Đề thi văn tốt nghiệp THPT 2023 vào "Vợ nhặt"
(Dân trí) - Câu hỏi 5 điểm của đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT năm nay ra vào tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân. Hình ảnh đề thi được đưa ra sau 9h.
Đường dây nóng của Bộ GD&ĐT, khi phóng viên Dân trí liên hệ để hỏi về thời điểm đề thi văn được đưa ra ngoài cho biết, Ban chỉ đạo của Bộ đã nhận được thông tin này và đã chuyển Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an xác minh.
Đề thi môn ngữ văn đưa ra sau 9h, được coi là khi đã qua 2/3 thời gian làm bài của môn này.
Môn ngữ văn có thời gian làm bài 120 phút, bắt đầu từ 7h35 sáng nay, sẽ kết thúc lúc 9h35.
Trong đề thi này, phần Làm văn, câu 2 (05 điểm) có nội dung như sau:
Trong truyện ngắn "Vợ nhặt", nhà văn Kim Lân viết:
"Ngoài đình bỗng dội lên một hồi trống dồn dập, vội vã. Đàn quạ trên những cây gạo cao chót vót ngoài bãi chợ hốt hoảng bay vù lên, lượn thành từng đám bay vẫn trên nền trời như những đám mây đen.
Người con dâu khẽ thở dài, thị nói lí nhí trong miệng:
- Trống gì đấy, u nhỉ?
- Trống thúc thuế đấy. Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đầu các con ạ… . Bà lão ngoảnh vội ra ngoài. Bà lão không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc.
Người con dâu có vẻ lạ lắm, thị lẩm bẩm :
Ở đây vẫn phải đóng thuế cơ à ?
Im lặng một lúc thị lại tiếp :
- Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đầu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy.
Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi. Cái mặt to lớn bặm lại, khó đăm đăm. Miếng cám ngậm trong miệng hắn đã bã ra chát xít… Hắn đang nghĩ đến những người phá kho thóc Nhật.
Tràng hỏi vội trong miếng ăn :
- Việt Minh phải không ?
- Ừ, sao nhà biết ?
Tràng không trả lời. Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm.
Hôm ấy hắn láng máng nghe người ta nói họ là Việt Minh đấy. Họ đi cướp thóc đấy. Tràng không hiểu gì sợ quá, kéo vội xe thóc của Liên đoàn tắt cánh đồng đi lối khác.
À ra họ đi phá kho thóc chia cho người đói. Tự dưng hắn thấy ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu.
Ngoài đình tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập. Mẹ và vợ Tràng đã buông đũa đứng dậy.
Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…"
(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.32)
Anh /chị hãy phân tích đoạn trích trên, từ đó nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện qua đoạn trích.
Nhận xét về đề thi văn năm nay, thí sinh N.M.C, Trường THPT Cầu Giấy nói: "Phần đọc hiểu hơi khó và mất nhiều thời gian để làm so với các đề năm trước. Với đề ngữ văn, em rất bất ngờ vì chưa từng được ôn luyện dạng đề này. Bình thường khi học về tác phẩm "Vợ nhặt", bọn em được nhấn mạnh về các yếu tố nhân đạo hoặc hiện thực, chưa từng học về "góc nhìn cuộc sống của tác giả".
Thí sinh Trần Hữu Nguyên Sơn, Trường THPT Phú Nhuận, TPHCM cho biết em không học tủ nên không bị "tủ đè". Tuy nhiên, đề thi năm nay có điểm lạ về "góc nhìn cuộc sống của tác giả", em không ôn kỹ nên chắc chỉ được khoảng 6 điểm.
Thí sinh P.T.H, Trường THPT Lương Văn Can thú nhận chưa từng được học về trích đoạn này trong tác phẩm "Vợ nhặt".
"Dù đoạn này có trong sách giáo khoa nhưng cả cô giáo ở trường lẫn trung tâm học thêm đều không dạy trích đoạn này. Em cũng tập trung vào học tác phẩm "Người lái đò sông Đà" vì khó. Tuy vậy, may mắn là đề văn đưa ra yêu cầu không quá khó nên em làm được bài", P.T.H chia sẻ.
Thí sinh H.M.V.M, Trường THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội cho rằng: "Nói "lệch tủ" với đề thi này cũng đúng vì sĩ tử hầu hết ôn kỹ hai tác phẩm về sông là "Người lái đò sông Đà" và "Ai đã đặt tên cho dòng sông". Còn tác phẩm "vợ" là "Vợ nhặt" và "Vợ chồng A Phủ" không được ưu tiên lắm.
Tuy vậy đề này khá "dễ thở" với em. Cô giáo lại ôn kỹ đoạn trích này. Với phần đọc hiểu, đề năm nay khác biệt khi ra thơ chứ không phải văn bản văn xuôi. Em có hơi choáng váng một chút khi đọc đề, nhưng bình tĩnh lại thì em làm được. Hầu hết các bạn trong phòng thi của em đều xin tờ giấy thứ 3".
Cô Nguyễn Thị Ngọc Mai, giáo viên Trường PTLC Newton nhận định: "Đề thi năm nay bám sát cấu trúc đề minh họa và có tính phân loại ở câu nghị luận văn học. Đoạn ngữ liệu được trích dẫn không phải ngữ liệu quen thuộc nên không dễ với nhiều thí sinh. Tuy nhiên, nếu các thí sinh được ôn tập kỹ về phương pháp thì có thể làm tốt. Điều thú vị là đề nghị luận xã hội này đã được một Sở Giáo dục và đào tạo đưa vào đề thi thử".