Khi người bán hàng trên vỉa hè chửi bới khách bộ hành
Câu chuyện cô gái đứng chờ xe trên vỉa hè bị người bán hàng chửi bới và đá vào hành lý, làm “dậy sóng” không chỉ vấn đề văn hóa ứng xử mà cả về kinh tế vỉa hè trong bối cảnh việc bán hàng lấn chiếm vỉa hè, cản trở người đi bộ đã trở thành chủ đề tranh luận không có điểm dừng nhiều năm nay.
Nhìn chung các lập luận chia thành 2 phe. Một bên cho rằng buôn bán lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật, làm mất mỹ quan đô thị, cần phải dẹp bỏ. Thực tế thì chính quyền các đô thị, trong đó có Hà Nội, đã rất nhiều lần ra quân lập lại trật tự nhằm lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Nhưng mức độ thành công của các đợt ra quân này thường có giới hạn.
Bên còn lại, cũng khá đông đảo thì cho rằng tồn tại một nền kinh tế vỉa hè, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động, rất cần để góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Thậm chí có những người còn nâng kinh tế vỉa hè lên thành lối sống, là bản sắc đô thị, là văn hoá, thu hút khách du lịch.
Hai luồng ý kiến trên tồn tại song song, nghe qua dường như ai cũng có lý, nên chuyện lấn chiếm vỉa hè cứ thế mà tồn tại dai dẳng. Chính quyền cơ sở nhiều nơi dường như “mắt nhắm mắt mở” cho qua. Người dân thì nén chịu những bất tiện lúc này để lần khác lại thành khách hàng của hàng quán vỉa hè, rất tiện.

Người bán trà đá ở khu vực bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) đuổi cô gái khỏi vỉa hè (Ảnh: Chụp màn hình).
Cho tới hôm nay, khi một người khách bộ hành bị đuổi, lúc đang đứng trên vỉa hè - nơi dành cho người đi bộ - thêm một lần nữa chúng ta thấy việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè thật sự vô lý, không nên tiếp tục để nguyên trong sự thờ ơ. Vì thế, tuy vấn đề này đã được rất nhiều người bàn, tôi cũng mạnh dạn xin tham gia ý kiến về kinh tế vỉa hè, nhìn từ lịch sử phát triển đô thị Hà Nội.
Đô thị cổ Hà Nội vốn không có vỉa hè. Hà Nội thời trước tên Nôm là Kẻ Chợ, đúng nghĩa là một cái chợ với những con đường lát đá, nhà hai bên phần lớn là tre lá, cư dân tụ cư theo từng nhóm mặt hàng, thành từng ô phố, tối đến đóng cổng để tránh trộm cắp.
Năm 1888, Vua Đồng Khánh ra chỉ dụ cắt toàn bộ huyện Thọ Xương, một phần nhỏ huyện Vĩnh Thuận cho Pháp lập thành phố nhượng địa. Trên mảnh đất đó người Pháp giữ nguyên khu phố cổ của người Việt ở phía bắc Hồ Gươm, và xây mới khu phố của người Pháp theo kiến trúc châu Âu về phía nam Hồ Gươm.
Khu phố cổ của người Việt được chỉnh trang lại, làm vỉa hè, làm cống thoát nước, có chỉ giới xây dựng, làm nên các phố mang tên Hàng, còn tồn tại đến bây giờ. Các vỉa hè của phố cổ từ đó mới xuất hiện.
Vỉa hè phố cổ vốn nhỏ hẹp, người Pháp không cho trồng cây trên đó, vì cây không đủ không gian phát triển. Người Pháp chỉ trồng cây trên các vỉa hè rộng của các khu phố Tây, giờ ta thấy những hàng cây đó đã thành cổ thụ. Còn sau này người dân khu phố cổ tự phát trồng cây trên vỉa hè, nên cây phát triển còi cọc, mọc nghiêng ra giữa đường, rất mất mỹ quan và nguy hiểm. Nhìn đường kính thân cây nhỏ bé, ta có thể ước đoán những cây đó mới trồng vài chục năm lại đây.
Người Pháp đã duy trì một trật tự đô thị theo chuẩn mực châu Âu. Họ thành lập đồn cảnh sát, khi đó gọi là bốt, cảnh sát gồm cả người châu Âu và người Việt đạp xe đi tuần. Các hành vi gây mất trật tự đô thị, phóng uế bừa bãi, vứt rác, trèo cây, phơi phóng ra mặt tiền… nếu bị cảnh sát bắt được thì sẽ bị xử phạt. Trong cuốn “Chuyện cũ Hà Nội”, nhà văn Tô Hoài kể lại rất chi tiết những hoạt động giữ gìn trật tự đô thị của người Pháp. Tôi xin trích ra đây một đoạn: “Thềm nhà có rác, phạt. Phơi quần áo, tã lót, chiếu trước cửa, phạt. Cống bẩn, phạt. Đánh nhau phạt cả đôi bên”.
Hồi nhỏ tôi đã nghe ông ngoại kể chuyện cụ bà, sống ở phố Hàng Giấy, ngồi ăn trầu trước cửa nhà, rồi nhổ nước bã trầu ra hè phố, không may bắn vào chân một cô đầm; cô ấy hét ầm lên báo cảnh sát, thế là cụ nhà tôi phải xin lỗi cô đầm kia và chịu nộp phạt.
