1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Sau chuyện lộ lọt, đề văn bị chê "cũ rích, nhàm chán"

Hoài Nam Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Ngoài việc bị lộ đề, môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay còn kéo theo cuộc tranh cãi kịch liệt trước ý kiến cho rằng đề văn không khác gì... hàng chục năm trước.

"Thời đại cần phá lối mòn chứ không phải phá... kho thóc"

Môn thi đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay gây khuấy đảo bởi sự việc lộ đề từ thí sinh ở Cao Bằng. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, đề văn trong kỳ thi này kéo theo tranh cãi nảy lửa trước ý kiến cho rằng đề quá cũ, đọc thấy cả bầu không khí lẫn sự nhàm chán trong cách ra đề của hàng chục năm trước. 

Sau chuyện lộ lọt, đề văn bị chê cũ rích, nhàm chán - 1

Đề ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (Ảnh: Huyên Nguyễn)

Trên trang cá nhân của mình, quanh câu chuyện đề văn, nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Quang Vinh bày tỏ, một thế giới đang chuyển động mạnh mẽ về khoa học và công nghệ, một thế giới mở với những khát vọng lớn lao đang ngùn ngụt cháy. Thế hệ học sinh hiện tại cần sự kích nổ cho những ao ước lớn lao, ao ước về sự bùng nổ sáng tạo, mang tính toàn cầu...

Vậy nhưng, đề thi văn của năm 2023, theo ông Vinh ngỡ như đề thi của... những năm 60.

Theo nhà văn này, điểm cần phá hiện tại là phá lối mòn, phá sự trì trệ, phá lười biếng để giành kiến thức, để làm chủ các đỉnh cao trí tuệ, chứ không phải là phá... kho thóc.

Đề thi cần cho các sĩ tử một bầu trời sáng tạo, một bầu trời ước mơ, một bầu trời hòa bình để tự do bay, để nghĩ ra được những điều lớn lao cho tuổi trẻ, cho đất nước.

Sau chuyện lộ lọt, đề văn bị chê cũ rích, nhàm chán - 2

Thí sinh tại TPHCM dự thi môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: Hoài Nam).

Cùng cảm nhận trên, khi cầm đề văn trên tay, không ít người bình luận là... tụt cả cảm xúc trước trang giấy toàn chữ là chữ, chưa nói đến phông chữ không dễ nhìn.

Từ các dữ liệu, đoạn trích đến yêu cầu đề, theo nhiều ý kiến là vẫn y chang như cách của hàng chục năm trước. Vẫn là phân tích đoạn trích trong tác phẩm, vẫn là cảm nhận của tác giả... không có gì đột phá, bất ngờ.

Cách ra đề này, bị nhiều người cho là ít tạo không gian sáng tạo, bay bổng cho học sinh cũng như thiếu những hơi thở, sức sống thời đại.

Chị Đậu Ngọc Oanh, 43 tuổi, ở TPHCM chia sẻ, hàng chục năm trước chị đi thi đại học cũng từng gặp đề có tác phẩm "Vợ nhặt".

25 năm sau, đến đời con chị, nhìn đề thi vẫn vậy, không có nhiều thay đổi. Trong khi cách học, cách tiếp cận về thông tin, đời sống xã hội của các con đã hoàn toàn khác thế hệ trước.

Sau chuyện lộ lọt, đề văn bị chê cũ rích, nhàm chán - 3

Nhiều người cho là đề ngữ văn cũ, nhàm chán, ít sáng tạo (Ảnh: Hải Long).

Một chuyên gia có kinh nghiệm ra đề thi THPT quốc gia chia sẻ với phóng viên Dân trí, đề thi văn tốt nghiệp THPT năm 2023 có 3 vấn đề cần xem xét. 

Thứ nhất, ở phần nghị luận 5 điểm, việc trùng nguyên cả đoạn trích và yêu cầu gần như tương đồng nhau với đề thi thử ở tỉnh Nghệ An cho thấy khâu ra đề và duyệt đề còn thiếu sót. 

Thứ hai, tác phẩm "Vợ nhặt" với các thông tin trong đoạn trích không mang hơi thở cuộc sống. 

Thứ ba, chủ điểm của đoạn trích "Đi qua cơn giông" không khớp với vấn đề nghị luận xã hội yêu cầu viết về bài học lẽ sống cho bản thân, có vẻ như cố gượng ép vào nên thành khiên cưỡng. 

Từ những lập luận trên, chuyên gia này cho rằng đề thi ngữ văn chưa đạt yêu cầu và đủ tầm với mức độ quan trọng của kỳ thi.

Hãy để người trẻ bay bổng với văn học!

Ở góc nhìn ngược lại, nhiều người phản bác ý kiến đánh giá đề văn cũ, nhàm chán, thiếu sự mới mẻ, sáng tạo.

Ông Nguyễn Phước Bảo Khôi, khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM thẳng thắn cho biết ông hoàn toàn phản bác ý kiến đánh giá đề văn nhàm chán, thiếu đột phá, sáng tạo.

