Đỉa ngoe nguẩy trong bình nước khoáng: Đâu phải tiêu hủy là xong!
Đoạn clip dài khoảng 41 giây ghi lại cảnh bình nước uống đóng chai loại 20 lít vẫn còn nguyên tem, chưa mở nắp hay xé bọc nilon, bên trong có một con đỉa bám vào thành bình. Khi lắc bình nước, con đỉa bằng đầu đũa bắt đầu ngoe nguẩy, di chuyển. Cảnh tượng đó khiến bất cứ ai cũng thấy rùng mình.
Nước khoáng trước khi được đóng chai để bán ra thị trường cần phải qua hệ thống lọc, xử lý với quy trình nghiêm ngặt. Bản thân nguồn nước khoáng cũng phải lấy từ các nguồn nước thiên nhiên, nước giếng khoan của mạch nước ngầm… đảm bảo tiêu chí không bị ô nhiễm. Từ đó, thành phẩm đạt nồng độ một số muối khoáng nhất định, có chứa các yếu tố vi lượng, và đương nhiên đã dùng để uống thì phải tuyệt đối đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vậy nên, chỉ cần có vật thể "lạ" lọt được vào chai nước khoáng đã là điều bất thường, cho thấy có thể sơ hở trong quá trình xử lý và đóng chai, chứ đừng nói đến cả một con đỉa đang ngoe nguẩy phía trong.
Như nhiều độc giả khác, khoảnh khắc kinh hoàng và rợn người nhìn hình ảnh con đỉa phía trong bình nước khoáng, tôi thầm nghĩ, "may mắn" sao khi con đỉa đó đã lớn và có thể quan sát được bằng mắt thường. Ví như đỉa có kích cỡ nhỏ khó nhận biết, hoặc không phải đỉa mà là các loại ấu trùng, giun, sán… người dùng vô tình uống phải thì hậu quả sẽ ra sao? Hơn nữa, bình nước này lại cung cấp cho trẻ mầm non!
Liên quan đến vụ việc trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra, xử lý thông tin được phản ánh. Một trong những yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm là phải lấy mẫu các sản phẩm thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo an toàn để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Cùng đó, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm (nếu có).
Về phía UBND tỉnh Quảng Bình, lãnh đạo địa phương cũng chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với UBND huyện Lệ Thủy cùng các bên liên quan, khẩn trương làm rõ vụ việc. Chiều ngày 8/5, một cuộc làm việc diễn ra giữa Sở Y tế Quảng Bình, UBND huyện Lệ Thủy và các đơn vị liên quan. Oái oăm thay, bình nước có đỉa đã bị phía công ty sản xuất thu hồi, tiêu hủy.
Dẫu vậy, sự việc xuất hiện đỉa trong bình nước 20 lít đã được xác định là có thật. Việc tự ý tiêu hủy vật chứng của Công ty Cổ phần nước khoáng Bang là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 115 năm 2018 của Chính phủ. Chưa rõ công ty này sẽ bị phạt ra sao, song ít nhất cũng rút kinh nghiệm cho những tình huống sau này khi phát hiện có dị vật, phía người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp tuyệt đối không vội vàng "manh động", mà phải có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, giao lực lượng công an hoặc đơn vị có thẩm quyền điều tra, xử lý.
Sự "nhanh nhảu" của doanh nghiệp chẳng những khiến quá trình điều tra, xử lý gặp khó khăn mà còn là hành động "tự bắn vào chân mình", làm dấy lên hoài nghi trong dư luận: Có vấn đề, uẩn khúc gì không mà phải vội vàng tiêu hủy như thế? Bởi nếu không sai thì hủy chứng cứ làm gì, ngược lại, doanh nghiệp càng phải cẩn trọng bảo vệ vật chứng, tích cực cùng cơ quan điều tra tìm bằng được nguyên nhân nhằm "giải oan" cho mình chứ? Cây ngay đâu sợ chết đứng bao giờ?
