Hội An bán vé vào cửa: Cò con vạt tép
Dư luận đang ồn ào chuyện Hội An dự kiến bán vé vào tham quan phố cổ. Theo đó, nếu chủ trương này được thông qua, từ ngày 15/5, du khách khi vào phố cổ Hội An phải mua vé, thay vì chỉ thu phí riêng ở các điểm di tích đặc biệt như trước, cụ thể, giá vé cho khách nước ngoài 120.000 đồng/người và khách nội địa 80.000 đồng.
Theo lý giải của Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn, nguồn thu từ vé tham quan phục vụ cho việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di tích, cải tạo hạ tầng trong khu phố cổ, tổ chức các sự kiện du lịch, cũng như hỗ trợ người dân trong việc trùng tu, cải tạo nhà… Đồng thời, việc bắt buộc mua vé đối với tất cả du khách khi đến tham quan phố cổ Hội An là để đảm bảo công bằng đối với địa phương và du khách.
Người muốn thu vé có lý của họ và người phản đối cũng thế. Dõi theo các tranh luận, tôi lại nhớ đến chuyện BOT trong giao thông; có chỗ các nhà đầu tư làm đúng, vì tư nhân xây dựng đường từ A đến Z thì họ thu phí là rất phải. Nhưng cũng có những đoạn đường vốn là quốc lộ, đường độc đạo, nhà đầu tư chỉ bỏ ra ít tiền sửa sang lại, kẻ sơn, phân làn, rồi dựng trạm BOT thu tiền thì không ổn.
Tất nhiên tôi không có ý so sánh một dự án BOT với di tích. Nhưng chính vì không thể so sánh một khu phố cổ với dự án đầu tư hạ tầng, chúng ta càng thấy rằng phải hết sức thận trọng với việc dựng trạm thu phí.
Trước hết, một di tích tạo ấn tượng tốt với du khách hay không phụ thuộc rất lớn vào những trải nghiệm đầu tiên. Ngay từ "giây phút gặp gỡ" đầu tiên giữa du khách với Hội An mà đô thị cổ này đã "chăng giây, dựng rào" thu phí thì e rằng sẽ rất khó tạo ấn tượng tốt. Đó là chưa kể chính quyền địa phương sẽ rất vất vả trong công tác tổ chức thu phí, phân luồng du khách và người dân thường trú bên trong khu phố cổ.
Thử hình dung cảnh hàng ngày lực lượng an ninh phải phân luồng lối đi cho du khách và người dân địa phương, rồi căng mình kiểm soát tránh nhầm lẫn, đã thấy không phù hợp với một khu phố cổ vốn bình yên, thơ mộng.
Hơn nữa, thành phố Hội An có từ mấy trăm năm, thuộc không gian công cộng "của dân, do dân và vì dân" thì chả có lý gì lại dựng bốt bán vé. Điều luật nào cho phép việc này?
Nhưng, các lý do nêu trên vẫn chưa hết. Chuyện lớn hơn, việc thu phí vào Hội An là một đề xuất không có tầm nhìn vĩ mô.
Nhiệm vụ của chính quyền là tạo ra môi trường pháp lý cho doanh nghiệp và người dân "được làm những gì luật không cấm", giới công quyền "được làm những gì luật cho phép". Ở các quốc gia phát triển, chính phủ "liêm chính, kiến tạo" cần có 7 trách nhiệm cơ bản đối với hoạt động doanh nghiệp như sau:
Cấp phép (Permission);
Chế tài hợp đồng (Contract Enforcement);
Bảo vệ người tiêu dùng (Consumer Protection);
Bảo vệ người làm thuê (Employee Protection);
Bảo vệ môi trường (Environmental Protection);
Thu thuế (Taxation);
và Bảo vệ nhà đầu tư (Investor Protection).
Để Hội An phát triển bền vững thì chính quyền cần hiểu rõ 7 trách nhiệm trên, nghĩa là tạo hành lang cho dân thường và doanh nghiệp phát triển, đảm bảo họ nộp thuế đầy đủ, dùng tiền thuế đó phát triển thành phố, gọi là nhiều bên cùng có lợi (win-win): khách du lịch, người dân địa phương, doanh nghiệp nhỏ, và chính quyền sở tại.
Tiền thuế thu không đủ mà Hội An quay sang lập BOT bán vé thu tiền. Như đã nói ở trên, khi du khách bị móc túi ngay từ cửa vào thì hỏi rằng họ có còn đến lần nữa hay khuyên bạn bè tới thăm?
Cho du khách vào thoải mái, họ ăn tiêu, mua quà lưu niệm, ở khách sạn, du lịch khắp nơi, cứ bỏ đô la là thành phố có lợi. Chuyện thu thuế và tiêu tiền thuế cho đúng là trách nhiệm của chính quyền thành phố. Nếu hiểu kỹ về kinh tế vĩ mô thì không ai lập trạm bán vé tham quan một thành phố.
Biết bao thành phố đẹp trên thế giới như Rome, Paris, London, Bắc Kinh… khách tới nườm nượp, năm sau đông hơn năm trước, nổi tiếng không phải do họ thu tiền bán vé mà do "móc túi" một cách bài bản thông qua thu thuế.
Bán vé vào cửa, Hội An liệu còn huyền ảo như vốn có từ thế kỷ nay; cây cầu chùa cổ do người Nhật xây từ mấy trăm năm có chịu nổi cơn can qua phát triển sẵn sàng cuốn trôi những giá trị văn hóa lẽ ra cần giữ lại; dòng sông có còn lãng mạn trong đêm trăng cho những đôi tình nhân dập dìu khi nghĩ đến lần sau tới có còn tiền mua vé.
Khi người ta không nghĩ về vĩ mô thì vi mô chỉ là cái vé vài đô la, rất hợp với kiểu làm ăn cò con vạt tép.
Tác giả: Hiệu Minh là bút danh của TS Giang Công Thế, một chuyên gia IT từng công tác nhiều năm tại Ngân hàng Thế giới (WB). Ông được biết đến là blogger về nhiều lĩnh vực và cộng tác thường xuyên với các báo.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!