Góc khuất cần cảnh giác!
Vụ bắt khẩn cấp huấn luyện viên taekwondo bị tố hiếp dâm nhiều nam sinh ở Quảng Ngãi mới đây gây rúng động dư luận không chỉ ở địa phương. Nhiều người ngỡ ngàng: Trời, trẻ em nam mà cũng bị xâm hại tình dục nữa hả?
Thực ra đây không phải chuyện bây giờ mới xảy ra. Chúng ta nhớ lại vào năm 2019, tòa từng phạt 8 năm tù với cựu hiệu trưởng ở Thanh Sơn (Phú Thọ) vì dâm ô với nhiều nam sinh dưới 16 tuổi.
Những vụ việc trên là lời cảnh báo với chúng ta về một góc khuất, dù chỉ mang tính chất đơn lẻ, nhưng cần được cảnh giác. Tôi từng nghe một người bạn nam ở quê kể câu chuyện ám ảnh trong nhiều năm khi không may là nạn nhân của một người hàng xóm. "Anh ta gọi mình sang nhà chơi, rồi kéo mình lại gần và làm chuyện xấu xa. Lúc đó, mình chỉ mới có 12 tuổi, vừa sợ hãi, vừa xấu hổ song không biết nên phản ứng như thế nào Thật kinh khủng", bạn tôi kể.
Có nhiều số liệu thống kê về tình trạng xâm hại trẻ em, ở đây tôi xin dẫn số liệu mới nhất do Bộ Công an cung cấp: Giai đoạn 2021-2022, trên toàn quốc đã phát hiện 3.748 vụ, với 4.354 đối tượng, xâm hại 3.907 trẻ em. Trong đó, hiếp dâm trẻ em là 1.193 vụ/1.260 đối tượng; cưỡng dâm trẻ em là 29 vụ/30 đối tượng; giao cấu với trẻ em là 1.362 vụ/1.369 đối tượng…
Đây mới là những vụ được phát hiện, xử lý. Chúng ta biết rằng có những vụ việc vì các lý do khác nhau đã trôi vào im lặng, cũng giống như trường hợp của bạn tôi kể trên.
Qua thống kê của cơ quan chức năng cho thấy những kẻ xâm hại trẻ em nhiều khi là người thân, người quen, những người được giao trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ các em. Vì thân, quen nên đối tượng dễ dàng có cơ hội phạm tội và phạm tội nhiều lần.
Trong thực tế, việc xâm hại tình dục đối với trẻ em nam thường ít để lại dấu vết, ít bị phát hiện hơn so với xâm hại trẻ em nữ, vì vậy xã hội càng phải cảnh giác hơn đối với loại tội phạm này.
Theo các chuyên gia, nạn nhân của lạm dụng tình dục thuộc nhóm yếu thế (trẻ em) nên thường cảm thấy bất lực, nếu bị đe dọa thì có thể im lặng, chấp nhận chịu đựng. Ngoài ra, có những trường hợp nạn nhân mắc kẹt trong suy nghĩ "bản thân là người có lỗi" nên không dám thổ lộ để nhờ sự giúp đỡ từ người khác. Nạn nhân theo đó, vừa bị lạm dụng tình dục vừa bị bạo lực tinh thần khiến tổn thương càng thêm sâu sắc. Vụ việc bị phát hiện ở Quảng Ngãi, theo báo chí là đã râm ran trong dư luận khá lâu nhưng phải đợi cơ quan chức năng vào cuộc, tìm chứng cứ mới bắt khẩn cấp đối tượng.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, nhà trường, phụ huynh cần đẩy mạnh phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống lạm dụng, xâm hại cho trẻ em với những cách thức phù hợp, bao gồm cả trẻ em nam; tăng cường biện pháp giám sát, bảo vệ trẻ em, làm bạn với trẻ để lắng nghe trẻ, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các hành vi xâm hại…
Các nhà trường bên cạnh giờ học văn hóa, nên tổ chức chuyên đề về phòng chống xâm hại, lạm dụng tình dục, qua đó phổ biến các kỹ năng cần thiết qua các câu chuyện thực tế, tình huống giả định nhằm nâng cao kiến thức tự bảo vệ cho các em, giúp các em nhận diện được kẻ xấu và biết cách áp dụng biện pháp cần thiết.
Khi một vụ việc lạm dụng tình dục trẻ em bị phát hiện, việc cần thiết đầu tiên là bảo vệ, quan tâm sức khỏe và tinh thần nạn nhân, đồng thời phải nhanh chóng tố giác tội phạm. Hiện chúng ta có tổng đài 111 ghi nhận các vụ việc liên quan tới bạo lực, xâm hại, lạm dụng tình dục… trẻ em.
Vụ việc ở Quảng Ngãi một lần nữa là sự nhắc nhở với tất cả chúng ta, những người làm cha làm mẹ, những người là thầy cô giáo của các em, có trách nhiệm với thế hệ tương lai đất nước.
Tác giả: Anh Lê Trường An là Thạc sĩ Giáo dục, giảng viên Trường Đại học Mở TPHCM, nghiên cứu sinh Đại học Kỹ thuật Suranaree (Thái Lan). Trước khi làm giảng viên Đại học, anh từng có thời gian dạy bộ môn kỹ năng sống ở trường trung học.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!