Hiệp định Paris - 50 năm nhìn lại
Tháng Giêng này tròn 50 năm Hiệp định Paris - một hiệp định cho đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử rất lớn đối với dân tộc ta. Hiệp định Paris tháng 1/1973 đã quyết định việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định này cũng đã tạo tiền đề cho đại thắng mùa xuân năm 1975 và thống nhất đất nước Việt Nam. Nếu nhìn rộng ra, Hiệp định góp phần mở ra kỷ nguyên của một nước Việt Nam mới, độc lập, thống nhất, đổi mới và hội nhập, đồng thời thể hiện truyền thống, khát vọng hòa bình, độc lập tự chủ và bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Lứa chúng tôi vào những năm 1973-1975 còn rất non trẻ, đang là những học sinh cấp 3. Lúc đó, chúng tôi đã cảm nhận được việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, không còn phải sơ tán, không còn nghe tiếng bom, tiếng đạn, có ý nghĩa lớn lao nhường nào với mỗi gia đình, mỗi người dân cả hai miền lúc đó.
Gia đình tôi ở Hàng Đậu, Hà Nội, ngay gần cầu Long Biên, cũng là mục tiêu của bom đạn Mỹ, nên cũng từng chứng kiến bom, rocket đánh phá, sức ép bom đạn có lúc đã thổi bay cả mái ngói nhà. Rồi cũng từng phải đi sơ tán theo trường, theo bố mẹ. Đến đầu năm 1975, lứa chúng tôi chuẩn bị tốt nghiệp lớp 10 để vào đại học, cũng có một số bạn bè cùng trang lứa nhập ngũ, tham gia vào chiến dịch đại thắng mùa xuân năm đó. Cảm nhận từ thuở con trẻ đó còn theo mãi, cả khi sau này làm về đối ngoại, trao đổi với bạn bè quốc tế và cả các đối tác Mỹ.
Hiệp định Paris có ý nghĩa chung, lớn với dân tộc, trong đó có đối ngoại. Rất nhiều những bài học lịch sử lớn và vẫn giữ nguyên giá trị sau 50 năm.
Nếu nói về cảm nhận làm đối ngoại, cá nhân tôi luôn thấy cần ghi đậm mấy điểm sau về Hiệp định Paris. Thứ nhất là bài học "vừa đánh vừa đàm", phải giành thắng lợi trên chiến trường thì mới tạo được cơ sở cho đàm phán, nếu không sẽ khó mà đạt thỏa thuận về kết thúc chiến tranh. Thứ hai là kết hợp giữa ba mặt trận: Quân sự, chính trị, đối ngoại - thế chân kiềng đó tạo ra sức mạnh tổng lực cho cuộc cách mạng của Việt Nam.
Tiếp đó là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đấu tranh bất khuất và sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam đã giành được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới, ở khu vực và đoàn kết ở 3 nước Đông Dương, ngay trong lòng nước Mỹ cũng có phong trào mạnh mẽ phản đối chiến tranh tại Việt Nam.
Về đối ngoại, trong những bài học lớn mà Hiệp định Paris để lại, có lẽ cần nhấn mạnh thêm hai ý, đó là câu chuyện "độc lập tự chủ" và "dĩ bất biến, ứng vạn biến". "Độc lập tự chủ" là điều cực kỳ quan trọng khi quyết định những vấn đề hệ trọng thuộc lợi ích dân tộc trong bối cảnh cọ xát quan hệ và sức ép của các nước lớn. Điều này đòi hỏi chúng ta cả về bản lĩnh và tri thức, phải nắm chắc tình hình, biết mình, biết người và kiên định các mục tiêu chiến lược, từ đó giúp đưa ra những quyết sách phù hợp ở những thời điểm khác nhau.
"Dĩ bất biến" tức là nắm chắc và kiên định về mục tiêu, lợi ích cốt lõi của mình, mà ở đây là chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, và bảo đảm độc lập tự chủ. Còn "ứng vạn biến" là có những bước đi, sách lược phù hợp ở từng thời điểm khác nhau, để đạt được mục tiêu đề ra.
Tọa đàm Paris về Việt Nam có lẽ là một cuộc thương lượng lâu nhất, kéo dài gần 5 năm, trong bối cảnh một cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trên thế giới. Đó là một quá trình đấu trí quyết liệt, nhưng cũng hết sức khôn khéo về đối ngoại, với sự hậu thuẫn của một dân tộc bất khuất và phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam. Và, chúng ta đã vận dụng rất nhuần nhuyễn, khéo léo các nguyên tắc của đối ngoại về độc lập tự chủ và "dĩ bất biến, ứng vạn biến", từ đó đạt được thỏa thuận về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình.
Hiệp định Paris cũng cho thấy sự độc lập, tự chủ của chúng ta trong quyết sách quan trọng về đối ngoại liên quan đến vận mệnh và lợi ích dân tộc. Không ít nơi trên thế giới đã từng chứng kiến những bài học về các nước lớn can thiệp vì các lợi ích riêng của mình, nếu không giữ vững được độc lập tự chủ.
Từ "dĩ bất biến, ứng vạn biến", Hiệp định Paris đã đạt được những nội dung "bất biến" hết sức quan trọng, về công nhận độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, về việc Mỹ rút và để người Việt Nam tự quyết định chuyện nội bộ của mình. Từ đó, chúng ta bảo tồn được lực lượng khi Mỹ rút và tạo cơ sở cho chiến thắng mùa xuân năm 1975.
