Tâm điểm
Hoàng Anh Tú

Cấm thuốc lá điện tử từ đâu?

Hôm qua (11/11), thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã làm "nóng" nghị trường. Bộ Y Tế, Bộ Công Thương và cả Bộ Công An đều lên tiếng nhất trí việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Nhưng cấm từ đâu?

Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y Tế nói:"Bộ Y tế mong muốn có nghị quyết của Quốc hội về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (sửa đổi) được trình Quốc hội trong thời gian tới"

Thống kê của Bộ Y tế, số trẻ vị thành niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gia tăng nhanh chóng: Năm 2019, khoảng 2,6% học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử. Đến năm 2022, tỷ lệ sử dụng ở trẻ vị thành niên là học sinh 13-15 tuổi là 3,5% (4,3% nam và 2,8% nữ). 

Một điều tra tại 11 tỉnh, thành năm 2023, tỷ lệ sử dụng ở học sinh 13-17 tuổi là 8,1%; tỉ lệ sử dụng ở các thành phố lớn và thành thị cao hơn so với nông thôn; sử dụng ở nữ giới cũng rất cao (4,3% ở nữ giới tuổi 11-18 tại 11 tỉnh/thành phố năm 2023).

Cấm thuốc lá điện tử từ đâu? - 1

Thuốc lá điện tử đang thu hút giới trẻ nhờ thiết kế bắt mắt (Ảnh: N.P).

Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Y Tế cũng cho biết báo cáo từ gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh riêng năm 2023 ghi nhận 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần, và cao nhất ở độ tuổi 15 đến 24 tuổi. Còn thống kê của Bộ Công an, trong năm 2023, có 86 vụ với 155 người bị xử lý do đưa ma túy vào thuốc lá điện tử; riêng 3 tháng đầu năm 2024, 73 người bị xử lý về hành vi này.

Cấm thuốc lá điện tử rõ ràng là việc các Bộ muốn làm, nhiều đại biểu Quốc hội muốn làm. Về mặt chính sách, khi các cơ quan quản lý và xã hội đồng thuận thì ban hành một quy định cấm không phải vấn đề quá khó, câu chuyện khó hơn làm thế nào để lệnh cấm đi vào đời sống và khả thi.

Không quản được - đó là thực tế đã và đang xảy ra trước làn sóng thuốc lá điện tử tràn vào môi trường học đường. Không khó để thấy ngay trước nhiều cổng trường, trong các quán cà phê những cô cậu học sinh vẫn còn mặc nguyên đồng phục phì phèo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Thậm chí ngay trong trường học, một số học sinh vẫn lén lút dùng và phải đến khi bị sốc thuốc, say thuốc thì thầy cô giáo, giám thị mới phát hiện ra. Có thể nói, thuốc lá điện tử tạo thành trào lưu trong một bộ phận giới trẻ.

Ngày 18/6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013, gồm có 5 chương và 35 điều, quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ để giảm nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tác hại thuốc lá.

Trong hơn 10 năm, với riêng môi trường học đường, luật đã góp phần đáng kể vào công việc "phòng, chống" thuốc lá. Nhưng sự xuất hiện của thuốc lá điện tử thách thức những gì mà đạo luật này đã đặt nền móng. Giờ đây, không chỉ những cô cậu tóc xanh tóc đỏ học cấp 3 mà còn cả những gương mặt mới chỉ học cấp 2, và không chỉ học sinh nam, số lượng học sinh nữ hút thuốc lá điện tử cũng xuất hiện khá nhiều. Bước vào bất cứ quán cà phê dành cho giới trẻ nào cũng dễ dàng bắt gặp. 

