Cần làm rõ sự việc thầy giáo quấy rối học sinh ở TPHCM
Một thầy giáo ở trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TPHCM) đã nhận khuyết điểm và xin nghỉ không lương, chờ nghỉ hưu (đến tuổi nghỉ hưu từ ngày 1/12) sau khi bị phụ huynh tố sàm sỡ học sinh.
Trong sự việc này, nguyện vọng của gia đình là "mong muốn sự việc được chấm dứt để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của các con", do vậy chúng tôi xin không nhắc lại cụ thể diễn biến ở đây. Tuy nhiên, nhìn vào những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội và cách cư xử của thầy giáo này sau khi bị tố sàm sỡ với học sinh, nhiều người ắt hẳn bức xúc và khó chấp nhận.
Không lẽ thầy giáo chỉ bị đình chỉ và nghỉ việc không lương trước nửa năm để chờ hưu, coi như "hết chuyện"?
Trước hết, các cơ quan chức năng cũng như ngành giáo dục địa phương cần phải xem lại việc "nhận khuyết điểm" của thầy giáo có bao gồm thừa nhận toàn bộ tố cáo của người nhà nữ sinh hay không? Sự thật ở mức độ nào?
Theo nhìn nhận của chúng tôi, "khuyết điểm" của thầy giáo này (nếu đúng như lời tố cáo) là rất nghiêm trọng nên nhà chức trách cần phải điều tra, làm rõ thực hư. Bởi rằng, người chịu tổn thương không chỉ riêng một cá nhân học sinh mà còn nhiều học sinh khác. Hơn nữa, trước khi bị chụp ảnh (bằng chứng khó chối cãi) và công khai trên mạng xã hội thì gia đình nữ sinh từng đến gặp thầy giáo đối chứng, song ông này không thừa nhận hành vi sàm sỡ mà biện minh rằng chỉ là cúi xuống nhặt đồ rồi vô tình đụng vào đùi học sinh.
Giả sử như không có bài đăng tố cáo trên mạng, liệu rằng thầy giáo có chịu thừa nhận "khuyết điểm"? Và những hành vi sai trái, "không chuẩn mực" như vậy vẫn sẽ tiếp diễn trong sự hoang mang, bất lực của các em học sinh hay sao?
Là người làm mẹ, tôi phần nào hiểu, đồng cảm với nỗi lòng của gia đình phụ huynh khi muốn câu chuyện dừng lại để ổn định tâm lý cho con em mình. Tôi cũng không lấy làm lạ khi người đăng bài tố cáo là dì của học sinh (chứ không phải bố mẹ) và bài đăng sau khi làm "dậy sóng" mạng xã hội thì liền bị gỡ.
Nếu thường xuyên theo dõi và quan sát các vụ tố cáo lạm dụng từng xảy ra chúng ta sẽ thấy rằng, luôn tồn tại áp lực với gia đình nạn nhân trước những con mắt dõi theo và bàn luận của công chúng. Thậm chí có thực tế rất đau lòng là không ít gia đình khi tố cáo và kiện ra tòa để đòi lại công bằng cho con, họ phải trải qua một quá trình đấu tranh đầy nước mắt và dằn vặt. Lại cũng có những suy nghĩ, rằng "có gì hay ho đâu mà làm lớn chuyện".
Ở đây tôi không nói đến sự việc ở trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Song nhìn chung, sự ngại ngần của chính người lớn khi tiếp nhận vấn đề có thể sẽ trở thành rào cản, khiến trẻ không dám phản ánh việc bị lạm dụng, quấy rối, dẫn đến tình trạng cam chịu và để lại hậu quả nghiêm trọng.
Đáng buồn thay, tình trạng trẻ bị lạm dụng, bị quấy rối đang trở nên nhức nhối trong xã hội, ngay ở những nơi tưởng rằng an toàn nhất.
Báo chí từng đăng tải nhiều trường hợp. Đơn cử năm 2018, tại Bình Dương, nhiều nữ sinh tại một trường THCS của huyện Phú Giáo kể bị giáo viên T.V.T. (27 tuổi) sàm sỡ. Thầy giáo này không chỉ sờ mó mà còn nhéo những chỗ nhạy cảm của các em, sự việc diễn ra trong thời gian dài, thậm chí người này còn quay lại clip.
Năm 2022, tại Hải Dương, ông Nguyễn Văn Hồng, SN 1975, giáo viên dạy văn của trường THCS Lê Lợi (TP Chí Linh) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi. Người đàn ông này bị tố cáo đã nhiều lần có hành vi xâm hại thân thể đối với 2 học sinh của lớp mình chủ nhiệm. Thậm chí tại Tây Ninh, ông N.V.T. là Phó hiệu trưởng Trường THCS Long Khánh cũng bị tố cáo sàm sỡ nữ sinh lớp 9…
Những hành vi "không chuẩn mực", từ dâm ô đến xâm hại thân thể… luôn để lại tổn thương nặng nề đối với nạn nhân. Mặc dù là những trường hợp có tính chất cá biệt, "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng đã đến lúc xã hội cần thay đổi nhận thức và thấy rõ tính chất nghiêm trọng của những hành vi này, có sự đấu tranh mạnh mẽ để loại bỏ. Gia đình, nhà trường… phải có trách nhiệm hướng dẫn trẻ ứng phó với những hành vi quấy rối, xâm hại và phải bảo vệ trẻ; đấu tranh đến cùng với các hành vi đó, không nhân nhượng.
Khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự nêu rõ khái niệm "dâm ô" là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.
Tội dâm ô người dưới 16 tuổi sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; thậm chí, nếu thực hiện 2 lần trở lên hoặc đối với 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3-7 năm.
Bất cứ ai nếu có hành vi sàm sỡ, quấy rối học sinh mang tính chất dâm ô thì phải chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!