Kỷ niệm 50 năm, những bài học đối ngoại to lớn của Hiệp định Paris ngày nay vẫn luôn giữ nguyên giá trị. Câu chuyện "độc lập tự chủ", "dĩ bất biến, ứng vạn biến" và "kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại" vẫn tiếp tục là những bài học lớn trong thế giới hiện tại - khi mà thế giới vẫn đang đứng trước những thách thức phức tạp, nhiều chiều, như cạnh tranh nước lớn, cường quyền hay xung đột và các thách thức an ninh phi truyền thống.
Đồng thời, sau 50 năm, điều đòi hỏi với chúng ta là càng cần phải vận dụng một cách hiệu quả những bài học trên, khi mà thế giới đã có những thay đổi sâu sắc và sao cho ngang tầm với vị thế và tâm thế mới của Việt Nam. Chỉ xin được chia sẻ tâm sự ở một số điểm sau:
Trước hết, điều này thể hiện ở chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam, như Đại hội XIII đã khẳng định, đó là: Độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn, là đối tác tin cậy của các nước, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tiếp tục hội nhập sâu rộng và toàn diện.
Khác với thời chiến tranh lạnh, ngày nay quan hệ giữa các nước đan xen lợi ích, kể cả các nước lớn, dù cạnh tranh nhau nhưng vẫn tùy thuộc và không phân cực thành hai hệ thống biệt lập và đối nghịch. Quan hệ quốc tế giờ đây đan xen phức tạp giữa cạnh tranh, tùy thuộc, hội nhập và hợp tác. Do đó, độc lập tự chủ, đa dạng hóa và hội nhập là ba thành tố rất quan trọng của đối ngoại Việt Nam hiện nay.
Những diễn biến gần đây, như cạnh tranh nước lớn, cuộc khủng hoảng ở Ukraine hay đại dịch Covid-19, càng cho thấy ý nghĩa của điều này. Chúng ta "không chọn bên", mà chọn chơi với các nước và các đối tác, phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Hoặc như việc các nước hay Việt Nam đều cần phải đa dạng hóa, cả về địa chiến lược và địa kinh tế, để tránh bị rơi vào thế phụ thuộc một khi khủng hoảng xảy ra và các chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Thứ hai, đó là chủ trương về "bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia", thì Đại hội XIII cũng nêu rõ: Việc này đi đôi với bình đẳng, hợp tác cùng có lợi và trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Thứ ba, đó là câu chuyện đối ngoại tiên phong và bảo vệ Tổ Quốc từ sớm, từ xa, vững bên trong và yên bên ngoài. Về đối ngoại, đó là tiên phong trong việc bảo đảm môi trường thuận lợi cho an ninh và phát triển của Việt Nam. Theo đó, chúng ta cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các khuôn khổ quan hệ ổn định lâu dài với các đối tác, tạo thế đan xen lợi ích, thúc đẩy hợp tác song và đa phương, vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực và thế giới.
Cuối cùng, đó là xứng tầm với một Việt Nam mới, một Việt Nam đổi mới, phát triển, hội nhập và có vị thế quốc tế. Sau 4 thập kỷ đổi mới, đất nước chúng ta bước vào thời kỳ phát triển mới, với khát vọng 2030 và 2045. Theo đó, hoạt động đối ngoại phải tranh thủ tối đa môi trường, các nguồn lực từ bên ngoài và lấy đó làm mục tiêu trung tâm. Đồng thời, vị thế, tâm thế mới đòi hỏi chúng ta tham gia, đóng góp chủ động và tích cực vào các công việc chung của thế giới, mà trước hết là thúc đẩy việc thượng tôn luật pháp quốc tế, xây dựng lòng tin và xây dựng các chuẩn mực ứng xử chung, phù hợp với lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế. Song hành với đó là thúc đẩy hợp tác giải quyết các vấn đề thuộc lợi ích chung, những thách thức mà không một quốc gia nào có thể tự giải quyết một mình, như về ứng phó với dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng… bảo đảm hòa bình, an ninh quốc tế, trong đó có câu chuyện về hòa bình, an ninh, hợp tác ở Châu Á Thái Bình Dương và Biển Đông.
Sau 50 năm, ra khỏi chiến tranh, ngày nay, điều quan trọng nhất là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác để phục vụ cho an ninh và phát triển của đất nước. Vận dụng hiệu quả các chủ trương của Đại hội XIII và những bài học của Hiệp định Paris chắc chắn sẽ giúp chúng ta vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế đất nước và tiếp tục đóng góp hiệu quả vào các công việc chung của thế giới trong bối cảnh mới.
Chủ trương độc lập tự chủ, hội nhập, đa dạng hóa, đa phương hóa càng giúp tạo thêm nguồn lực, vị thế và không gian chiến lược cho xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc của Việt Nam trong tình hình mới.
Chúng ta có niềm tin chắc chắn về đường lối đối ngoại của Việt Nam, cùng những bài học của Hiệp định Paris còn nguyên giá trị sau 50 năm.
Mỗi khi đến dịp kỷ niệm mang tính lịch sử thiêng liêng này, chúng ta lại nhớ đến truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống để bảo vệ độc lập để có một Việt Nam thống nhất, đổi mới, phát triển và có vị thế quốc tế như hôm nay.
Tác giả: Đại sứ Phạm Quang Vinh - nhà ngoại giao cao cấp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Vinh từng có 7 năm làm Trưởng Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!