1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Mưa lớn tại miền Trung do bão số 4, sân bay Đồng Hới tạm dừng khai thác

Nhóm phóng viên miền Trung

(Dân trí) - Trước giờ bão số 4 đổ bộ đất liền, nhiều nơi trên địa bàn các tỉnh, thành miền Trung xảy ra mưa vừa đến mưa to. Sân bay Đồng Hới sẽ tạm dừng khai thác từ 15h đến 22h cùng ngày do ảnh hưởng bão số 4.

Thanh Hóa: Từ đêm 18 đến đầu giờ sáng 19/9, trên địa bàn có mưa nhỏ. Ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại một số khu vực ven biển như: TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc có gió nhẹ, sóng biển nhỏ,  mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.

Mưa lớn tại miền Trung do bão số 4, sân bay Đồng Hới tạm dừng khai thác - 1

Thời tiết tại biển Sầm Sơn có gió nhẹ, mưa nhỏ, biển lặng sóng (Ảnh: Thanh Tùng).

Tại một số nơi như: thành phố Thanh Hóa và các huyện Quảng Xương, Thọ Xuân, Yên Định, Thường Xuân, Lang Chánh, Triệu Sơn trong sáng 19/9 có mưa lớn. 

Theo Đài khí tượng thủy văn Thanh Hóa, từ hôm nay đến 21/9, trên địa bàn tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Mưa lớn tại miền Trung do bão số 4, sân bay Đồng Hới tạm dừng khai thác - 2

Sáng 19/9, tại TP Thanh Hóa xuất hiện mưa lớn (Ảnh: Thanh Tùng).

Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến ở khu vực phía Bắc và Tây bắc 70-150mm, có nơi trên 150mm; khu vực phía Nam và Tây nam 100-200mm, có nơi trên 200mm.

Mưa lớn tại miền Trung do bão số 4, sân bay Đồng Hới tạm dừng khai thác - 3

Trên địa bàn xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Nghệ An xuất hiện một số điểm sạt lở đường (Ảnh: Nguyễn Phê).

Nghệ An: Từ ngày 17/9 đến sáng 19/9 đã có mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa đo được tại các trạm khí tượng thủy văn phổ biến 50-100mm, có nơi cao hơn như: Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Vinh, Cửa Hội. 

Các công trình hồ, đập thủy lợi, công trình thủy điện đang vận hành bình thường theo đúng quy trình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đối với vụ hè thu - mùa, các địa phương đang tập trung thu hoạch với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". 

Mưa lớn tại miền Trung do bão số 4, sân bay Đồng Hới tạm dừng khai thác - 4

Khu vực TP Vinh có mây, xảy ra mưa rải rác (Ảnh: Hoàng Lam).

Tại phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, công tác phòng, chống bão số 4 đã cơ bản được hoàn tất. Lãnh đạo địa phương đang kiểm tra lần cuối cùng.

Ông Cao Anh Hùng, Chủ tịch UBND phường Nghi Thu cho biết, các khu vực trọng yếu đã được gia cố, cắt cử lực lượng canh gác, người dân được khuyến cáo chằng chống nhà cửa...

"Thời điểm này trên địa bàn không có mưa, sóng chưa lớn", ông Hùng thông tin.

Tại TP Vinh, từ sáng nay có mưa rào nhưng lượng mưa không đáng kể, thời gian diễn ra ngắn.

Hà Tĩnh: Lúc 7h45 ngày 19/9, khu vực dãy núi Hoành Sơn, thuộc thôn Quý Huệ, xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - giáp ranh tỉnh Quảng Bình, ghi nhận mưa, gió cấp 6, giật cấp 8.

Mưa lớn tại miền Trung do bão số 4, sân bay Đồng Hới tạm dừng khai thác - 5

Gió cấp 6, giật cấp 8 tại thôn Quý Huệ, xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh (Ảnh: Đức Bá).

Theo ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, đây là ảnh hưởng của dải xoán mây rìa xa hoàn lưu bão số 4.

Ông Bá khuyến cáo mặc dù bão không quá mạnh nhưng người dân tuyệt đối không chủ quan.

