Thu phí vào Hội An: 80.000 đồng/du khách là rẻ so với các nước?
(Dân trí) - Hiện có 2 luồng ý kiến về việc TP Hội An bắt buộc tất cả du khách mua vé vào tham quan phố cổ; trong khi đó lãnh đạo TP Hội An cho hay sẽ tiếp thu, nghiên cứu cho phù hợp.
Du khách phải thực hiện nghĩa vụ với Di sản thế giới
Trao đổi với báo chí, bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An (đơn vị được UBND TP Hội An giao tổ chức các hoạt động hướng dẫn tham quan du lịch trong khu phố cổ) khẳng định người Hội An được ra vào phố cổ ở tất cả lối đi, không giới hạn ở kiệt, hẻm nào.
Còn đối với các tuyến đường chính, vẫn thực hiện đặt barie như hiện nay, nhưng một bên có biển chỉ dẫn "Lối đi dành cho người dân" và "Lối đi dành cho du khách".
Theo bà Cẩm, tại lối đi này, sẽ có lực lượng hướng dẫn viên hỗ trợ du khách mua vé tham quan. Qua khỏi chốt là người dân, du khách đi lại tự do trong phố, không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, bà Cẩm cho hay hiện nay du khách đi vào các kiệt, hẻm dẫn vào trung tâm phố cổ khiến công tác tổ chức bán vé tham quan không được chu đáo; việc này dẫn đến thất thoát vé tham quan.
"Việc bố trí, sắp xếp lại các nội dung đều không thay đổi so với trước. Trước mình chưa làm chặt chẽ đối với khách lẻ, giờ mình tăng cường trong việc quản lý thu vé tham quan. Việc phân luồng lối đi là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và du khách", bà Cẩm khẳng định.
Bà Cẩm cũng chia sẻ vài ngày qua, các trang mạng xã hội "giật tít" là từ 15/5 là buộc phải mua vé "thế này thế kia" làm dư luận phản ứng, cứ nghĩ là từ trước đến giờ Hội An không bán vé mà giờ bán vé.
"Thật ra quy định mua vé đã có, nhưng trước nay mình làm lỏng lẻo đối với một số đối tượng, giờ kiểm soát chặt hơn", Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An nói.
Lãnh đạo TP Hội An cũng cho rằng UNESCO công nhận cả một quần thể phố cổ chứ không công nhận công trình đơn lẻ nào là Di sản thế giới, vì thế du khách bước vào Di sản thế giới phải thực hiện nghĩa vụ.
Bà Cẩm cho rằng du khách vào phố cổ ăn ổ bánh mì hay uống ly nước cảm giác khác ăn bánh mì ở bên ngoài phố cổ, cùng với đó là các hoạt động, dịch vụ trải nghiệm dành cho du khách. Đó là giá trị của khu phố cổ Hội An.
Lãnh đạo TP Hội An cho hay đối với người dân ở phố cổ có người quen ở địa phương khác đến nhà chơi thì Hội An sẽ "mềm dẻo".
"Đối với người dân trong phố cổ đương nhiên là miễn phí rồi, còn đối với những người thân của họ đi thăm chứ không phải mục đích du lịch thì sẽ xử lý "mềm dẻo", bà Cẩm cho hay.
Nói về việc phân luồng vào phố cổ có thể sẽ có phản ứng, bà Cẩm cho rằng du khách đến Hội An ngày càng đông nhưng việc kiểm soát chưa được chặt chẽ, nay Hội An quyết tâm làm để đưa việc tham quan vào nề nếp, nhận thức mới khi khách đến tham quan Hội An.
"Hội An luôn tiếp thu những ý kiến phản biện, đóng góp của mọi người. Trong quá trình làm chúng tôi sẽ có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế, chứ không phải mình bảo thủ thực hiện cứng nhắc như vậy", bà Trương Thị Ngọc Cẩm nói.
