Tâm điểm
Quan Thế Dân

Đừng "sốt sình sịch" với dịch cúm

Thông lệ hàng năm, cứ vào mùa lạnh ngành Y tế lại phải đối phó với các loại dịch bệnh đường hô hấp, trong đó có dịch cúm. Chuẩn bị thuốc men, chuẩn bị phòng cách ly. Bệnh viện tôi cũng vậy, luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng chống dịch.

Thực tế từ đầu mùa lạnh đến giờ số bệnh nhân mắc bệnh hô hấp phải nằm viện có tăng lên, nhưng chưa đến mức gây căng thẳng. Số bệnh nhân cúm có tăng lên, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Ở cơ sở của chúng tôi và rộng ra là trong những bệnh viện mà tôi có liên hệ, tình hình cũng tương tự.

Tuy nhiên tin tức từ các bệnh viện trung ương thì không khả quan như vậy. Đã có một số ca mắc cúm trở nặng phải thở máy. Thêm nữa thông tin nữ diễn viên nổi tiếng của Đài Loan Từ Hy Viên tử vong nhanh do cúm đã gây sự chú ý của dư luận với cúm mùa. Sau kỳ nghỉ Tết dài, khi quay lại với thời sự, nhiều người giật mình vì đang có một đợt bùng phát của dịch cúm quét qua nhiều nước trên thế giới.

Đừng sốt sình sịch với dịch cúm - 1

Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là nơi tiếp nhận các ca mắc cúm nặng, nguy kịch được chuyển về từ các tỉnh thành miền Bắc (Ảnh: Mạnh Quân)

Ngày 7/2, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo ghi nhận ít nhất 24 triệu ca mắc bệnh, 310.000 ca nhập viện điều trị và 13.000 ca tử vong do cảm cúm. Tại Đài Loan (Trung Quốc), trong tuần cuối tháng 1, số người tìm đến cơ sở y tế vì các triệu chứng giống cúm đã vượt mốc cao nhất trong vòng 10 mùa dịch gần đây. Số ca có các triệu chứng giống cúm đã lên tới hơn 162.000 chỉ trong 1 tuần cuối tháng 1. Tại Nhật Bản, tính đến cuối tháng 1 đã ghi nhận 9,5 triệu ca nhiễm cúm trong mùa cúm này. 

So với tình hình các nước kể trên thì Việt Nam hiện vẫn tương đối bình yên. Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, các trường hợp mắc chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, không có dấu hiệu thay đổi về độc lực. Tại khoa Nhi một số bệnh viện lớn, số bệnh nhi cúm nhập viện khoảng 10 cháu trong một tuần.

Điểm qua như vậy thì thấy tình trạng dịch cúm của Việt Nam chưa đến mức gây quá tải cho hệ thống y tế, nên mọi người cần bình tĩnh đánh giá tình hình, tránh những phản ứng thái quá, gây ra những khủng hoảng truyền thông.

Do chúng ta đã có kinh nghiệm đối phó với dịch Covid 19, nên tôi nghĩ mọi người nên ôn lại và vận dụng. Những bài học đó rất đơn giản song vẫn còn nguyên giá trị.

Việc đầu tiên là tránh tiếp xúc nơi đông người, nhất là trong môi trường không gian kín. Dịp đầu năm nhiều lễ hội đông người, nhiều tụ điểm vui chơi giải trí cả ngoài trời lẫn trong nhà, là cơ hội cho bệnh cúm lan nhanh, mọi người cần chú ý.

Việc tiếp theo cần khôi phục lại thói quen đeo khẩu trang khi đến nơi đông người cũng như nhân viên đến công sở, trẻ em đến trường. Rửa tay thường xuyên. Lau rửa thường xuyên các bề mặt nhiều người tiếp xúc.

Những người có dấu hiệu sốt cao, ho, viêm đường hô hấp… nên chủ động cách ly với người khác, hạn chế lây lan bệnh.

Nếu như cả cộng đồng cùng nhau áp dụng những biện pháp cơ bản này, tôi tin chúng ta sẽ đi qua vụ dịch cúm này một cách nhẹ nhàng.

Với nhóm người có nguy cơ cao như trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi, người có nhiều bệnh nền thì cần đi tiêm vaccine phòng cúm. Đúng ra việc tiêm phòng này cần thực hiện trước mùa đông để cơ thể kịp thời sinh kháng thể, tuy nhiên việc tiêm vaccine phòng cúm ngay bây giờ cũng vẫn có ích, sẽ làm giảm nguy cơ bệnh trở nặng.

Vaccine cúm đã được đưa vào sử dụng từ lâu và nhìn chung đánh giá là an toàn, có tác dụng bảo vệ tốt. Một nghiên cứu năm 2014 đã chỉ ra rằng vaccine giúp giảm 74% tỷ lệ nhập viện vì cúm nặng trong giai đoạn 2010 - 2012. Hơn nữa, vaccine cúm còn có thể giảm đến 80% nguy cơ tử vong liên quan đến cúm.

Khi có những triệu chứng nghi cúm như sốt cao, đau đầu, đau người, ho khan, chảy mũi thì chúng ta nên đến bệnh viện để được xét nghiệm xem có mắc cúm hay không.

Nếu xác định là có mắc cúm nhưng tình trạng toàn thân tốt, các xét nghiệm máu bình thường thì chúng ta hoàn toàn có thể điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt, uống nhiều nước ấm, uống vitamin và một số thuốc ho thảo dược. Bệnh sẽ đỡ dần trong vài ngày.

Nếu cảm cúm, sốt cao liên tục vài ngày không dứt, nhất là với trẻ em, người già, người có nhiều bệnh nền thì nên nằm viện để điều trị. Các bác sĩ sẽ cho thuốc kháng virus sớm để hỗ trợ cơ thể đẩy lùi virus cúm; đồng thời sẽ cân nhắc dùng kháng sinh nếu có bội nhiễm và truyền dịch nâng cao thể trạng.

Như vậy là chúng ta bình tĩnh sàng lọc phân loại bệnh để đối phó kịp thời, vừa tránh các biến chứng nguy hiểm của cúm, đồng thời cũng không nên quá lo lắng gây nên quá tải cho ngành Y tế.

Bệnh cúm mùa đã song hành với loài người từ lâu. Tuy nhiên độc tính của virus này không phải là quá mạnh. Tỷ lệ người chuyển nặng khi mắc cúm chỉ chiếm khoảng vài phần nghìn và tỷ lệ tử vong càng ít hơn nữa, khoảng phần chục nghìn. Ở Mỹ các nhà khoa học dự báo dịch cúm sẽ đạt đỉnh vào tháng 2 sau đó giảm dần. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế Nhật Bản, tuần từ 20-26/1, Nhật Bản ghi nhận 54.594 ca nhiễm mới, được báo cáo từ 5.000 cơ sở y tế, giảm gần 40% so với tuần trước đó. Số lượng người nhiễm cúm mới đang có xu hướng giảm nhanh.

Bình tĩnh làm theo các khuyến cáo của ngành Y, chúng ta sẽ bình yên đi qua vụ dịch cúm này.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!