"Hôm nay và ngày mai (20/9), trên địa bàn Hà Tĩnh có thể sẽ xuất hiện nhiều thiên tai đi kèm trong đợt này. Trước hết là gió mạnh, đặc biệt ven biển; lốc, sét; mưa to gây lũ quét, sạt lở đất vùng đồi núi, ven các sông suối; ngập úng vùng thấp trũng và các đô thị", ông Bá thông tin.

Quảng Bình: Sáng 19/9, mặc dù chưa xuất hiện gió mạnh nhưng nhiều khu vực tại tỉnh này đã có mưa, đặc biệt là tại các huyện miền núi như: Tuyên Hóa, Minh Hóa.

Mưa lớn tại miền Trung do bão số 4, sân bay Đồng Hới tạm dừng khai thác - 6

Tất cả tàu, thuyền của ngư dân Quảng Bình đã về neo đậu an toàn trước lúc bão đổ bộ (Ảnh: Tiến Thành).

Để sẵn sàng ứng phó với bão số 4, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương, triển khai lực lượng bám địa bàn, nắm chắc tình hình diễn biến của thời tiết, chủ động di dời dân khi cần thiết. Đặc biệt là các bản, làng biên giới ở các sườn đồi có nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét.

Sáng 19/9, lãnh đạo Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, sân bay Đồng Hới sẽ tạm dừng khai thác từ 15h đến 22h cùng ngày do ảnh hưởng bão số 4.

Cảng hàng không Đồng Hới cũng đã triển khai chằng néo các hạ tầng, trang thiết bị phương tiện, nạo vét hệ thống thoát nước, sẵn sàng phương án ứng phó cơn bão số 4, với phương châm 4 tại chỗ. Tổ chức lực lượng ứng trực sẵn sàng đưa sân bay trở lại khai thác khi kết thúc ảnh hưởng của bão.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Bình, đến 16h ngày 19/9, bão đổ bộ vào đất liền, trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Quảng Nam; gió cấp 8, giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây, khoảng 20-25km/h.

Đến 4h ngày 20/9 vị trí tâm bão trên khu vực trung Lào, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 15-20km/h, suy yếu dần thành vùng áp thấp.

Quảng Trị: Sáng 19/9, trước thời điểm bão số 4 đổ bộ, tại huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị gió đã mạnh dần lên, kèm theo mưa lớn.

Mưa lớn tại miền Trung do bão số 4, sân bay Đồng Hới tạm dừng khai thác - 7

Trên huyện đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị sáng 19/9 gió bắt đầu mạnh lên kèm theo mưa lớn (Ảnh: Nguyễn Bé).

Trong đất liền tỉnh Quảng Trị có mưa rải rác, chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi. Dù thời tiết khá yên bình trước lúc bão số 4 đổ bộ, nhiều người dân không vì vậy mà chủ quan.

Ở các huyện ven biển như: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, người dân đã chủ động đưa tàu thuyền vào bờ, chằng chống nhà cửa.

Mưa lớn tại miền Trung do bão số 4, sân bay Đồng Hới tạm dừng khai thác - 8

Lực lượng quân đội trên đảo Cồn Cỏ hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa (Ảnh: Nguyễn Bé).

Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã A Vao, huyện Đakrông (Quảng Trị) cho biết, trong tối qua và sáng nay (19/9) lượng mưa đã giảm; các tràn, cầu tràn bị ngập nước đang rút chậm.

"Để đảm bảo an toàn cho người dân, xã đã cử cán bộ tiếp tục theo dõi tình hình. Nếu thời tiết mưa lớn, các cầu, tràn bị ngập sẽ tổ chức lập barie, cấm người dân qua lại. Bên cạnh đó, tổ chức sơ tán dân ở khu vực có nguy cơ diễn ra lũ quét, sạt lở đất", ông Nhiếp nói.

Mưa lớn tại miền Trung do bão số 4, sân bay Đồng Hới tạm dừng khai thác - 9

Lực lượng chức năng lập rào chắn tại các điểm bị ngập tại địa bàn huyện Đakrông, Quảng Trị (Ảnh: Nhật Anh).

Thừa Thiên Huế:

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, do ảnh hưởng của bão số 4, trong sáng 19/9, tại tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to đến rất to.

Mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ tại khu vực xóm Gióng (phường An Tây, TP Huế); nhiều đoạn ngập sâu 30-50cm.

