Cứu trợ đâu chỉ có mỳ tôm
Tôi nhớ lần theo chân một công ty lên Sìn Hồ, Lai Châu làm từ thiện, không phải dịp thiên tai hay bão lũ gì, chỉ là một chương trình trách nhiệm xã hội của công ty nhân dịp cuối năm. Trong vai trò của một phóng viên viết bài, tôi có dịp hỏi chuyện bà con. Một bà cụ nhắn, "nhiều mỳ tôm quá chú ạ, lần sau các chú cho bà con cái khác nữa nhé."
"Mỳ tôm" là một từ khóa được nhắc tới nhiều mỗi dịp bão lũ. Việc hỗ trợ mỳ tôm cho người dân ở một số địa phương là điều cần thiết, phần vì mỳ tôm là sản phẩm có thể bảo quản lâu, chế biến dễ dàng hoặc thậm chí là ăn sống, phương thức vận chuyển mỳ tôm cũng dễ dàng. Chính vì vậy, cứ mỗi mùa bão lũ đến, người người nhà nhà lại vận động quyên góp mỳ tôm đến các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão lũ.
Nhưng bao nhiêu mỳ tôm là đủ? Người dân vùng ngập lụt đâu chỉ có thể ăn mỳ tôm cầm hơi qua ngày?
Nhiều tỉnh miền Bắc đang chìm trong thiên tai, thảm họa, hết bão đến mưa lũ, sạt lở… Thương người như thể thương thân. Lá lành đùm lá rách. Những tấm lòng khắp cả nước hướng về miền Bắc, hướng về đồng bào trong cơn hoạn nạn. Cùng với các chuyến hàng cứu trợ kịp thời của cơ quan chức năng Trung ương, địa phương, rất nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã nhanh chóng vào cuộc với tinh thần "ai có công giúp công, ai có của giúp của". Thiết nghĩ đây là lúc cần thiết đặt vấn đề về việc nên cứu trợ bằng những hàng hóa, nhu yếu phẩm nào và phân bổ ra sao?
Thứ nhất, cứu trợ cần khẩn cấp nhưng cũng cần đảm bảo an toàn. Rất đau lòng và đáng tiếc là vào sáng 10/9, một đoàn cứu trợ tại vùng ngập lụt ở TP Yên Bái bất ngờ bị lật thuyền trong lúc tiếp tế người dân. Sự việc làm một người bị thương, một người tử vong. Vì vậy, các đoàn cứu trợ tự phát khi đến địa bàn bão lũ nên liên hệ với chính quyền địa phương để có sự hướng dẫn, phối hợp nhằm đảm bảo an toàn và đúng địa chỉ cần thiết.
Thứ hai, "một nắm khi đói bằng một gói khi no", mỳ tôm hay bất cứ hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm nào đưa đến tay bà con gặp hoạn nạn đều đáng quý. Nhưng sẽ đáng quý hơn nếu chúng ta tìm hiểu nhu cầu thực sự của từng địa phương và người dân. Câu hỏi đầu tiên nên được đặt ra là "các địa phương cần gì?" thay vì "chúng ta có thể hỗ trợ gì?".
Ví dụ, người dân ở vùng bị cô lập, ngập nước sẽ cần áo phao, nước sạch đóng chai, lương thực có thể để dài ngày thay vì mỳ tôm (không có nước nóng để nấu) hay bánh chưng, giò chả (dễ ôi thiu).
Với phụ nữ, nhiều khi nhu cầu hỗ trợ là… băng vệ sinh. Đúng như vậy, trong hoàn cảnh bão lũ, với điều kiện vệ sinh dịch tễ kém, việc có sản phẩm vệ sinh phụ nữ sạch sẽ cũng là điều cần thiết. Nhiều báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng chỉ ra rằng, phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương hơn trong các thảm họa thiên tai nên việc cung cấp các sản phẩm đặc thù cho một nhóm người cụ thể cũng là điều quan trọng; điều này tương tự với nhu cầu của trẻ em hay người cao tuổi.