Theo ông Khôi, thứ nhất, Bộ GD-ĐT đã sớm có thông báo và thông tin đến dư luận về việc xác định giữ ổn định mô hình, cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và 2024 để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đang triển khai những năm cuối. 

Từ đó có thể thấy việc cấu trúc đề thi ngữ văn nói riêng và các môn nói chung được giữ ổn định là một chủ trương đúng đắn, hợp lí, tránh gây xáo trộn, tạo thêm áp lực cho học sinh.

Sau chuyện lộ lọt, đề văn bị chê cũ rích, nhàm chán - 4

Nhiều ý kiến đánh giá đề văn đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Hải Long).

Thứ 2, những đánh giá như "đề quen thuộc đến mức nhàm chán, thiếu đột phá và sáng tạo" vốn không phải là tiêu chí dành cho một đề thi tốt. 

Muốn đánh giá đề thi, người phản biện phải có một hệ thống tiêu chí cụ thể, chi tiết chứ không phải xuất phát từ nhận thức thiên kiến để nêu ra những quan điểm thiếu tính khoa học.

Thứ 3, với đề thi ở phạm vi quốc gia, cần cân nhắc đến mục đích, đối tượng, sau đó cần chú ý đến tính an toàn và sự phân hóa của nội dung đề thi. 

Ông Khôi nêu quan điểm, đề văn năm nay không bất ngờ nhưng là một đề thi tốt vì mục đích xác định rõ ràng, hướng đến đối tượng phù hợp, tính an toàn được đảm bảo, độ phân hóa rất tốt, đáp ứng yêu cầu vừa xét tốt nghiệp vừa làm cơ sở tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Ngoài việc đảm bảo tiêu chí của kỳ thi, nhiều ý kiến cũng đưa ra góc nhìn văn học hãy cứ là văn học, để học sinh được suy tư, bay bổng trong thế giới của văn chương, của các tác phẩm văn học, không nhất thiết phải quá "ôm đồm" nhiều nhiệm vụ khác.

Sau chuyện lộ lọt, đề văn bị chê cũ rích, nhàm chán - 5

Thí sinh TPHCM sau giờ thi môn văn sáng 28/6 (Ảnh: Nam Anh).

Anh Nguyễn Duy Cương, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ CBC-8, cựu học sinh chuyên văn tại Thanh Hóa bày tỏ, đọc đề văn anh băn khoăn ở câu 1 phần làm văn về yếu tố cân bằng cảm xúc. Câu này có phần đánh đố thí sinh vì vấn đề đặt ra khá nặng so với nhận thức của các bạn trẻ mới lớn. 

Còn nhận định đề văn cũ, không theo kịp sự bắt nhịp của thời đại, khoa học, anh Cương cho rằng chưa hợp lý.

Với anh, văn học là văn học, khoa học công nghệ là khoa học công nghệ. Nói theo văn phong khoa học, hai thứ đó có mức tương quan thấp.

Học và ngẫm các tác phẩm văn học kinh điển, nổi tiếng là để hiểu rằng "xét đến cùng, lịch sử văn học của một dân tộc cũng chính là lịch sử phát triển tâm hồn dân tộc đó".

Anh nghiệm từ bản thân mình, học văn rất nhiều và đến giờ, dù làm về khoa học công nghệ vẫn rất trân trọng từng giai đoạn lịch sử văn học, vẫn yêu từng dòng chữ của mỗi tác phẩm như "Vợ nhặt", "Tắt đèn", "Chí Phèo", "Bỉ vỏ", "Đống rác cũ" hay "Ký ức vụn"...

Theo anh Cương, không cảm thụ và hiểu, trân trọng những thứ như phá kho thóc, tâm hồn có khi sẽ trở nên vô cảm, dửng dưng với lịch sử của chính dân tộc mình.

"Đề nghị luận văn học năm nay là một đề thi tốt. Còn khoa học công nghệ, ta hãy cứ để cho toán, lý, hóa, sinh, công nghệ,... truyền cho các em", cựu học sinh chuyên văn nêu quan điểm.

Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội chia sẻ, băn khoăn và hồi hộp lớn nhất với đề thi văn vẫn là lúc chờ đợi thi vào tác phẩm nào. Tư tưởng này đã quen thuộc suốt bao năm qua khi việc dạy học văn chú trọng vào truyền thụ kiến thức, những kiến thức gắn cố định và hạn hẹp vào một số tác phẩm trong sách giáo khoa. 

Vì vậy việc thi cử cũng xoay quanh những tác phẩm cụ thể, tạo ra những giới hạn và sự quen thuộc, nhàm chán trong đề thi. 

"Tôi hy vọng điều này sẽ không còn nữa trong hai mùa thi tới với chương trình giáo dục mới, chú trọng kiến thức thể loại và kỹ năng, năng lực, phẩm chất của người học.

Đề thi vào tác phẩm nào vẫn là những đợi chờ thú vị nhưng không còn trọng yếu nữa. Và việc dạy văn, học văn đã và đang có những thay đổi theo định hướng đó", ông Hùng chia sẻ kỳ vọng.