Nhiều ý kiến trái chiều về mua vé vào phố cổ
Sau khi Hội An phát đi thông tin phương án phân luồng lối đi cho du khách và người dân địa phương, nhằm tránh thất thu vé tham quan, rất nhiều ý kiến trái chiều được ghi nhận.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, một doanh nghiệp làm du lịch cho rằng giá vé tham quan Di sản thế giới Hội An là thấp nhất, nếu so sánh về quy mô quần thể di sản với các di sản khác trong nước và nước láng giềng.
Ví dụ so với các điểm di sản thế giới trong nước như Đại Nội Huế (200.000 đồng/vé), vịnh Hạ Long (290.000 đồng/vé), quần thể danh thắng Tràng An (250.000 đồng/vé).
So sánh với các điểm di sản tại nước láng giềng như Angkor Wat, Campuchia (tương đương 900.000 đồng/vé), đền Taj Hamal, Ấn độ (300.000 đồng/vé) thì vé tham quan Hội An là thấp nhất. Ông Thủy cho rằng vé áp dụng cho khách du lịch trong và ngoài nước tại Hội An có từ lâu, từ khi Hội An làm du lịch.
"Do vậy mức vé 120.000 đồng/vé dành cho nước ngoài và 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa trong thời điểm phục hồi du lịch như hiện nay là một cố gắng lớn của các nhà quản lý điểm đến du lịch như Hội An. Tôi ủng hộ bán vé và tăng giá vé có lộ trình để phục vụ cho việc bảo tồn, trùng tu không gian phố cổ", ông Nguyễn Sơn Thủy bày tỏ.
Không đồng ý với ý kiến của ông Thủy, một người tên N.H.T cho rằng vịnh Hạ Long, Đại Nội, Tràng An hay Angkor Wat đều là những quần thể tham quan, không có cư dân địa phương sinh sống.
Trong khi đó, Hội An lại là nơi không chỉ tham quan mà còn phát sinh nhiều dịch vụ khác như ăn uống, đi thuyền, mua sắm. Việc thu phí là cần thiết nhưng cách thức thu toàn bộ vé vào không tính đến mục đích là chưa hợp lý.
Một người khác cho rằng nếu tăng phí tham quan các di tích cổ thì ủng hộ. Còn thu tiền mọi người khi vào đô thị cổ thì không nên, vì có phải ai cũng vào đi tham quan, nghiên cứu đô thị cổ đâu. Chẳng lẽ muốn vào thăm mấy người bạn trong đó hay chỉ thích tô (bát) cao lầu cũng phải mua vé?
Theo ông N.V.Đ., một người dân cho rằng nếu không quản được các đoàn khách do hướng dẫn viên "lách luật" mà đi đến áp dụng thu vé với tất cả thì điều cần làm là xem lại năng lực quản lý.
Người ta kinh doanh áp dụng nghệ thuật làm cho khách hàng "đê mê" móc ví chi nhiều tiền thì ta lại chọn cách bắt buộc người ta móc ví để thu vài đồng bạc lẻ. Nhìn thấy mấy đồng từ tiền bán vé mà không thấy được tiền triệu người ta sắp chi tiêu nếu cảm thấy thoải mái.
Ông Đ. so sánh: "Ngày trước, các vũ trường bán vé vào cổng thì khách ít, thu nhỏ giọt. Sau này, miễn phí vào cổng thì khách đông, thu lớn.
Người này thu được 1 đồng tiền bán vé nhưng làm người bên trong mất cả triệu do không bán hàng được. Mà người bán hàng tiền triệu đóng thuế hơn nhiều so với tiền thu từ vé. Nếu bảo không thu được vì trốn thuế thì quay lại xem năng lực quản lý.
Hãy xem cách các nhà mạng xóa bỏ phí thuê bao tháng mà làm. Bỏ phí thuê bao, tăng dịch vụ, phục vụ mà lấy tiền. Bỏ tư duy kiếm tiền lẻ, hãy tìm cách kiếm tiền chẵn".