Trăn trở về khái niệm "cao tốc" sau vụ tai nạn làm 3 người tử vong

PV

(Dân trí) - "Hiện tất cả cao tốc đều không đạt chất lượng. Cao tốc mà có 2 làn còn thua Quốc lộ 1, trạm dừng nghỉ cũng không có, người dân muốn đi vệ sinh thì cứ đứng ngồi phóng uế ra dọc bên đường".

Như đã đưa tin, khoảng 10h ngày 18/2, ô tô do tài xế Phan Đình Kiểu (55 tuổi, trú tỉnh Kon Tum) chở theo 4 người trong một gia đình di chuyển trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn theo hướng nam - bắc. Tới khu vực thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, chiếc xe vượt phải, va chạm với container chạy cùng chiều rồi lao sang phần đường ngược chiều và va chạm tiếp với một xe tải. Vụ tai nạn khiến 3 người trong gia đình tử vong.

Theo dõi clip ghi lại vụ tai nạn, bên cạnh sự bất bình bởi hành vi vượt ẩu của tài xế xe con, nhiều người cũng bày tỏ quan ngại về tính an toàn của đoạn đường trên. Dù được định nghĩa là "cao tốc" nhưng khu vực xảy ra va chạm không có dải phân cách cứng, làn đường bị bó hẹp từ 3 làn xuống còn 1 làn và khoảng cách giữa những đoạn bó hẹp cũng rất ngắn, gây khó khăn cho các tài xế tham gia giao thông.

Trăn trở về khái niệm cao tốc sau vụ tai nạn làm 3 người tử vong - 1

Khoảnh khắc chiếc xe con văng vào giữa xe container và xe tải (Ảnh cắt từ clip).

Mới tham gia giao thông trên tuyến đường hôm 17/2, chủ tài khoản Nguyễn Danh Tuyên chia sẻ cảm nhận của bản thân trên mạng xã hội: "Cao tốc có đường hẹp một làn đường chạy và một làn đường khẩn cấp. Làn khẩn cấp cũng hẹp, nếu đỗ xe ở làn này và bật đèn cảnh báo thì vẫn nguy hiểm. Phần lớn lái xe đỗ dừng nghỉ ở những đoạn có làn khẩn cấp phình sâu vào trong để đảm bảo an toàn. Toàn tuyến phần lớn là vạch liền, có những đoạn vạch đứt và có những đoạn có 2 làn đường riêng biệt.

Vượt trên đoạn đường này rất khó, nguy hiểm và phải đợi đến đoạn đường đôi, nếu vượt đoạn vạch đứt phải canh xe đối diện khoảng cách cho chuẩn, tính toán tốc độ xe mình chính xác, quyết đoán để vượt. Đường lên xuống đồi dốc rất nhiều, cua tay áo cũng có, nếu không giữ làn tốt, cua rất dễ đâm vào xe bên làn ngược lại, toàn tuyến gần như không có đèn cao áp chiếu sáng hai bên.

Chạy ban ngày tầm nhìn tốt còn nguy hiểm, nếu chạy ban đêm khi vượt xe chỉ cần tính toán sai các yếu tố ở trên sẽ dẫn đến tình huống đối đầu trực diện xe ngược chiều và khả năng tai nạn cực cao, thậm chí xe văng ra khỏi đường lao xuống ruộng hoặc vực sâu hai bên".

Có chung cảm nhận với tài xế Tuyên, nhiều độc giả Dân trí cũng bày tỏ sự quan ngại về tính an toàn của đoạn cao tốc trên. Chủ tài khoản Baconbo bình luận: "Tôi chưa đi đường này nhưng có anh chia sẻ đã từng suýt gây tai nạn tương tự bởi những lý do trên thực tế như sau: Đường gần như vạch liền, không có điểm vượt. Tới khi có điểm an toàn tài xế mới có thể vượt, tuy nhiên nó chỉ dài 1,5 km. Khi xác định được đây là điểm vượt, tốc độ xe sẽ lên khá cao nhưng đó cũng là lúc quãng "điểm vượt" sắp kết thúc. Khi đó, tài xế nếu không xử lý tốt sẽ dễ gây va chạm xe cùng làn hoặc phanh gấp sẽ vô tình khiến xe sau húc đuôi.

Đây là tình huống đã xảy ra với anh và gần tương tự tình huống trong vụ tai nạn thảm khốc này. Có thể thấy đoạn đường này bất ổn ở điểm vượt vì đường khá hẹp và đoạn vượt quá ngắn với tốc độ đó".

Trăn trở về khái niệm cao tốc sau vụ tai nạn làm 3 người tử vong - 2

Ảnh vệ tinh vị trí tai nạn cho thấy trong khoảng gần 200m, bề rộng chiều đường bị "bóp" từ 3 làn xe về còn 1 làn xe (Ảnh: Google Maps).

Tiếp lời bình luận trên, độc giả Hiệp viết: "Tôi hiểu, đoạn đường có thể vượt giới hạn quá ngắn, thậm chí nằm ở cung đường nguy hiểm và dẫn đến các vấn đề: Một là chấp nhận đi sau, hai là chấp nhận vượt chịu phạt nguội và ba là mạo hiểm tính mạng, vượt lên bất chấp vì không còn cơ hội vượt. Nói chung, có 2 lý do chính đó là sự nóng vội của tài xế và vấn đề kỹ thuật, khi bên cơ quan giao thông thiếu thiết kế kẻ vạch thực sự hợp lý".

"Qua camera thấy rằng, trước khi xe bị tai nạn vượt, đã có 1 xe màu trắng vượt thành công. Đó có lẽ là đoạn đường rộng hơn, có taluy bằng xi măng. Khi xe bị nạn cố vượt theo thì là lúc đoạn đường rộng bắt đầu hết vào đoạn đường có phần đường khẩn cấp hẹp hơn, taluy sắt, mặt đường có lẽ khó lọt cho 1 xe tải và 1 xe con. Xe con có lẽ đã va chạm với ta luy sắt bên phải hoặc cố đánh lái để tránh va vào lề đường nên văng sang trái rồi tiếp tục va chạm với 2 xe to hơn. Cả quá trình tai nạn, xe con có thể đã hoàn toàn mất lái. Tất cả những suy luận này là xem từ camera, có thể không chính xác, mong bạn nào đã quan sát hiện trường, cho ý kiến để rút kinh nghiệm", độc giả Nguyen Thanh phân tích về tình huống.

Có chung cảm nhận và nguyện vọng, anh Hồ Văn Nhân viết: "Đường cao tốc xe tham gia giao thông đều chạy nhanh, vậy mà có những đoạn cao tốc lại không có hệ thống chiếu sáng thì thật sự nguy hiểm. Kính mong cơ quan các ban ngành hành động kịp thời để giảm thiểu tối đa tai nạn do những nguyên nhân này".

"Đường này liệu có đạt tiêu chuẩn tối thiểu để gọi là cao tốc không? Đường chỉ có 1 làn mỗi chiều, lại không có dải phân cách cứng", người dùng có nickname Mnio bày tỏ sự bất bình.

Hoàng Linh (tổng hợp)