"Gánh nặng" sửa đổi Luật
Thông thường ở ta cũng như ở nhiều nước trên thế giới, trọng tâm của các kỳ họp cuối năm là ngân sách và các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, điều này có vẻ như không hoàn toàn đúng với Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sẽ được khai mạc hôm nay 20/10.
Mặc dù ngân sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2023 vẫn chiếm phần không nhỏ của nghị trình, nhưng hoạt động lập pháp lại có thời lượng đáng kể.
Tại Kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội sẽ xem xét để thông qua hoặc xem xét để cho ý kiến đến 15 dự thảo văn bản pháp luật. Đó là: 1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; 2. Luật Hợp tác xã (sửa đổi); 3. Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở; 4. Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); 5. Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); 6. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); 7. Luật Thanh tra (sửa đổi); 8. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); 9. Luật Dầu khí (sửa đổi); 10. Luật Giá (sửa đổi); 11. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); 12. Luật Đấu thầu (sửa đổi); 13. Luật Phòng thủ dân sự; 14. Luật Đất đai (sửa đổi); 15. Nội quy Kỳ họp (sửa đổi).
Đây quả thực là một khối lượng công việc vô cùng đồ sộ.
Nhìn vào danh mục các dự luật được trình ra Kỳ họp, điều chúng ta dễ dàng nhận thấy tuyệt đại đa số là các văn bản sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, có đến 13/15 dự luật là các văn bản sửa đổi, bổ sung, chiếm đến gần 87%. Trong 2 dự luật còn lại, thì Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở thực chất là được nâng cấp lên từ Pháp lệnh Thực hành dân chủ ở cơ sở. Như vậy, dự luật hoàn toàn mới và được trình lần đầu chỉ duy nhất là Luật Phòng thủ dân sự.
Một số lượng lớn các đạo luật được đưa ra sửa đổi, bổ sung có thể phản ánh tầm nhìn chiến lược, cũng như những cố gắng của Quốc hội nhằm tháo gỡ các nút thắt thể chế và cải thiện môi trường pháp lý của đất nước. Tuy nhiên, việc quá nhiều đạo luật phải sửa đổi, bổ sung cũng gây ra không ít những băn khoăn.
Trước hết, việc sửa đổi, bổ sung thường xuyên các đạo luật sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự ổn định của môi trường thể chế. Môi trường thể chế không ổn định, thì rất khó hoạch định tương lai và tổ chức công việc. Kinh tế phát triển cũng khó, mà người dân mưu cầu hạnh phúc cũng không dễ. Đó là chưa nói tới hàng trăm, hàng ngàn các chi phí sẽ phát sinh. Lần này, Quốc hội có xem xét và quyết định sao cho các đạo luật ít bị sửa đổi, bổ sung hơn không?
Thứ hai, một chính sách lập pháp được thay đổi sẽ có tác động vô cùng to lớn đến hàng triệu con người. Phải chăng các dự luật được trình Quốc hội để sửa đổi, bổ sung vì chính sách lập pháp của chúng ta đã thay đổi? Có vẻ như rất khó trả lời câu hỏi này. Một mặt, nếu thế chế chính trị - kinh tế không thay đổi, các chính sách lập pháp cơ bản rất ít khi thay đổi.
Mặt khác, việc thay đổi một chính sách lập pháp thường được tranh luận và truyền thông rất rộng rãi. Điều này là không thật rõ đối với các dự luật sửa đổi, bổ sung được trình ra Quốc hội. Có vẻ như, ngoại trừ việc cắt giảm thủ tục để cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý thì không một định hướng chính sách nào khác đang được xã hội nhận biết.
Nếu thật sự một chính sách lập pháp mới đã được hoạch định, thì Quốc hội cần tập trung xem xét và quyết định chính sách đó hơn là các điều khoản cụ thể trong văn bản. Các điều khoản cụ thể cũng rất quan trọng, nhưng đó là công việc của các chuyên gia, không hoàn toàn là công việc của các đại biểu. Để xem xét và quyết định về một chính sách lập pháp, thì báo cáo đánh giá tác động của chính sách là rất quan trọng. Quốc hội nên áp đặt các chuẩn mực rất cao về chất lượng cho báo cáo này. Những báo cáo đánh giá tác động mang tính suy diễn chung chung, thiếu chứng cứ và số liệu chỉ làm mất thời giờ của Quốc hội.
Nhân đây, việc sửa đổi Luật Đất đai là một công việc hết sức hệ trọng. Những thay đổi chính sách liên quan đến đất đai có thể tạo ra sự phát triển đột phá, nhưng cũng có thể làm ách tắc tất cả mọi hoạt động của đất nước. Quốc hội cần tham vấn rất kỹ ý kiến của những người thực thi cụ thể chính sách đất đai ở các địa phương trước khi quyết định. Ngoài ra, những sáng kiến mới về chính sách liên quan đến Luật Đất đai nên được cho thí điểm trước khi ban hành thành pháp luật.
Thứ ba, phải chăng các đạo luật cần được sửa đổi, bổ sung vì các chính sách lập pháp đã được đề ra chưa giải quyết được vấn đề? Một chính sách lập pháp được Quốc hội thông qua để hạn chế tai nạn giao thông, nhưng tai nạn giao thông không giảm, thì có khả năng là chính sách lập pháp đề ra chưa đúng, nhưng cũng có khả năng là năng lực thực thi chính sách đó chưa đạt yêu cầu.
Rất nhiều chuyên gia kể cả trong và ngoài nước đều cho rằng chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta là khá tốt. Cái còn hạn chế là năng lực thực thi pháp luật. Nếu nguyên nhân của vấn đề là năng lực thực thi pháp luật hạn chế, thì không biết sửa đổi, bổ sung các đạo luật có giải quyết được vấn đề hay không? Phải chăng trong quá trình xem xét, thông qua các dự luật, Quốc hội cần quan tâm làm rõ xem nguyên nhân của vấn đề là chính sách lập pháp hay năng lực thực thi.
Cuối cùng, Quốc hội là một thiết chế được sinh ra để đàm luận, nghĩa là để thảo luận, xem xét một cách kỹ lưỡng tất cả mọi dự luật được trình ra. Để làm được như vậy, nhiều nước trên thế giới phải thành lập ra quốc hội gồm hai viện. Việc xem xét, thông qua các dự luật được tiến hành một lần ở hạ viện và được lặp lại một lần nữa ở thượng viện. Quốc hội nước ta với cấu trúc một viện thì việc xem xét, thông qua các dự luật lại càng phải kỹ lưỡng và cẩn trọng hơn.
Tác giả: TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông được biết đến là chuyên gia về các vấn đề khoa học chính trị; tham gia Nhóm tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!