Việc xuất hiện đỉa (xin nhấn mạnh là con đỉa) trong bình nước khoáng cho trẻ mầm non uống là sự việc "động trời" chứ không phải là sự cố bình thường, thế nên giải thích "do nhân viên công ty không hiểu biết về quy định nên mới mở nắp bình ra kiểm tra con đỉa bên trong, sau đó thì thu hồi bình, đổ nước để tiếp tục đưa bình vào quy trình sản xuất mới" quả thực rất khó có tính thuyết phục.
Bây giờ khi vật chứng bị tiêu hủy, việc phân tích mẫu cũng đã muộn, vấn đề quan trọng nhất là các cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc rốt ráo để xác định vì sao đỉa "chui lọt" nổi vào bình nước khoáng đã qua xử lý? Liệu có trường hợp nào tương tự "lọt sàng", không hoặc chưa bị phát hiện? Quy trình sản xuất nước khoáng của doanh nghiệp có đạt tiêu chuẩn?
Được biết, Sở Y tế Quảng Bình đã yêu cầu Công ty Cổ phần nước khoáng Bang nhanh chóng thu hồi toàn bộ lô hàng được sản xuất cùng đợt với bình nước có đỉa, gồm 640 bình loại 20 lít; tạm thời dừng dây chuyền sản xuất bình nước đóng chai 20 lít. Bên cạnh đó, giao Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm phối hợp với Phòng Y tế, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Công an huyện Lệ Thủy tiếp tục kiểm tra, đánh giá lại một cách tổng thể, toàn diện và khách quan nhất về quy trình sản xuất và môi trường làm việc tại Công ty Cổ phần nước khoáng Bang.
Về vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần nước khoáng Bang cho biết, doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng đã kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình sản xuất, không có sai sót nào để đỉa hay bất cứ dị vật nào lọt qua. Doanh nghiệp đang nhờ cơ quan công an kiểm tra xem bình nước đó có để qua đêm ở bên ngoài hành lang trường học khi không có người ở đó hay không.
Với trả lời này từ phía doanh nghiệp, liệu có phải là một tuyên bố, khẳng định rằng "hoàn toàn không có vấn đề gì trong quy trình sản xuất" hay không? Vậy vì sao chưa có kết luận từ cơ quan chức năng?
Công ty Cổ phần nước khoáng Bang đặt nghi vấn "có người chơi xấu" cố tình đưa dị vật (con đỉa) vào bình nước, bởi, thời điểm kiểm tra bình nước có đỉa bên trong, mặc dù nắp chưa mở, tem còn nguyên, nhưng phần bọc nilon ở vòi nước đã bị xé, nước trong bình vơi đi.
Tóm lại, quy trình sản xuất có vấn đề hay doanh nghiệp bị chơi xấu - dù là tình huống nào cũng rất nguy hiểm và đều phải đưa ra câu trả lời thỏa đáng, tránh gây hoang mang trong công chúng. Chứ đỉa và các dị vật cứ xuất hiện một cách bí ẩn và dễ dàng trong bình nước khoáng như vậy, thì ai còn dám uống nước đóng bình, đặc biệt là các bình nước đặt ở nơi công cộng?
Về phía các cơ sở giáo dục, vụ đỉa ngoe nguẩy trong bình nước khoáng tại Quảng Bình còn chưa lắng xuống thì ở Nghệ An đã xảy ra vụ 76 trẻ nghi ngộ độc do ăn sữa chua cô giáo làm, những vụ việc này dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường mầm non, tiểu học. Chỉ một sai sót, sơ sẩy thôi, hậu quả sẽ rất nặng nề. Liên quan đến sức khỏe con người là rất hệ trọng, bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro rình rập từ đồ ăn, thức uống lại càng phải được quan tâm hơn hết, đòi hỏi tận tình, tỉ mỉ, không cho phép bất cứ sự chủ quan nào.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!