Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

Mất chức giám đốc sở vì chơi golf trong giờ hành chính

Tôi khá ngạc nhiên khi biết tin ông Đặng Trần Trung đã được cho thôi đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Ninh, chỉ sau khoảng hai tháng rưỡi ông bị phát hiện chơi golf trong giờ hành chính.

Đặt trong bối cảnh nước ta từ trước đến nay, trường hợp cho thôi giữ chức vụ đối với ông Trung có thể nói là một quyết định thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, quan điểm dứt khoát của các cấp quản lý cán bộ ở địa phương.

Về phương diện hành chính, việc ông Trung chơi golf trong giờ làm việc là một biểu hiện "lệch chuẩn công quyền", cho thấy thái độ thiếu nghiêm túc, thiếu ý thức và trách nhiệm công vụ, coi thường các quy tắc hoạt động của bộ máy hành chính.

Mất chức giám đốc sở vì chơi golf trong giờ hành chính - 1

Hình ảnh báo VTC News ghi nhận, phản ánh.

Cho dù ông Trung có thể phân công thành viên khác trong ban lãnh đạo Sở NN&PTNT trực lãnh đạo thì ông cũng không thể ngang nhiên sử dụng thời gian trong giờ hành chính cho các thú vui cá nhân. Vụ việc sẽ nghiêm trọng hơn nếu trong thời gian ông Trung đi chơi golf phát sinh vấn đề cần ông trực tiếp giải quyết, nhưng vì ông vắng mặt nên phải lui lại hôm sau.

Với vị trí và vai trò đang đảm nhiệm, việc ông Trung chơi golf trong giờ hành chính là biểu hiện thiếu gương mẫu của cán bộ lãnh đạo. Là tỉnh ủy viên, bí thư đảng ủy và giám đốc Sở, ông Trung thuộc nhóm cán bộ cấp cao ở địa phương. Hẳn nhiên, Đảng, Nhà nước, và Nhân dân đều kỳ vọng những cán bộ như ông sẽ là những hạt nhân trong việc gương mẫu chấp hành các quy tắc hành chính. Nếu ông nghiêm túc chấp hành các chuẩn mực công quyền thì cả đơn vị cũng sẽ phải nghiêm túc và ngược lại.

Sự việc liên quan đến ông Trung cho thấy thói quen tùy tiện vẫn đang hiện hữu trong một bộ phận cán bộ Nhà nước. Đó là sự không phân định rạch ròi giữa việc Công và việc Tư, giữa trong giờ làm việc (giờ hành chính) và ngoài giờ làm việc, khi thời gian thuộc về cá nhân. Chính sự thiếu ý thức, lẫn lộn Công - Tư đã dẫn đến hệ quả là có những cán bộ công quyền coi nhẹ, thậm chí coi thường việc tuân thủ các nguyên tắc, quy tắc luật pháp và hành chính.

Nơi công sở nhưng cán bộ, công chức lại hành xử như một cá nhân chứ không phải là một đại diện công quyền. Thời gian hành chính, làm việc để phục vụ người khác nhưng lại được sử dụng như thời gian riêng tư, phục vụ chính mình. Việc công nhưng lại ưu ái, xử lý như việc của cá nhân, hoặc người thân của mình. Hệ quả là cơ quan Nhà nước có thể bị lạm dụng, trở thành một phương tiện để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân vị kỷ.

