Tâm điểm
Nguyễn Nam Cường

"Học và hành" môn văn

Thời gian gần đây tôi có nhiều dịp đi thỉnh giảng ở các lớp chụp ảnh, quay phim, viết nội dung (content) quảng bá sản phẩm online cho phụ nữ tại các Trung tâm dịch vụ việc làm một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, tôi nhận thấy việc soạn thảo một nội dung với số chữ nhất định, đặt tựa cho đoạn văn bản vừa viết là những nhiệm vụ thách thức với các học viên.

Nhiều chị em cho hay, không thể buôn bán online được vì không biết quảng bá bằng cách nào, đăng nội dung về sản phẩm ra sao dù bản thân rất muốn làm để cải thiện đời sống gia đình.

Cách duy nhất nhiều chị em lựa chọn là sao chép từ những nội dung và hình ảnh có sẵn của người khác, chỉnh sửa đôi chút và "hô biến" thành của mình. Đây là lý do vì sao trên không gian mạng gần đây phát sinh hàng loạt cuộc tranh cãi của người bán hàng về bản quyền hình ảnh, nội dung; thậm chí đã xảy ra nhiều cuộc ẩu đả phải dắt nhau ra tòa án giải quyết.

Học và hành môn văn - 1

Thí sinh lo lắng trước giờ làm bài môn thi ngữ văn tại điểm thi trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội, ngày 28/6 (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Từ thực tế trên, tôi nhớ lại bản thân mình nhiều thập niên trước dù đã tốt nghiệp đại học nhưng cũng lúng túng khi phải thực hành một công việc đòi hỏi những kiến thức về xử lý ngôn ngữ, văn bản. Hồi đó khi dự tuyển vào vị trí phóng viên của một Đài Phát thanh truyền hình địa phương, tôi được yêu cầu thực hiện 3 nhiệm vụ. Một là, đọc một phóng sự dài rồi rút lại thành một bản tin 200 từ. Hai là, lấy nội dung yêu thích của nhiệm vụ một viết thành bản tự luận. Nhiệm vụ cuối cùng, chỉnh sửa title tin (tựa bài) và sapo (dòng giới thiệu chính của bản tin) sao cho đúng, hợp lý nhất.

Do không phải tốt nghiệp chuyên ngành báo chí, tôi phải dùng kiến thức môn ngữ văn những năm học phổ thông và dễ dàng thực hiện được nhiệm vụ một. Với nhiệm vụ hai và ba thì hơi quá sức, đặc biệt là nhiệm vụ ba.

Đối với một người dù đã từng học khối D (Văn, Toán, Anh) như tôi lúc đó, việc đặt tựa bài và viết một dòng giới thiệu ngắn từ 30 đến 50 từ với yêu cầu súc tích, bao hàm hết thông tin của một phóng sự, là yêu cầu rất khó. Bởi chương trình ngữ văn trong nhiều năm, nhiều cấp mà tôi đã trải qua không có những tiết thực hành như vậy cho người học.

Có thể trước đây những công việc như kể trên chỉ bó hẹp trong lĩnh vực báo chí, nên chưa thật sự cần thiết với học sinh phổ thông hay kể cả với sinh viên đại học không phải chuyên ngành báo chí. Vậy nên những nội dung đó chưa được đưa vào giảng dạy. Nhưng tôi cho rằng ngày nay đã khác.  

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các bạn trẻ ngày nay có cuộc sống gắn với mạng xã hội và đa số đều có tài khoản Tiktok, Facebook, Youtube… Đây không chỉ là một công cụ kết nối, giải trí, mà thực tế cho thấy việc ứng dụng mạng xã hội vào phát triển bản thân và nghề nghiệp, sáng tạo nội dung (content creator), mua bán online… đã trở nên phổ biến, gắn liền với đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống.

Mạng xã hội giờ đây đã trở thành phương tiện kiếm tiền, là sinh kế của nhiều người. Vì thế, tôi nghĩ rằng cần có những nội dung được thiết kế trong phần thực hành của môn ngữ văn, giúp cho người học dù sẽ vào đại học hay đi học nghề thì đều có kiến thức cơ bản để ứng dụng trong thực tế, ít nhất là không lúng túng như nhiều chị em ở miền Tây kể trên.