Thuốc lá điện tử sành điệu hơn, không hôi như thuốc lá truyền thống. Thuốc lá điện tử lại có nhiều hình dáng bắt mắt, bắt trend (xu hướng) và cute (dễ thương) hơn, nhiều loại vị trái cây "thơm nức". Thuốc lá điện tử thậm chí còn trở thành phụ kiện thời trang để giới trẻ có thể đeo như đồ trang sức.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói: "Trong bối cảnh có khoảng 40.000 người/năm mắc các bệnh do thuốc lá thường, giờ lại thêm thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng rất lớn". Bộ Y Tế đã có vô vàn những bằng chứng thuyết phục về tác hại của thuốc lá điện tử, đã tổ chức truyền thông, giáo dục liên tục với rất nhiều chương trình, chiến dịch. Nhưng kết quả là ngoài kia, người ta vẫn bày bán đầy thuốc lá điện tử, lên mạng không khó để tìm thấy những cửa hàng online. Đó còn là chưa kể chính học sinh mua đi bán lại với nhau, tạo thành một thị trường mà không cơ quan quản lý nào có thể kiểm soát nổi.

Không quản được! Là chúng ta đã không quản được thực sự rồi. Khi mà các Bộ liên quan vẫn lúng túng, luật vẫn còn nguyên một khoảng trống mênh mông khiến thuốc lá điện tử dù đã chứng minh được việc gây hại, nhưng cũng chẳng biết xử lý ra sao ngoài việc xử lý… nhập lậu, buôn bán không hóa đơn chứng từ. Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ có thể ban hành văn bản cấm thuốc lá điện tử trong… khuôn viên nhà trường; chứ còn ngoài khuôn viên thì có khi cả một số giáo viên cũng… hút thuốc lá điện tử. Ở góc độ pháp luật, cơ quan chức năng nếu không phát hiện trong thuốc lá điện tử có ma túy thì cũng không thể xử lý theo quy định. Trong khi đó ngành Y tế vẫn liên tục tiếp nhận những ca nhập viện vì thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Chỉ có các phụ huynh là lo lắng khi không thể theo sát con em mình 24/7 để bảo vệ con trước làn sóng thuốc lá điện tử. Nhiều phụ huynh cũng bị… lừa bởi hình dáng thuốc lá điện tử nhìn chẳng khác gì… đồ chơi bình thường. Phải đến khi bắt được tận… khói tỏa ra từ miệng con thì mới ngã ngửa vì "con ở nhà ngoan lắm". Rất nhiều phụ huynh đã nhắn tin cho tôi cầu cứu như thế!

Phải cấm thôi! Và phải làm sao để từng đứa trẻ của chúng ta đều hiểu về tác hại của thuốc lá điện tử và coi thuốc lá điện tử là… lạc hậu, lạc lõng, đi ngược lại sự văn minh, thời thượng? Phải như vậy thì tụi trẻ mới từ chối thuốc lá điện tử. Chứ nếu chỉ cấm khơi khơi, lũ trẻ sẽ trăm phương ngàn kế để lén lút sử dụng. Bởi đặc tính trẻ con là càng cấm càng…tò mò và càng muốn thử.

Mấy hôm trước, một ca sĩ vốn là thần tượng của giới trẻ vừa bị bắt vì sử dụng ma túy, còn bao nhiêu thần tượng khác của tụi trẻ đang sử dụng thuốc lá điện tử thì sao? Nếu có luật cấm, chắc chắn sẽ chẳng thần tượng nào dám hút thuốc lá điện tử nữa, hoặc ít nhất là không dám công khai.

Nếu có luật cấm, trên các sàn thương mại điện tử cũng sẽ không thể kinh doanh ngang nhiên, như nhiều sàn đã cấm kinh doanh thuốc lá truyền thống. Ngăn chặn hình ảnh, thông tin về thuốc lá điện tử trên môi trường mạng cũng là cách để làm chậm lại "cơn bão" thuốc lá điện tử. Cùng với đó, các đoàn thể, trường học, các thần tượng của giới trẻ hãy chung tay kêu gọi, tẩy chay, bài trừ thuốc lá điện tử để giúp cho mỗi đứa trẻ nếu cầm trên tay thuốc lá điện tử sẽ thấy xấu hổ, sợ hãi và cảm thấy lạc loài.

Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!