Chèn môn liên kết vào giờ học chính là làm sai chương trình phổ thông mới

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Điều phối viên chính Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho biết, tăng giờ học là để học sinh phát triển nghệ thuật âm nhạc, trải nghiệm..., không phải tăng giờ toán, văn, ngoại ngữ.

Tăng giờ học không có nghĩa là bắt trẻ học thêm, phụ huynh trả tiền

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Điều phối viên chính Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018 - khẳng định, thực trạng chèn môn liên kết vào lịch học chính khóa không phải do thiết kế Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Bùi Mạnh Hùng nhấn mạnh, việc tăng thời gian học ở trường là để học sinh có điều kiện tham gia các hoạt động về thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, trải nghiệm nhằm phát triển toàn diện..., chứ không phải để tăng giờ cho các môn cơ bản như toán, văn, ngoại ngữ.

Song, do truyền thống và thói quen, nhiều trường học đã sử dụng các tiết tăng cường để học thêm các môn văn hóa hoặc chèn môn học thêm vào lịch học chính làm tăng áp lực học tập cho học sinh và tăng chi phí học tập với phụ huynh.

Chèn môn liên kết vào giờ học chính là làm sai chương trình phổ thông mới - 1

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng (Ảnh: NVCC).

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng cho hay, khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị tăng thời gian học ở trường của học sinh, đặc biệt với đối tượng học sinh tiểu học. 

Theo số liệu năm 2009, thời gian học trung bình của học sinh 7-15 tuổi ở các nước thuộc nhóm OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) là 7.390 giờ. Học sinh Việt Nam chỉ học khoảng hơn 5.600 giờ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, tức là ít hơn khoảng 1.700 giờ.

Kể từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thời gian học của học sinh Việt Nam là 6.200 giờ, thấp hơn 1.190 giờ so với các nước OECD. 

Như vậy, nếu có điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian học ở trường của học sinh Việt Nam vẫn cần tăng thêm để đạt chuẩn thế giới.

"Khi quy định cấp tiểu học phải học 2 buổi/ngày, các địa phương cần đầu tư về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học theo thời lượng mà chương trình quy định.

Nhưng ý nghĩa của việc tăng thời gian giáo dục ở trường nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện chưa được thực hiện đúng với tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện.

Mục tiêu của việc thiết kế học 2 buổi/ngày ở tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chắc chắn không phải tạo điều kiện cho các nhà trường kết hợp với đơn vị liên kết đưa môn học, hoạt động giáo dục ngoài chương trình vào giờ học chính khóa rồi buộc học sinh, phụ huynh phải đăng ký học và trả tiền", PGS.TS Bùi Mạnh Hùng khẳng định.

Tiết học liên kết không chất lượng lãng phí thời gian của học sinh và tiền bạc của phụ huynh

Ông N.V.T., hiệu trưởng một trường tiểu học, cho biết, theo chương trình mới, một tuần có thêm 4-7 tiết tăng cường. Những tiết học này bố trí hoạt động giáo dục gì, sắp xếp lịch học ra sao tùy vào điều kiện, sự linh hoạt của mỗi trường. Học sinh có thể tự học với giáo viên chủ nhiệm, hoặc nhà trường hợp đồng với đơn vị liên kết để có thêm chương trình phong phú, chất lượng hơn. 

Chèn môn liên kết vào giờ học chính là làm sai chương trình phổ thông mới - 2

Một tiết học tiếng Anh chính khóa của học sinh lớp 3 tại Mèo Vạc do giáo viên Trường Marie Curie giảng dạy (Ảnh: Trường Marie Curie).

Theo ông N.V.T., có ba nguyên tắc để việc đưa các môn học, hoạt động giáo dục ngoài chương trình vào nhà trường không gây ra tranh cãi:

"Một là công khai, minh bạch với phụ huynh trong cuộc họp đầu năm. Nhà trường cần chỉ rõ đâu là môn học liên kết trong thời khóa biểu, học phí các môn học này ra sao, lợi ích là gì. 

Hai là nhà trường cần sắp xếp các môn học thêm một cách hợp lý để phụ huynh dễ dàng lựa chọn đăng ký hoặc không đăng ký. Tốt nhất là xếp vào các tiết cuối buổi chiều.

Ba là nhà trường phải thể hiện vai trò giám sát trong từng tiết học liên kết. Tránh tình trạng đơn vị liên kết cam kết một đằng thực hiện một nẻo. Nếu tiết học liên kết không đảm bảo chất lượng là lãng phí tiền bạc của phụ huynh và lãng phí thời gian của học sinh".

Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng các trường không nên sắp xếp quá nhiều tiết học liên kết vào chương trình. Bởi việc tăng cường thêm quá nhiều nội dung là tăng thêm nhiệm vụ học tập với học sinh, qua đó gián tiếp gây áp lực học hành với trò và nhất là áp lực đóng góp với cha mẹ. 

Thay vào đó, nhà trường cần tập trung vào phát triển năng lực cho các giáo viên để tăng chất lượng dạy và học. 

Ông N.V.T. cũng lưu ý thêm, theo đúng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các tiết học tăng cường khuyến khích sự tham gia của phụ huynh có chuyên môn sâu trong một lĩnh vực cụ thể. 

Việc phụ huynh có thể đứng lớp để tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh có ý nghĩa rất lớn về mặt kết nối, đồng hành giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục con trẻ. Giá trị từ các tiết học tăng cường do phụ huynh trực tiếp tham gia không thể đong đếm, cũng là điều các tiết học liên kết với đơn vị tư nhân không thể có được.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm