Lời cảnh báo từ vụ TikToker Mr Pips
Cơ quan chức năng vừa triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam (30 tuổi, tức Mr Pips) và Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter) cầm đầu, điều hành.
Theo cáo buộc, Mr Pips là tên tài khoản TikTok của Phó Đức Nam, với hàng nghìn lượt theo dõi, hàng chục nghìn lượt yêu thích. Nam cùng đồng bọn đăng tải những hình ảnh hào nhoáng, giàu sang... như những "mồi nhử" để dụ dỗ nhà đầu tư nộp tiền rồi chiếm đoạt.
Sự việc, bên cạnh yếu tố pháp luật, một lần nữa là lời cảnh báo về nội dung trên mạng xã hội nói chung và TikTok nói riêng.
Trong kỷ nguyên mạng xã hội bùng nổ, TikTok nổi lên như một trong những nền tảng giúp người dùng thỏa sức sáng tạo và giải trí. Nhiều nội dung trên TikTok là lành mạnh, hữu ích và đây còn là một nền tảng thương mại điện tử chiếm thị phần đáng kể ở Việt Nam. Tuy nhiên, từ trải nghiệm của một người dùng, tôi khá quan ngại với những nội dung bẩn, giật gân, và phản cảm trên nền tảng này. Đáng lo hơn, sự dễ dãi của một bộ phận người xem và mức xử phạt còn nhẹ đã khiến các nội dung độc hại vẫn "sống khỏe". Thậm chí một TikToker còn so sánh người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) với danh nhân lịch sử. Hiện tượng này không chỉ phản ánh tư duy lệch lạc của người làm ra nội dung này, mà còn cho thấy với họ thì thước đo giá trị của một con người giờ đây chỉ "gói gọn trong những lượt thả tim trên mạng xã hội".
Cách đây vài tháng, TikTok từng tuyên bố "cấm cửa" TikToker Nờ Ô Nô sau những đoạn video nội dung "bẩn" của TikToker này. Tuy nhiên, sau đó Nờ Ô Nô vẫn xuất hiện trở lại trên TikTok với kênh hơn 350.000 người theo dõi. Và một tuần trước, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã xử phạt TikToker Tuấn không cận "Nờ Ô Nô" 30 triệu đồng vì vi phạm hành chính về cung cấp thông tin trên tài khoản mạng xã hội.
Năm 2023, nền tảng TikTok tại Việt Nam ghi nhận hơn 50 triệu người dùng, với 80% người dùng thuộc nhóm dưới 30 tuổi. Có thể thấy các nội dung trên TikTok được tiêu thụ chủ yếu bởi giới trẻ, và những lượt "thả tim", bình luận trên nền tảng này đối với các nội dung phản cảm không khỏi khiến chúng ta lo ngại.
Tại sao những nội dung độc hại vẫn "sống khỏe"? Đơn giản vì nó sinh lời. "Đào vàng từ bãi rác" là cách mà nhiều TikToker kiếm tiền. Họ tìm mọi cách để tạo nội dung thu hút người xem, bất chấp đó là nội dung phản cảm, miễn sao "có views". Một lý do khác là các nền tảng mạng xã hội dù có bộ nguyên tắc cộng đồng, quy định những nội dung bị hạn chế hoặc bị cấm, nhưng thực tế nội dung xấu độc vẫn tràn lan như chúng ta chứng kiến lâu nay. Không thể không nói đến một bộ phận người dùng mạng xã hội với những lượt xem, lượt like, lượt thả tim dễ dãi đã cổ vũ cho các nội dung bẩn trên mạng xã hội. Có lẽ không quá khi nói rằng mỗi lượt thích, mỗi bình luận, mỗi lần nhấn theo dõi đều là "phiếu bầu" quyết định xu hướng nội dung trên mạng xã hội.
Ngoài ra, như đã nêu trên, theo tôi mức phạt hành chính đối với các vi phạm trên mạng xã hội hiện còn khá nhẹ nhàng. Nhìn ra thế giới, ở các nước như Nhật Bản hay Mỹ, những hành vi vi phạm có thể bị phạt tới hàng chục nghìn USD.
Trên nền tảng TikTok không thiếu những tấm gương sáng tạo nội dung như Yusuke - một TikToker Nhật chia sẻ kỹ năng sống và nghệ thuật, xây dựng hình ảnh tích cực và truyền cảm hứng lâu dài. Nhưng ở Việt Nam, theo tôi quan sát thì nội dung kiểu này lại như "hoa nở trên sa mạc", hiếm hoi và mong manh.
Có thể kể thêm như Lý Tử Thất của Trung Quốc hay Minsoo Kim của Hàn Quốc là những ví dụ điển hình khi dùng TikTok để kể chuyện ẩm thực, nghệ thuật và văn hóa một cách tinh tế, mang lại giá trị bền vững.
Thiết nghĩ, cần những biện pháp mạnh tay hơn để "dọn rác" trên TikTok. Việt Nam có thể tham khảo cách các nước áp dụng phạt tiền dựa trên doanh thu từ nội dung vi phạm hoặc cấm hoạt động vĩnh viễn với các tài khoản tái phạm.
Ở Indonesia, TikTok từng bị cấm vào năm 2018 do lan truyền video không phù hợp, nhưng sau đó được phép hoạt động trở lại với cam kết kiểm duyệt chặt chẽ hơn. Đây là cách thức quản lý đáng tham khảo trong bối cảnh các nội dung xấu, thậm chí là nội dung tiếp tay cho lừa đảo phát sinh ngày càng phức tạp trên nền tảng này.
Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!