Lạ lùng giáo dục ngoài giờ đưa vào chính khóa
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn số 5333 về vấn đề rà soát, báo cáo tình hình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên.
Đây là động thái cần thiết của cơ quan quản lý trước dư luận không tốt về loại hình "giáo dục ngoài giờ chính khóa" như giáo dục kỹ năng sống, liên kết dạy ngoại ngữ, dạy tin học tăng cường, tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường... theo nhu cầu người học.
Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng yêu cầu rà soát nêu trên được đưa ra khi ở nhiều nơi đã xảy ra tình trạng lạm dụng "giáo dục ngoài giờ chính khóa", và đáng nói hơn, như báo chí trong đó có Dân trí đã phản ánh: Nhiều trường học tại Hà Nội và TPHCM, nhất là trường tiểu học, đưa các tiết học liên kết vào lịch học chính khóa.
Như vậy là ngoài gánh nặng học thêm như ở các bài viết trước chúng tôi đã đề cập, ở nhiều nơi, học sinh và phụ huynh còn phải gánh thêm chuyện lạ lùng "giáo dục ngoài giờ đưa vào chính khóa".
Theo tinh thần Thông tư 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, việc "chèn" hoạt động này vào giờ chính khóa là sai, Bộ hoàn toàn không có chủ trương như vậy.
Thông tư này ban hành từ năm 2014, nhưng thực tế cho thấy không phải cứ có văn bản quy định là cơ quan quản lý có thể yên tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương rõ ràng, nhưng ở không ít địa phương thì cấp dưới vẫn làm sai, làm ẩu.
Hiện tượng chèn giáo dục ngoài giờ, giáo dục liên kết vào giờ chính khóa, thu tiền của phụ huynh, ép học sinh phải học theo như phản ánh trên mạng xã hội và trên báo chí thời gian gần đây không còn là hiện tượng cá biệt. Nhiều nơi phụ huynh không được giải thích rõ ràng đâu là "giáo dục ngoài giờ", đâu là môn học chính khóa, chỉ biết giáo viên đưa ra thời khóa biểu với các môn học như vậy, rồi hội phụ huynh cũng "đồng thuận" và ký các đơn "tự nguyện".
Hệ quả của tình trạng này là trẻ em từ tiểu học trở đi, thậm chí ngay cả từ lớp 1 đã phải "bò" ra học những môn ngoài giờ ngay trong giờ chính khóa. Và cha mẹ các em thì dù thu nhập cao hay thấp cũng phải đóng phí từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng mỗi tháng cho các môn liên kết; trong khi giờ học này chính khóa về nguyên tắc là giờ của trường công, tất cả gói gọn trong học phí theo chính sách chung của quốc gia.
Tất nhiên, như đã nêu ở trên, để cho có vẻ an toàn, các nhà trường trong diện nêu trên đều dùng hình thức "tự nguyện". Gia đình nào, học sinh nào không muốn học thì gặp riêng thầy cô hay lãnh đạo nhà trường để nêu ý kiến.
Nhưng thử hỏi vị phụ huynh nào lại không "tự nguyện" trong hoàn cảnh đó? Nhất là khi chương trình ngoại khóa hay liên kết đã "cài" vào giờ chính khóa, có trong thời khóa biểu, không lẽ em nào không muốn học thì ra khỏi lớp một giờ, đi lang thang trong sân trường hoặc ngoài đường phố rồi sau đó quay vào học tiếp môn khác? Hay một cách khác là cha mẹ các em sẽ phải bỏ dở công việc, đi đón con về, sau một giờ rồi lại đưa con trở lại trường học tiếp ư?
Cũng phải nói thêm, có những thầy cô đến khổ vì môn liên kết. Vì nếu giáo viên không vận động được học sinh "tự nguyện" học 100% thì "khó ăn khó nói" với cấp trên, không loại trừ bị xem xét là không tích cực trong thi đua, khen thưởng.
Tóm lại có thể nói đây là một guồng quay lạ lùng và không thể chấp nhận được trong môi trường giáo dục. Chúng tôi mong mỏi rằng những nhà trường và thầy cô làm không đúng tinh thần Thông tư 04 chỉ là thiểu số, không phải tình trạng phổ biến trên toàn quốc. Các địa phương cần phải rà soát nghiêm túc theo công văn 5333 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sớm chấn chỉnh các cơ sở giáo dục làm sai (nếu có), đồng thời xử phạt mạnh tay để làm gương.
Trở lại với mô hình dạy kỹ năng sống trong học đường. Bản thân mô hình này không có gì xấu. Trên thế giới họ đã áp dụng lâu rồi. Tuy nhiên có ba phương pháp mà nhiều nước phát triển áp dụng.
Một là tất cả các môn học đều lồng ghép kỹ năng sống cho học trò. Vì vậy các em học một hiểu hai, hay học một hiểu mười, không phải lúc nào cũng cần tách bạch đâu là kiến thức và đâu là kỹ năng sống. Ví như học trò vào lớp học toán, hay văn, hay địa lý, cũng sẽ học được các kỹ năng như đặt mục tiêu, lên kế hoạch, triển khai dự án, thuyết trình, hợp tác đội nhóm trong quá trình học kiến thức của các môn chính khóa đó. Và vì vậy học trò không mất thêm giờ học kỹ năng làm gì nữa. Và cha mẹ cũng không tốn thêm tiền học phí.
Hai là học trò có thể tìm hiểu sâu hơn và thực hành các kỹ năng yêu thích, qua các câu lạc bộ ngay tại trường, các cuộc thi địa phương, quốc gia hay quốc tế mà các em tham gia.
Ba là học trò có thể tham gia chương trình dạy kỹ năng sống miễn phí của tổ chức xã hội nghề nghiệp nào đó do nhà trường lựa chọn. Các tổ chức này cử chuyên gia tới dạy cho các con ngay ở trường và cấp chứng chỉ sau khi các con hoàn tất.
Dù vì lý do gì, việc chèn giáo dục ngoài giờ và môn học liên kết vào chính khóa sẽ phản tác dụng, khiến môi trường học đường mất đi sự lành mạnh. Mong các nhà quản lý khẩn thiết dẹp ngay hiện tượng tiêu cực này, để các em thực sự được mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!