Nhiều người mặc định chuyện buôn bán vỉa hè là đặc trưng của Hà Nội. Xin thưa không phải như thế. Ngày trước, nhà mặt phố thì bán hàng trong cửa hàng, người buôn thúng bán bưng thì vào các chợ chứ không ngồi vỉa hè. Đúng là trên vỉa hè có người bán hàng rong, nhưng họ gánh hàng trên vai, đi qua các phố, khi có ai gọi mua thì mới dừng lại, bán xong lại gánh hàng đi tiếp. Gánh hàng nhiều nhất là hàng rau, hàng hoa, hàng quà. Thậm chí cả bán phở cũng gánh, một đầu gánh là bếp than và nồi nước dùng, đầu gánh bên kia là thịt, phở và bát đũa. Có người gọi ăn thì dừng lại bán, khách ăn xong lại gánh đi tiếp. Vì thế mới gọi là hàng phở gánh.
Các nhà hàng phố đều quen mặt, quen giờ người bán hàng rong. Lúc nào thì hàng rau, hàng quà đi qua, bảo nhau giờ đó ra ngóng để gọi. Buổi tối mọi người không nhìn thấy, nên các hàng rong đi phải rao, để dân phố biết mà mua. Tiếng rao đêm thành đặc trưng của phố cổ Hà Nội. Hồi nhỏ, nằm trong nhà, tôi nghe câu rao dài mượt như tiếng hát: “Ai… bánh nếp… bánh tẻ… bánh chưng đê…” là biết đêm đã muộn lắm rồi. Thỉnh thoảng bà ngoại tôi lại hé cửa gọi: “Bánh nếp ơi, bánh nếp”. Thế là dưới ánh đèn khuya, cô bán hàng nhanh nhẩu xuất hiện: “Bà mua bánh gì ạ”, rồi mùi bánh thơm lừng theo vào trong nhà.
Theo quan sát của tôi, hiện tượng buôn bán trên vỉa hè ở Hà Nội bắt đầu xuất hiện từ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990. Lúc đó kinh tế khó khăn, nhiều người lao ra tìm cách cứu mình, chập chững học buôn bán. Cái nghề đầu tiên mà nhiều người Hà Nội làm khi ra vỉa hè mưu sinh là mở hàng nước. Chỉ cần một cái bàn gỗ nhỏ, vài cái ghế, bộ ấm chén, lọ kẹo, bao thuốc lá… là thành một hàng nước kiếm tiền được rồi. Từng có một thời nhà nhà, người người Hà Nội thi nhau mở hàng nước. Đến độ một lãnh đạo khi đi khám tại bệnh viện Mắt ở phố Bà Triệu, từ trên gác nhìn xuống phố phải thốt lên “sao người Hà Nội uống nước nhiều thế”.
Những hàng nước nhỏ bé ấy là những bước đầu tiên một bộ phận người Hà Nội chập chững làm quen với kinh tế thị trường. Hàng nước đó đã giải quyết công việc làm thêm cho khá nhiều lao động ăn theo: người quấn thuốc lá, người bỏ mối lạc rang, quẩy, bánh rán, chè Thái…
Khách của hàng nước thì dĩ nhiên là ngồi trên vỉa hè. Và theo tôi câu chuyện lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội bắt đầu từ đây. Nay lấn một tý, mai lấn một tý. Từ chỗ chỉ ngồi ngay cửa nhà mình, dần dà chiếm bất cứ chỗ nào còn trống. Đầu tiên chỉ là hàng nước, rồi hàng quà, nay thành nơi bán đủ các loại hàng. Hàng phở bây giờ đưa cho khách 2 cái ghế, một cái ghế cao để bát phở, cái ghế con để ngồi, thế là thực khách thưởng thức đặc sản phở Hà Nội ngay trên vỉa hè bụi bặm. Thói quen lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, sinh hoạt tùy tiện, đã bắt đầu như thế đấy.
Với tư cách là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi muốn kể với các bạn những gì tôi đã chứng kiến và trải nghiệm, là người thật việc thật chứ không phải để tô vẽ thêm về “văn hóa vỉa hè”. Theo thời gian và theo sự phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế vỉa hè ngày càng lan ra không chỉ các khu phố trung tâm mà hầu như khắp mọi phố phường. Như trên tôi đã nêu, chính quyền có tổ chức các chiến dịch ra quân lập lại trật tự vỉa hè nhưng về cơ bản thì sau một thời gian “đâu lại vào đó”.
Người Việt vốn giỏi thích nghi, kiểu gì cũng sống được. Vì thế trong cái bất tiện của việc lấn chiếm vỉa hè, nhiều người lại nhìn thấy cái hay của nó, thậm chí còn nâng lên thành triết lý, thành bản sắc. Việc gì cũng có hai mặt. Chỉ là sự chọn lựa, chúng ta muốn tiến lên một đô thị văn minh hiện đại hay là lùi về kinh tế tiểu nông, lộn xộn và để tồn tại thứ “văn hóa vỉa hè” như vụ người bán hàng chửi bới người đi bộ?
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!