Trọng tài Việt Nam thực hành VAR, chuẩn bị áp dụng ở V-League
(Dân trí) - Sáng 14/6, các trọng tài Việt Nam đã bước vào giai đoạn quan trọng trong quá trình đào tạo VAR, khi thực hành ở trận đấu không chính thức để chuẩn bị đưa vào áp dụng chính thức ở V-League.
Từ ngày 8/6, khóa đào tạo trọng tài VAR thứ 3 tại Việt Nam đã được khai mạc. Chương trình do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phối hợp với Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tổ chức, nhằm sớm đưa VAR vào áp dụng tại các trận đấu chuyên nghiệp.
Trong 6 ngày qua, 18 trọng tài và trợ lý trọng tài tham gia khóa đào tạo VAR được thực hành điều hành các "trận đấu" có áp dụng VAR với các tình huống giả định thời lượng ngắn nhằm làm quen với các quy định, giao thức cũng như sử dụng các thiết bị công nghệ để phân tích tình huống.
Quá trình học tập diễn ra liên tục với cường độ cao từ 08h00 đến 17h30 hàng ngày, để hoàn thành đủ tiến độ về từng bước đào tạo theo yêu cầu của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA).
Một số trọng tài đã hoàn thành đủ số lượng bài tập ở các bước đào tạo 3a và 3b với độ khó thấp và trung bình (các trận đấu 5 vs 5 trong khoảng 10 phút và trận đấu 11 vs 11 trong khoảng 30 phút) sẽ bước vào giai đoạn 3c với độ khó được đánh giá là cao nhất (trận đấu đầy đủ trong 90 phút). Buổi học đầu tiên được tổ chức tại sân Hàng Đẫy vào lúc 08h30 sáng nay (14/6) với sự hỗ trợ của đội trẻ CLB Hà Nội.
Buổi học được giám sát bởi chuyên gia FIFA Bhaveshan Moorghen. Ba trọng tài được chỉ định thực hành ở buổi học đầu tiên này gồm trọng tài chính Mai Xuân Hùng, trọng tài VAR Dương Hữu Phúc, trợ lý VAR Lê Vũ Linh. Ngoài ra, 3 trọng tài và trợ lý trọng tài của Ban trọng tài Hà Nội sẽ tham gia hỗ trợ điều hành trận đấu.
Chia sẻ về trận đấu với vai trò mới, trọng tài VAR Dương Hữu Phúc cho biết bản thân cũng như các đồng nghiệp háo hức về việc triển khai công nghệ hỗ trợ trọng tài này: "Bên cạnh đó, vẫn có những áp lực và lực lượng trọng tài VAR cần có thêm thời gian để hoàn thiện kỹ năng điều hành phòng VAR.
Có VAR, anh em trọng tài sẽ đỡ áp lực và tăng được sự chính xác. Tất nhiên là mọi thứ cần thêm thời gian và VAR chỉ là hệ thống và người vận hành vẫn là trọng tài. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện".
Trọng tài Phúc chia sẻ thêm về phương pháp điều hành phòng VAR: "Có 4 tình huống VAR sẽ xem xét và can thiệp: Có bàn thắng hay không, có phạt đền hay không, thẻ đỏ hay không và các quyết định rút thẻ sai của trọng tài chính. Khi có tình huống cần can thiệp, trọng tài VAR sẽ lập tức xem lại tình huống. Trong khi đó, trận đấu vẫn tiếp tục và trợ lý VAR là người theo dõi. Khi trận đấu tạm dừng, trọng tài VAR sẽ đưa ra tư vấn đến trọng tài chính".
Trọng tài chính điều hành trận đấu Mai Xuân Hùng cho biết bản thân ông có đôi chút hồi hộp và bỡ ngỡ ở giai đoạn đầu làm quen với VAR trong sáng nay: "Ban đầu còn những bỡ ngỡ về phương pháp phối hợp cũng như những sự khác biệt về phương pháp trọng tài khi có VAR so với trước đây.
Ví dụ trường hợp một cầu thủ của đội đang tấn công có thể rơi vào thế việt vị. Trước đây, các trọng tài sẽ ra quyết định ngay lập tức. Khi có VAR, chúng tôi sẽ vẫn để trận đấu tiếp tục, dẫn đến bàn thắng. Ngay ở thời điểm đó, trọng tài VAR sẽ xác định tính chính xác của tình huống đó và tư vấn cho trọng tài chính để đưa ra quyết định có công nhận bàn thắng đó hay không".
Ở trận đấu này, trọng tài Mai Xuân Hùng đã liên tục nhận được hỗ trợ từ tổ VAR thông qua bộ đàm. Nhờ đó, ông đã một lần từ chối bàn thắng trên sân do lỗi việt vị. Thậm chí trong hiệp 2, trọng tài Hùng còn phải trực tiếp đến xem màn hình VAR để kiểm tra tình huống rút thẻ.
Dự kiến, khóa đào tạo trọng tài VAR thứ ba sẽ kết thúc vào ngày 18/6. Nếu vượt qua được đánh giá từ FIFA, các trận đấu tại V-League sẽ sớm được áp dụng công nghệ này.