Có thể nói, tình trạng không tách bạch Công - Tư chính là một trong những yếu tố hàng đầu có thể tạo ra sự trì trệ, tiêu cực trong bộ máy công quyền. Coi công sở như nhà của mình, việc công cũng như việc riêng sẽ khiến các quyết định công quyền bị chi phối bởi lợi ích và cảm xúc, thiên kiến cá nhân. Bộ máy hành chính sẽ không đảm bảo nguyên tắc duy lý, một trong những yếu tố then chốt nhất có thể giúp gia tăng hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ quan công quyền.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đột phá. Người dân mong đợi những cán bộ lãnh đạo, từ địa phương tới trung ương, sẽ tích cực hơn với công việc, góp phần thúc đẩy hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền. Thế nhưng, chuyện cán bộ chơi golf trong giờ hành chính đã cho thấy sự phớt lờ tinh thần của Nghị định 73. Vì thế, nếu không nghiêm khắc xử lý những hành vi tùy tiện thì sự việc sẽ trở nên nhạy cảm hơn với dư luận xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Nhìn rộng ra, ý thức chấp hành luật pháp và các quy định hành chính của những cán bộ như ông Trung không chỉ quan trọng với sự vận hành của bộ máy, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước, và lòng tin của người dân địa phương. Ông Trung tự ý "bỏ việc để đi chơi" không chỉ đã vi phạm các quy định hiện hành mà còn trái với mong đợi của người dân. Bởi thế, để bảo đảm kỷ luật hành chính, tránh gây ra những bất bình âm ỉ trong dư luận ở địa phương, những quyết định xử lý ông là điều tất yếu, dù không chỉ ông mà có thể một số người khác sẽ cho là quá nghiêm khắc.

Theo thông tin từ báo chí thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã xác định việc chơi golf trong giờ hành chính của ông Trung đã gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng. Vì thế, ông Trung đã bị kỷ luật với hình thức "khiển trách", cho thôi chức vụ, và thực hiện quy trình cho thôi Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Giờ này có thể ông Trung rất hối tiếc nhưng ông sẽ phải chấp hành quyết định của tổ chức. Nếu có chữ "nếu" trong cuộc đời này thì tôi tin chắc ông Trung sẽ không bao giờ bất cẩn như những gì đã diễn ra trong tháng 10/2023.

Trên phương diện cảm xúc cá nhân, tôi thực sự tiếc cho ông Trung, người cũng bằng tuổi tôi. Về nguyên tắc, sau khi rời chức vụ hiện nay, ông Trung vẫn có thể tiếp tục rèn luyện, phấn đấu để hy vọng sau này có thể trở lại đảm nhiệm một vị trí lãnh đạo, quản lý nào đó không chỉ trong khu vực công. Cá nhân tôi mong là như vậy.

Đánh giá khách quan thì chuyện một cán bộ chơi golf trong giờ làm việc thuộc phạm trù tác phong, có thể không gây ra những hậu quả nghiêm trọng về công tác quản lý…, nhưng lại có thể gây ra những dư âm không mong đợi đối với cơ quan, tổ chức. Nếu không kiên quyết ngăn chặn, những sai lệch tuy nhỏ sẽ có thể tiếp tục xảy ra, tích lũy hậu quả bất lợi cho uy tín của cơ quan Nhà nước, có thể làm sứt mẻ lòng tin của nhân dân đối với hệ thống công quyền.

Chuyện chơi golf trong giờ hành chính của ông Đặng Trần Trung đã dẫn đến hậu quả lớn, cho cả cá nhân và cơ quan, tổ chức, chắc chắn sẽ là bài học đắt giá không chỉ cho những người trong cuộc. Vụ việc này sẽ còn được nhắc đến như lời cảnh tỉnh cho những cán bộ còn giữ những thói quen, tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp. Nếu họ không tự điều chỉnh theo hướng tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp lý và hành chính thì rất có thể một ngày nào đó chính họ cũng sẽ mắc sai phạm và chịu hậu quả tương tự như ông Trung.

Phản ứng của tỉnh ủy Bắc Ninh trước vụ việc khẳng định sự nghiêm túc, nhất quán từ trung ương tới các địa phương trong tiến trình hiện đại hóa nền quản trị quốc gia ở nước ta. Để đất nước có thể phát triển, chúng ta cần một đội ngũ cán bộ chính quyền với ý thức phụng sự lợi ích công, thái độ làm việc nghiêm túc, và tác phong chuyên nghiệp. Cũng có nghĩa, một nền quản trị quốc gia hiện đại thì sẽ không thể chấp nhận những cán bộ yếu kém về ý thức, trách nhiệm, bổn phận công vụ, làm việc theo sở thích, thói quen, và cảm hứng chủ quan.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!