1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga: Ukraine là mỏ vàng cho các "ông trùm" vũ khí phương Tây

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Nga cho rằng Ukraine đã trở thành một "cơ hội béo bở" cho các nhà sản xuất vũ khí phương Tây trong suốt cuộc xung đột với Nga.

Nga: Ukraine là mỏ vàng cho các ông trùm vũ khí phương Tây - 1

Hệ thống tên lửa ATACMS (Ảnh: Sputnik).

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 20/12, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cáo buộc các quốc gia thành viên NATO lợi dụng cuộc xung đột ở Ukraine để làm giàu cho ngành công nghiệp quốc phòng của các nước này.

"Ai cũng biết rằng Ukraine đã trở thành mỏ vàng cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ, Anh và các đồng minh của họ. Chính các công ty Mỹ mới là bên hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc xung đột này", ông Nebenzia nhấn mạnh.

Nhà ngoại giao Nga cáo buộc các nước phương Tây đang ưu tiên lợi ích kinh tế hơn hòa bình.

"Theo dữ liệu mới nhất, một nửa tổng doanh thu bán vũ khí vào năm 2023 thuộc về 41 tập đoàn Mỹ trong số 100 tập đoàn hàng đầu. Họ đã nhận được 317 tỷ USD, tương đương 50% doanh thu bán vũ khí toàn cầu", ông Nebenzia cho biết.

Ông Nebenzia đã trích dẫn một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), lưu ý rằng tổng doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới vào năm 2023 đạt 632 tỷ USD.

"Sẽ thật ngây thơ khi mong đợi những thương nhân này, những người đã nếm mùi lợi nhuận, từ bỏ việc đi trên chuyến tàu béo bở này vì lợi ích của những người dân Ukraine khốn khổ", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Ông Nebenzia tiếp tục ám chỉ rằng các công ty quân sự phương Tây "thường bắt tay với chính quyền Kiev", lấy ví dụ về 25 công ty tư vấn và vận động hành lang nước ngoài bắt đầu đại diện cho lợi ích của Ukraine sau khi xung đột bắt đầu.

Ông đặc biệt đề cập đến BGR Government Affairs, ban lãnh đạo của công ty này đã công khai ủng hộ việc tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev và cũng đại diện cho Raytheon Company, một nhà cung cấp vũ khí lớn của Mỹ. Ông Nebenzia cũng cáo buộc tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ tài trợ cho các nhóm nghiên cứu.

Vào ngày 18/12, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Ukraine đã bắn 6 tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất và 4 tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất, vào nhà máy hóa chất Kamensky ở vùng Rostov, miền nam Nga.

Vào ngày 20/12, để trả đũa cuộc tấn công của Ukraine, quân đội Nga tuyên bố đã tấn công một trung tâm chỉ huy của Ukraine và nhắm mục tiêu vào các cơ sở lắp đặt hệ thống tên lửa phòng không Patriot do Mỹ cung cấp.

Trong vài ngày tới, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố gói viện trợ cuối cùng trong khuôn khổ Sáng kiến Trợ giúp An ninh Ukraine (USAI) nhằm sử dụng hết số tiền còn lại để mua vũ khí cho Ukraine.

Gói viện trợ này sẽ bao gồm các hệ thống tên lửa đánh chặn và đạn pháo, nhưng nội dung chi tiết dự kiến sẽ chỉ được công bố chính thức trong những ngày tới. 

Gói viện trợ theo chương trình USAI có thể là một trong những bước đi cuối cùng mà Mỹ thực hiện nhằm hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng. 

Ông Trump từng công khai đặt câu hỏi về vấn đề viện trợ quân sự này, thậm chí còn tuyên bố sẽ giúp chấm dứt chiến tranh Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức vào 20/1/2025.

Kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ đã cam kết viện trợ 175 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có khoảng 61,4 tỷ USD hỗ trợ an ninh.

Khoảng một nửa số tiền hỗ trợ an ninh trên đến từ chương trình USAI và phần còn lại được rút ra từ kho dự trữ quân sự bằng quyền hành pháp của tổng thống. Hiện vẫn còn khoảng 5,6 tỷ USD chưa được giải ngân.

Theo RT