Tâm điểm
Quan Thế Dân

Hệ quả từ trào lưu "quay lưng" với vaccine

Chỉ trong một đời người, tôi đã thấy y học thực hiện được nhiều điều kỳ diệu. Khi còn bé, tôi đã thấy một anh hàng xóm bị liệt hai chân, phải di chuyển bằng hai tay, lết hai chân trên đất. Người lớn bảo anh ấy bị sốt bại liệt.

Tôi cũng thấy nhiều người lớn bị rỗ mặt, nhìn rất sợ. Đấy là những người bị đậu mùa. Rồi trẻ con chúng tôi đứa nào cũng bị một lần lên sởi, sốt kéo dài cả tuần, sau đó nổi ban đỏ khắp người, rồi khỏi. Người lớn lúc đó coi trẻ em lên sởi là tất yếu, như là thủ tục của một đứa trẻ phải trải qua để lớn lên. Nhưng cũng có đứa không qua được, người lớn bảo đấy là "sởi chạy hậu". Rồi còn nhiều bệnh khác nữa cũng là mối đe dọa cho trẻ em như ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm màng não...

Thế mà quay đi quay lại, chỉ trong chưa đầy một đời người, tôi đã thấy các bệnh trên biến mất. Lâu lắm rồi không thấy người bại liệt. Không nhìn thấy khuôn mặt ai bị đậu mùa. Sởi, ho gà, bạch hầu, viêm màng não... cũng thế, gần như không thấy nữa. Các thống kê cho thấy tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong giảm mạnh, Không như ngày trước, nhiều khi "hữu sinh vô dưỡng"...

Hệ quả từ trào lưu quay lưng với vaccine - 1

Chiến lược tiêm chủng khoa học, bao phủ tất cả các loại vaccine phòng các bệnh thường gặp trẻ em, đã làm giảm hẳn, thậm chí là biến mất nhiều bệnh ở trẻ em (Ảnh minh họa: CV)

Thành tựu ấy có được là nhờ sự chăm sóc y tế tốt lên trong thời gian qua. Từ sự chăm sóc thai kỳ, sinh đẻ an toàn, rồi đến nuôi dưỡng trẻ khoa học... Trong đó có vai trò rất lớn của tiêm chủng. Chiến lược tiêm chủng khoa học, bao phủ tất cả các loại vaccine phòng các bệnh thường gặp ở trẻ em, đã làm giảm hẳn, thậm chí là biến mất nhiều bệnh, giúp giảm rõ rệt tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

Nhưng cũng từ lâu rồi vẫn tồn tại một nhóm nhỏ những người e ngại tiêm vaccine, thậm chí là chống đối không tiêm, ở cả Việt Nam và trên thế giới. Người ta gọi chung đó là những người "anti vaccine - tạm dịch là quay lưng với vaccine".

Lý do để anti vaccine là gì? Nhẹ nhất là không tin vào vaccine. Nhiều người dẫn chứng con tôi không tiêm vaccine cũng có bị bệnh gì đâu. Lý do tiếp theo là tiêm vaccine có thể bị phản ứng khi tiêm, thậm chí phản ứng rất nặng, cho dù với tỷ lệ rất nhỏ. Các lý do khác nữa, có thể cao siêu hơn như muốn sống thuận tự nhiên, không muốn tiêm vật lạ vào người; hoặc vaccine gây những biến đổi lâu dài về cơ thể trẻ, hoặc những lý do thuyết âm mưu…

Có thể điểm qua một số phong trào anti vaccine nổi tiếng ở châu Âu như:

Chống vaccine đậu mùa ở Anh và Mỹ. Vaccine đầu tiên trên thế giới là vaccine chống đậu mùa, do Edward Jenne người Anh phát minh năm 1800, Anh cũng là quốc gia đầu tiên có phong trào anti vaccine. Người dân Anh biểu tình chống lại đạo luật bắt buộc tiêm chủng đậu mùa từ năm 1853. Đỉnh điểm là cuộc biểu tình ở Leicester năm 1885 với 100.000 người tham gia. Một ủy ban được thành lập sau đó năm 1896 đã ra phán quyết là tiêm chủng bảo vệ trẻ khỏi bệnh đậu mùa, nhưng cũng miễn hình phạt cho các cha mẹ nào không đưa con đi tiêm.