Một người dân tại xóm Gióng cho biết, nước lụt bắt đầu dâng cao từ đêm 18/9 và đến sáng nay đã giảm một phần. Tuy nhiên nhiều đoạn trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (đường chính của cả xóm) còn nhiều đoạn ngập sâu, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong khoảng thời gian 6h-7h ngày 19/9, lượng mưa trên toàn tỉnh phổ biến 10-30mm, có nơi cao hơn như: Vườn Quốc gia Bạch Mã 39mm.

Mưa lớn tại miền Trung do bão số 4, sân bay Đồng Hới tạm dừng khai thác - 10

Ngập sâu tại khu xóm Gióng, phường An Tây, TP Huế (Ảnh: Vi Thảo).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Bá Lành, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), cho biết trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa bão, chính quyền xã đã tổ chức đặt biển cảnh báo, cấm người dân đi vào tuyến đường 71. Đây là tuyến đường dẫn vào khu thủy điện bậc thang A Lin - Rào Trăng, nơi đã từng xảy ra 2 vụ sạt lở vào năm 2020 và hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn sạt lở nặng.

TP Đà Nẵng: Ghi nhận của phóng viên Dân trí, lúc 8h trời có mưa vừa, tuy nhiên mây đen vẫn phủ kín khu vực phía Tây Bắc của Đà Nẵng (hướng nhìn về đèo Hải Vân); các khu vực trũng thấp của thành phố chưa có dấu hiệu ngập.

Mưa lớn tại miền Trung do bão số 4, sân bay Đồng Hới tạm dừng khai thác - 11

Tại Đà Nẵng có mưa vừa trước thời điểm bão đổ bộ (Ảnh: Hoài Sơn).

Trên tuyến đường Hoàng Sa, tàu thuyền đã được ngư dân đưa lên bờ an toàn; các nhà hàng, khách sạn ven biển cũng chủ động chằng chống cửa kính, các hạng mục trang trí cũng được hạ xuống đất để tránh gió quật ngã.

Mưa lớn tại miền Trung do bão số 4, sân bay Đồng Hới tạm dừng khai thác - 12

Lực lượng chức năng căng dây cảnh báo ở những nơi nguy hiểm ở "điểm nóng" ngập lụt của Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Theo bản tin lúc 5h của Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, từ 19/9 đến ngày 20/9, Đà Nẵng có lượng mưa phổ biến 50-150mm, có nơi trên 300mm.

Tại Quảng Nam:

Trong 24 giờ qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 70-230mm, riêng Trà My 357mm, Tam Trà 341,4mm, Hồ Nước Ron 317mm, Tam Kỳ 270,6mm, Kỳ Phú 270,4mm, Tiên Phước 260mm.

Đến sáng 19/9, mực nước trên sông Vu Gia - Thu Bồn và Tam Kỳ đang ở mức dưới báo động 1.

Ông Nguyễn Ngọc Khải - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam - cho biết, từ nay đến hết ngày 20/9, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm, có nơi trên 200mm. Trong ngày 19/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các huyện Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Núi Thành, Phước Sơn, Quế Sơn, Tây Giang, Tiên Phước…

Mưa lớn tại miền Trung do bão số 4, sân bay Đồng Hới tạm dừng khai thác - 13

Đường Hùng Vương (đoạn trước UBND tỉnh Quảng Nam) bị ngập nặng từ chiều tối 18/9, đến sáng 19/9 đã khô ráo (Ảnh: Bình An).

Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão (bão số 4), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn.

Đến sáng 19/9, tỉnh Quảng Nam còn 47 tàu/952 lao động trên biển. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, sáng 19/9, có 1 tàu cá mang số hiệu QNa 91134 TS hoạt động khu vực quần đảo Hoàng Sa đã ra khỏi vùng nguy hiểm.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cũng cho học sinh nghỉ học vào ngày 19/9 để đảm bảo an toàn trước tình hình mưa lũ.

Theo quan sát của phóng viên, sáng 19/9, tình hình thời tiết tại Quảng Nam trời đã ngớt mưa, nhiều điểm bị ngập úng cục bộ từ chiều qua (18/9) đến sáng 19/9 đã khô ráo. Một số tuyến đường ở thành phố Tam Kỳ bị ngập nặng trong chiều 18/9, đến sáng 19/9 cũng đã hết ngập, lưu thông đường phố trở lại bình thường.