Gần đây tôi cũng tham gia giảng dạy môn viết sáng tạo cho khoa Truyền thông đa phương tiện của vài trường đại học, và nhận thấy ba nhiệm vụ mà tôi kể trên là tóm tắt, viết tự luận và đặt tựa vẫn là một nhiệm vụ "kinh khủng" với đa số các em sinh viên.

Nhiều em còn để lại feedback (nhận xét) sau môn học cho tôi rằng: Em học điều này để làm gì vì nó quá khó, em không có căn bản về nó, em không cần những thứ này vì em chỉ thích chụp ảnh, em không học để viết lách.

Một trong những nhiệm vụ của môn viết sáng tạo là phải chú thích lại bức ảnh mình đã chụp. Song, rất nhiều em đã không hoàn thành được việc xếp thứ tự trình tự nội dung và chú thích cho bức ảnh. Qua đó phần nào cho thấy nền tảng kiến thức những năm phổ thông của các em đã bị thiếu hoặc hỏng từ chỗ này.

Dù không am hiểu cách thức học tập môn ngữ văn ở một số nước xung quanh Việt Nam, nhưng thử nhìn vào cấu trúc ra đề ở các nơi như Bắc Kinh, Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Trùng Khánh (Trung Quốc) thì chúng ta sẽ thấy rằng trong đề thi của họ thường có yêu cầu thí sinh hãy viết một bài văn nêu lên suy nghĩ và quan điểm về một vấn đề nào đó.

Chẳng hạn như "Không có con đường nào là không thể đi, chỉ có con người không dám bước." "Đôi khi bạn chọn nhầm con đường nhưng nếu kiên trì đi tiếp, bạn có thể tạo ra một con đường mới."

Cùng với đó, đề thi của họ còn có các yêu cầu như thí sinh tự đặt tiêu đề cho bài văn, viết không dưới 800 chữ, và dựa vào ba ý kiến trên, hãy viết một bài luận với chủ đề "Con đường". Tôi không bàn cãi về việc chê khen nội dung và ý nghĩa thực tiễn hay sáo rỗng của đề thi. Song, một điều dễ thấy nhất, đó là kỹ thuật ra đề thi rất gần gũi với các nhu cầu thực tiễn cuộc sống.

Tôi cũng hiểu vì sao các bạn nghiên cứu sinh người Trung Quốc ở viện Hàn Quốc học, nơi tôi đang nghiên cứu lại giỏi làm báo cáo, tóm tắt hơn nhiều sinh viên các nước khác đến vậy.

Chúng ta thường nói học phải đi đôi với hành, môn ngữ văn trong nhà trường Việt Nam chắc chắn không phải là ngoại lệ. Sẽ có những nhận định, với lĩnh vực văn chương của chương trình phổ thông thì chỉ cần trang bị tốt những nội dung khai mở có giá trị nhân văn, giá trị con người, giá trị nghệ thuật để bồi đắp tâm hồn, lòng trắc ẩn của học sinh, giúp hình thành nhân cách cho học sinh trước khi bước vào đời.

Tuy nhiên, cuộc đời cũng cần những giá trị từ thực tiễn. Mỗi học sinh sẽ có một con đường riêng sau khi hoàn thành chặng đường 12 năm học tập, nhu cầu cuộc sống và chí hướng đa dạng. Trên con đường đó các em rất cần những kiến thức thực tiễn, một bộ công cụ căn bản nhất khi bước vào đời.

Nhiều thập kỷ qua, ba nhiệm vụ tôi được thử thách để có được một công việc chưa bao giờ là lỗi thời. Chính vì vậy, để văn học không phải là môn học không thú vị, không phải là môn học mà nhiều học sinh tự cho là không gắn liền với thực tiễn cuộc sống, chúng ta cần có những cải cách, nhất là ở khâu thực hành.

Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!