Băng vệ sinh chỉ là một ví dụ về những sản phẩm chúng ta ít khi nghĩ tới khi quyên góp cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lụt. Nếu đi vào những thứ thiết yếu hơn, bạn có thể cân nhắc những thứ như thuốc men các loại, đặc biệt là những thuốc dùng cho các bệnh ngoài da, tiêu chảy, các bệnh thông thường trong mùa lũ; dụng cụ học tập và sách vở, quần áo phù hợp với thời tiết (các địa phương vùng núi cao có thể sắp bước vào mùa lạnh hơn và cần áo ấm), các sản phẩm vệ sinh nhà cửa, khử trùng sát khuẩn…
Phân bổ người tới các địa phương cũng cần hợp lý. Ví dụ, thợ điện có thể đi hỗ trợ những địa phương vẫn chưa có điện, ai giỏi cơ khí gia dụng có thể hỗ trợ các địa phương cần xây dựng lại nhà cửa.
Thứ ba, bên cạnh cứu trợ khẩn cấp, các tổ chức có nguồn lực cũng nên tính toán những nghĩa cử lâu dài hơn, ví dụ xây dựng nhà cửa, hạ tầng, hỗ trợ học bổng, sổ tiết kiệm… Đơn cử, báo Dân trí đang tha thiết kêu gọi quý độc giả, các tổ chức, doanh nghiệp hảo tâm mở rộng vòng tay nhân ái, chung tay góp sức cùng nhau xây dựng lại mái ấm cho 37 hộ dân Làng Nủ. Đây là việc làm rất thiết thực và có tầm nhìn xa.
Tôi biết không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ngồi tính toán kỹ lưỡng những vấn đề nêu trên trong tình trạng nguy cấp, nhưng có những thực hành sẽ không tốn quá nhiều thời gian. Ví dụ khi thấy Hà Nội đang được quan tâm nhiều hơn, tôi sẽ dành chi phí ủng hộ cho các hội nhóm đang hướng về Sơn La, Lào Cai hay Cao Bằng.
Và quan trọng hơn là, nếu cảm thấy không làm được gì nhiều, điều tốt nhất là ở yên một chỗ thay vì tạo thêm áp lực cho người khác. Tôi đã nghe chuyện nhiều địa phương phải tiếp các đoàn tình nguyện mà nhiều khi, công việc được giải quyết không đáng là bao nhưng lại phải lo đón tiếp chu đáo.
Thực tế như chuyên gia thời tiết Nguyễn Ngọc Huy chỉ ra trên trang cá nhân của anh, hiện rất nhiều đoàn cứu trợ đang tập trung tại một điểm và dư thừa hàng cứu trợ, nhiều hàng trong số đó có hạn sử dụng ngắn như bánh chưng, bánh tét, bánh mì, và có cả xuất cơm nữa; nhiều đoàn xe ùn tắc tại một điểm cứu trợ. Trong khi đó, nhiều hàng hóa không có người phân phối, nhiều nơi bà con ở vùng hẻo lánh chưa có đồ ăn, nước uống trong nhiều ngày.
Như vậy, việc điều phối cứu trợ sao cho hiệu quả là hết sức quan trọng. Lúc này nguồn lực từ tình yêu thương bao bọc đồng bào nhiều lắm. Nguồn lực đó cần được điều phối, vận hành thông minh để tránh lãng phí và người dân trong vùng thiên tai được tiếp cận nhanh nhất.
Hình ảnh người Việt giúp đỡ nhau trong những ngày này khiến ai chứng kiến cũng cảm thấy rưng rưng xúc động. Chúng ta hãy cùng nhau đóng góp theo cách tốt nhất cho người dân cần hỗ trợ, không phải theo cách tốt nhất cho mình chỉ để đổi lấy niềm vui được giúp đỡ người khác.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!