Cả nước không có điểm 10 môn toán!
Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Theo đó cả nước có 1.045.643 thí sinh tham gia; kết quả trung bình tất cả các môn là 6,45 điểm, cao hơn kỳ thi 2023 một chút; số thí sinh không đạt điểm trung bình là 192.900, chiếm 17,5% và là mức thấp hơn kỳ thi năm 2023.
Các nhà quản lý và chuyên gia trong ngành giáo dục đã nhanh chóng có những phân tích, đánh giá bước đầu và cơ bản đều coi những kết quả đạt được trong kỳ thi vừa qua, kỳ thi trung học phổ thông cuối cùng theo Chương trình giáo dục 2006, nhìn chung là tích cực. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào kết quả từng môn, có thể thấy vẫn còn có những điều cần phải suy nghĩ và đánh giá sâu hơn.
Trước tiên, có một vấn đề mà ai cũng thấy là trong khi ở tất cả các môn thi đều có thí sinh đạt điểm 10, dù nhiều hay ít, thì lần này ở môn Toán đã không có thí sinh nào đạt được điểm tối đa đó. Thứ hai, nếu nhìn vào điểm trung bình đã đạt được ở từng môn thi mà Bộ GD&ĐT đã công bố, môn Toán (6,45 điểm) và môn Vật lý (6,67 điểm) là hai môn tự nhiên có điểm trung bình thấp nhất, cùng với đó Ngoại ngữ tiếp tục là môn có phổ điểm xấu nhất với điểm trung bình môn chỉ 5,5.
Với kết quả trên, điểm trung bình môn Toán và môn Vật lý tăng nhẹ so với năm 2023 và phần nào cho thấy đề thi đã thực hiện chức năng phân hóa thí sinh.
Những người làm trong ngành Giáo dục có thể đã quen với kết quả trên. Nhưng từ góc độ bên ngoài quan sát điểm trung bình các môn học của học sinh chúng ta thì tôi có nhiều trăn trở, nhất là với điểm trung bình môn tự nhiên.
Đúng là các môn tự nhiên, nhất là môn Toán và môn Vật lý, trong những năm gần đây đã không còn được xã hội đánh giá cao tuyệt đối như ngày trước. Trước tình hình thay đổi và đặc biệt là khi nền kinh tế đã có những dịch chuyển về cơ cấu, nhiều ngành nghề mới đã xuất hiện thì việc học giỏi Toán, Lý đã không còn là chìa khóa duy nhất giúp người ta dễ dàng hơn trong việc tìm công ăn việc làm như mong muốn. Phải chăng đây là lý do dẫn đến việc học sinh phải giỏi Toán và Vật lý không còn được coi trọng như xưa?
Ngoài ra, trong một xã hội hiện đại, phát triển như hiện nay, các môn học xã hội ngày càng có vai trò lớn hơn (ví dụ trường Y bây giờ cũng đã tuyển sinh bằng môn Văn). Tất cả những yếu tố đó đã dẫn đến việc học các môn tự nhiên đã không còn được ưu tiên cao như thời kỳ trước. Và hệ quả tất yếu là điểm thi các môn này đã không còn cao như trước mà chỉ làng nhàng, thậm chí có thể còn thấp hơn các môn còn lại.
Thực ra, ở giai đoạn hiện nay, chúng ta hoàn toàn không cần giữ cách đào tạo để học sinh nào cũng phải giỏi Toán và Lý. Tôi cũng không có ý phân biệt các môn học. Vấn đề tôi muốn nói là ở tầm vĩ mô toàn xã hội, chúng ta vẫn rất cần người tài học giỏi các môn tự nhiên, cụ thể là Toán, Lý. Bởi nếu không có họ, đất nước sẽ không có đủ nguồn nhân lực cần thiết cho nền kinh tế trong thời đại chuyển đổi số, vi mạch và trí tuệ nhân tạo (AI). Các lĩnh vực này ngày càng đóng vai trò quyết định sức mạnh nền kinh tế mỗi quốc gia.
Chính vì vậy, việc môn Toán và môn Lý có kết quả không nổi trội so với các môn còn lại trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, nhất là trong hơn 1 triệu thí sinh toàn quốc tham gia kỳ thi mà không có ai đạt điểm 10 (còn ở môn Lý thì số thí sinh đạt điểm 10 cũng đã giảm so với trước) phải được coi là vấn đề đáng suy nghĩ, đòi hỏi toàn xã hội và ngành Giáo dục phải tích cực tìm giải pháp càng sớm càng tốt.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu (đã đạt giá trị 520 tỷ USD trong năm 2023 và đang tiếp tục tăng trưởng). Để tận dụng được cơ hội này, Việt Nam cần có đủ số kỹ sư theo các chuyên ngành cụ thể, mà theo ông Nguyễn Hoàng Cường, Trưởng ban Công nghệ bán dẫn của Tổng công ty Viettel, ít nhất là 50.000 kỹ sư vào năm 2030 (gấp gần 10 lần con số hiện nay). Nghĩa là Việt Nam cần đào tạo 10.000 kỹ sư ngành bán dẫn mỗi năm.
Ngoài ra, còn một ngành nữa cũng vẫn có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực là kỹ sư công nghệ thông tin và lập trình viên. Cụ thể, theo tạp chí chuyên ngành TopDev, Việt Nam còn thiếu từ 150.000 đến 200.000 lập trình viên và kỹ sư công nghệ thông tin để có thể tận dụng được đầy đủ các cơ hội ngày càng tăng trong lĩnh vực này.
Để sớm có được con số rất lớn về kỹ sư bán dẫn vi mạch nói riêng và công nghệ thông tin nói chung như trên, không con đường nào khác ngoài việc tích cực đẩy mạnh đào tạo. Và để nhanh chóng đào tạo được những kỹ sư công nghệ thông tin và vi mạch bán dẫn Việt Nam thực sự có năng lực và giỏi về chuyên môn trong những năm tới, điều kiện tiên quyết chắc chắn là phải có rất nhiều những học sinh phổ thông say mê và học giỏi các môn khoa học tự nhiên.
Người Việt Nam vốn có khiếu và truyền thống học giỏi các môn Toán và Lý. Chúng ta không thể chấp nhận sự sa sút tương đối trong việc giảng dạy, học tập các môn này ở trường phổ thông dù vì bất cứ lý do gì.
Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!