu hiểu hơn

Trường Thịnh

(Dân trí) - Thời gian nghỉ thai sản 4-6 tháng và trợ cấp thai sản chưa đủ để giữ chân nhiều người mẹ với công việc toàn thời gian khi áp lực "giỏi việc nước, đảm việc nhà" vẫn còn đè nặng.

Theo Luật Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong thời kỳ mang thai, nhân viên nữ tham gia Bảo hiểm xã hội được phép nghỉ khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày và nghỉ thai sản hưởng lương 6 tháng sau sinh. Các ông bố cũng được trao cơ hội tận hưởng niềm vui và chia sẻ trách nhiệm chăm con với chế độ nghỉ 5-7 ngày tùy trường hợp vợ sinh thường hay sinh mổ.

Nhưng hành trình nuôi con nhỏ vốn không chỉ kéo dài vài ngày hay vài tháng, phụ huynh có thể nhanh chóng kiệt sức trước thử thách duy trì cán cân công việc - gia đình và chọn rút về hậu phương nếu phòng nhân sự không đủ tâm lý để thiết kế các gói phúc lợi phù hợp.

Bố mẹ đi làm như "người đứng trên dây"

Nếu lúc còn son rỗi, sau giờ làm là thời gian để nhân viên "sạc pin" thì khi có con nhỏ, đồng hồ điểm 17h là lúc các ông bố bà mẹ lao vào một cuộc chiến khác. Vân Anh (35 tuổi) cho biết: "Bé nhà mình năm nay vào lớp 1. Sau 8 tiếng làm việc tại văn phòng, đúng 16h30, mình phải nhanh chóng rời công ty để kịp đón con. Sau đó là chuỗi cho bé tắm rửa, ăn uống, làm bài tập. 22h, khi con đã ngủ, mình lại mở máy hoàn thành những đầu việc còn dang dở. Tình trạng này kéo dài khiến mình thực sự bị vắt kiệt. Thậm chí mình và chồng từng bàn đến chuyện mình nghỉ việc để có thể toàn tâm chăm lo gia đình".

Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty Nhân sự Talentnet cho biết: "Nhân viên nữ là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề bởi tiêu chuẩn kép "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Trong cao điểm đại dịch Covid-19, trường học đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp ở nữ giảm sâu lên đến 10,8% do nhiều người mẹ quyết định hy sinh công việc để trông nom con cái".

Ngày gia đình Việt Nam: Nhân viên có con nhỏ cần được thấu hiểu hơn - 1
Vừa chu toàn công việc, vừa chăm con khiến nhiều bố mẹ rơi vào tình trạng kiệt sức (Ảnh minh họa: Talentnet).

Trường hợp của chị Vân Anh rất phổ biến. "Báo cáo Tình trạng kiệt sức của nhân viên có con nhỏ và cách giải quyết" của Đại học Ohio cho biết, 66% phụ huynh có con nhỏ cảm thấy cận kề trạng thái "sập nguồn". Có đến 64% nhân viên Mỹ có con trong độ tuổi 3-17 cho biết họ đang cân nhắc nghỉ việc do không nhận được sự cảm thông và hỗ trợ.

Ba phúc lợi giúp nhân viên "an gia lập nghiệp"

Theo bà Tiêu Yến Trinh, nhân Ngày gia đình Việt Nam (28/6), nhân viên có con nhỏ cần được thấu hiểu hơn. Nhìn vào thực tế tại Việt Nam, phúc lợi cho bố mẹ Việt chỉ mới dừng lại ở giai đoạn tiền thai sản và thai sản. Khi con đủ 6 tháng, "tay ôm con, tay ôm máy" là trận chiến mà họ phải đơn độc đối đầu. Đây là lúc phòng nhân sự cần giảm áp lực cho các ông bố bà mẹ bằng các gói phúc lợi thiết thực.

Mở rộng phúc lợi y tế cho bé: Trung bình, một đứa trẻ dưới 6 tuổi sẽ mắc các bệnh lý hô hấp 6 lần/năm, chưa kể các đợt sốt siêu vi, rối loạn tiêu hóa và các bệnh lý khác. Con bệnh là cơn ác mộng với bố mẹ, không chỉ về tâm lý mà còn về các khoản chi cho thuốc men, thăm khám bác sĩ, xét nghiệm, nằm viện… Lúc này, một gói bảo hiểm y tế cho bé sẽ là chiếc phao cho họ bám víu, ba mẹ giảm áp lực gia đình, yên tâm công tác.

Hỗ trợ chi phí giữ trẻ, học phí: Phúc lợi giáo dục có thể bao gồm hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ với trẻ dưới 5 tuổi, hoặc học phí hàng năm với trẻ từ 6 tuổi trở lên. Trong trường hợp không thể hỗ trợ chi phí này, doanh nghiệp cũng có thể tham khảo gói chi phí giữ trẻ sau giờ tan học khi bố mẹ tăng ca tương tự như Delloitte. Khoảng hỗ trợ này có thể lên đến 30 ngày làm việc ngoài giờ, khiến cha mẹ cảm thấy an ủi phần nào trong những ngày tất bật với deadline.

Ngày gia đình Việt Nam: Nhân viên có con nhỏ cần được thấu hiểu hơn - 2
Phúc lợi giáo dục là một trong những loại hình được cha mẹ có con nhỏ mong đợi (Ảnh minh họa: Talentnet).

Chính sách làm việc từ xa: 92% nhân viên có con nhỏ tại Mỹ cho biết họ mong muốn làm việc tại nhà nhiều hơn. Nhu cầu này có thể gây bối rối cho phòng nhân sự trước đại dịch, nhưng Covid-19 đã khiến khái niệm làm việc từ xa trở nên quen thuộc. Thậm chí khi đại dịch qua đi, BDO, một công ty tư vấn kế toán tại Bỉ vẫn cho phép bố mẹ có con nhỏ tiếp tục làm việc từ xa để họ có thêm thời gian nấu bữa cơm tươm tất, dọn dẹp căn nhà bừa bộn hoặc ngồi xuống đọc cho con quyển sách.

Đa số nhân viên có con nhỏ là nhóm lao động có kinh nghiệm, thâm niên. Việc thất thoát nhóm lao động này có thể gây tổn thất đáng kể cho doanh nghiệp. Vì vậy, cá nhân hóa phúc lợi là giải pháp phù hợp để giữ chân nhân tài. Doanh nghiệp có thể mượn nền tảng của các ứng dụng số để triển khai cá nhân hóa phúc lợi. Có thể kể đến một số ứng dụng do người Việt phát triển như Vui App của Nano Technologies giúp chi lương linh hoạt, hỗ trợ người lao động trong những giai đoạn cần thiết, đặc biệt là với nhân viên có con nhỏ khi họ luôn có các khoản chi phí phát sinh; hoặc UrStaff - Giải pháp Phúc lợi số được phát triển bởi UrBox, nhằm đem lại các giải pháp tối ưu về quản lý, vận hành và triển khai các chương trình phúc lợi số toàn diện dành cho Doanh nghiệp.