Chống vaccine bạch hầu, uốn ván, ho gà. Vào giữa những năm 1970 lại có cuộc tranh cãi lớn liên quan đến vaccine phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà (DTP). Xuất phát từ nghiên cứu là một số trường hợp trẻ bị rối loạn thần kinh sau khi tiêm vaccine DTP, các phản đối tiêm chủng đã lan rộng cả ở Anh và Mỹ. Nhiều vụ kiện đòi bồi thường đã được đệ trình lên tòa án. Cuối cùng các nghiên cứu độc lập bác bỏ mối liên quan giữa tiêm chủng và chứng rối loạn thần kinh, các vụ kiện liên quan đến vaccine bị bãi bỏ.

Ở Việt Nam không có những phong trào anti vaccine lớn như phương Tây, nhưng qua một số trang mạng xã hội, các tư tưởng anti vaccine âm thầm lan rộng. Những người theo trường phái này thoải mái cho đăng những thông tin khó kiểm chứng. Chỉ cần gõ Google từ khóa "anti vaccine" sẽ cho ra rất nhiều ý kiến, kể cả trang Facebook kêu gọi chống tiêm vaccine. Các ý kiến còn dẫn cả một số ca tử vong sau tiêm để đổ tội cho vaccine. Đáng lo nhất là nhiều người đọc và bình luận kiểu: "Trước nay tin tưởng vaccine, giờ mới biết nó nguy hiểm thế". 

Một đặc điểm nữa là tình trạng "đi nhờ xe" hay "núp bóng" của những người không chịu tiêm phòng vào những người đã tiêm vaccine đầy đủ. Chúng ta biết rằng trong cộng đồng, khi con số tiêm chủng đạt đa số, thì sẽ có hiện tượng hình thành miễn dịch cộng đồng, mầm bệnh không còn chỗ lưu hành nữa. Lúc đó một thiểu số nhỏ người không tiêm vaccine cũng sẽ được hưởng lợi, không bị mắc bệnh. Tuy nhiên những người không tiêm vaccine lại lấy đó làm dẫn chứng rằng họ không tiêm cũng không bị mắc bệnh, từ đó càng thúc đẩy phong trào anti vaccine.

Hiện tượng "núp bóng" này làm xói mòn lòng tin của những người đã tiêm, dần dần số người không tiêm vaccine sẽ tăng lên. Đến một lúc nào đó số người đã tiêm giảm sút quá nhiều, miễn dịch cộng đồng bị mất và bệnh dịch quay trở lại.

Ngoài ra ở Việt Nam bên cạnh chương trình tiêm chủng miễn phí thì một số vaccine phải tiêm dịch vụ, không còn viện trợ miễn phí như trước, nên chi phí tiêm vaccine cũng làm tăng thêm sự do dự đưa trẻ đi tiêm.

Thời gian gần đây một số dịch bệnh đã bắt đầu thấy xuất hiện trở lại, do một số nguyên nhân bao gồm vấn đề tỷ lệ tiêm chủng giảm sút. Tháng 8 vừa qua, Thanh Hóa công bố dịch bạch hầu ở Mường Lát, TPHCM công bố dịch sởi. Số người mắc đã lên tới hàng trăm, và đã có trẻ tử vong do biến chứng. Điểm lại các ca mắc thì đều thấy trẻ chưa được tiêm phòng hoặc quên không tiêm nhắc lại. Các địa phương đang tổ chức chiến dịch tiêm vaccine bổ sung diện rộng để ngăn dịch. Một số bệnh truyền nhiễm khác cũng bắt đầu rải rác xuất hiện

Vì vậy, từ góc nhìn của một bác sĩ, tôi cho rằng cha mẹ của trẻ nên theo dõi các thông tin chính thống của ngành Y tế, tránh bị tác động xấu của phong trào anti vaccine. Đưa con đi tiêm chủng đúng lịch là hành động tốt nhất để bảo vệ con mình trước các bệnh truyền nhiễm. Tác dụng của tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm đã được khẳng định chắc chắn.

Khi tiêm vaccine sẽ có một tỷ lệ rất nhỏ rủi ro xuất hiện phản ứng, nhưng ngược lại lợi ích bảo vệ vượt trội so với những rủi ro này. Để phòng tránh các rủi ro khi tiêm thì nên tiêm tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện cấp cứu.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!