Ám ảnh những vụ cháy nhà, chết người
Lại thêm 7 người chết thương tâm vì 2 vụ hỏa hoạn xảy ra trong ngày Chủ nhật (16/6) ở Hà Nội và Bắc Giang. Những cái chết vì hỏa hoạn luôn là nỗi ám ảnh đối với người ở lại. Trong ca trực đêm khuya, đọc những tin tức nặng trĩu này, tôi không khỏi tự hỏi vì sao các vụ cháy nhà xảy ra liên tục, nhiều vụ để lại hậu quả hết sức nặng nề, và dường như chúng ta vẫn thiếu cảnh giác với giặc lửa?
Xin điểm lại một số vụ cháy ở Hà Nội gần đây. Giữa cơn mưa cuối buổi chiều ngày 16/6, căn nhà 6 tầng trên phố Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai, đã bốc cháy dữ dội. Dù ngọn lửa được phát hiện sớm và cơ quan chức năng đã huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy kịp thời, nhưng thật đau lòng khi 4 bà cháu đã không may tử vong.
Trước đó không lâu, vụ hỏa hoạn rạng sáng 24/5 thiêu rụi một ngôi nhà cho thuê trọ tại phường Trung Kính, quận Cầu Giấy, cũng đã cướp đi sinh mạng của 14 nạn nhân, một số là người trong cùng gia đình. Vụ cháy này xảy ra trong bối cảnh nhiều người Hà Nội vẫn chưa hết ám ảnh với vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân đêm 13/9 năm ngoái, gây nên cái chết của 56 người và 37 người bị thương. Hầu hết nạn nhân là người mua nhà và thuê trọ.
Thiệt hại về tài sản trong hỏa hoạn, dù lớn đến mấy cũng không thể nào so sánh với sự mất mát sinh mạng con người. Đặc biệt là khi xảy ra với nhiều người trong cùng một gia đình, để lại nỗi đau thấu tâm can cho người còn sống.
Là người Việt, ai cũng quen thuộc với những câu nói lưu truyền trong dân gian như "nhất thủy nhì hỏa", "Giặc phá không bằng nhà cháy"… Nguy cơ và hậu quả khủng khiếp của hỏa hoạn nếu nó xảy ra là điều đã được cảnh báo, vì vậy vấn đề phòng ngừa phải luôn được đặt lên hàng đầu, là sự sống còn. Phòng ngừa ở đây cả từ góc độ tổ chức xã hội, trách nhiệm của cơ quan chức năng cho đến ý thức của mỗi người trong chúng ta. Tôi suy nghĩ rằng, dù cứ cho là không thể tuyệt đối, những chúng ta có thể hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra, nếu cảnh giác và có phương án cụ thể, chu đáo.
Điểm lại một số vụ hỏa hoạn gần đây để thấy rằng, hầu như nguyên nhân đều na ná nhau. Đó là cháy vì chập điện, cháy từ ắc quy phát nổ, từ những ngôi nhà ở kết hợp kinh doanh, trong đó có những mặt hàng dễ cháy như đồ điện nước, sơn xây dựng, gas… Những ngôi nhà bị cháy nếu ở mặt tiền thì được xây dựng kiên cố, kín cổng cao tường; nếu là chung cư thì tiết kiệm tối đa mặt bằng dành cho phòng ở cho thuê, mà thiếu không gian cho việc bố trí các phương tiện phòng cháy chữa cháy.
Đó là chưa kể nhiều chung cư, nhà dân xây dựng trong các con ngõ hẹp, còn được bao bọc bằng lồng sắt, dây thép gai giăng chằng chịt để chống trộm, khi xảy ra hỏa hoạn, người dân không thể thoát ra ngoài, việc chữa cháy cũng gặp không ít khó khăn.
Rất nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra từ nửa đêm về sáng. Đây là quãng thời gian các thiết bị điện như máy tính, pin sạc điện thoại, ắc quy xe điện… đã nóng lên, dễ phát sinh cháy nổ, trong khi con người đang chìm vào giấc ngủ sâu, khi phát hiện ra cháy thì đã muộn.
Là địa bàn xảy ra nhiều vụ cháy, thiệt hại cũng nặng nề nhất, Hà Nội đã tổ chức tổng rà soát các chung cư, nhà cho thuê trọ; tổng kiểm tra điều kiện đảm bảo phòng cháy, chữa cháy trong khu dân cư. Tuy nhiên, điều chúng ta dễ nhận thấy là tất cả những việc làm đó, chỉ là phần ngọn của vấn đề. Tình trạng "làng lên phố" đã dẫn đến hình thành những khu đô thị phát triển tự phát, nhà cửa xây dựng tùy tiện, chỉ chú trọng chỗ ở, chỗ kinh doanh mà xem nhẹ các điều kiện an toàn sống...
Tôi hoàn toàn đồng ý rằng cần sớm làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nhất là những vụ để lại hậu quả lớn, xử lý nghiêm trách nhiệm của những người liên quan, bao gồm trách nhiệm nhìn từ phía cơ quan quản lý trên địa bàn… Nhưng qua những vụ hỏa hoạn kinh hoàng, mỗi người trong chúng ta cũng cần thấy rằng sống chung với điện, ga, bình khí sửa chữa máy, vật liệu dễ cháy…, mà thiếu kiểm tra các điều kiện an toàn của thiết bị đang sử dụng là liều lĩnh đem sinh mạng của mình phó thác cho giặc lửa. Thiếu kiến thức phòng ngừa, thiếu kỹ năng thoát nạn cũng là một phần nguyên nhân của nhiều cái chết thương tâm.
Hỏa hoạn luôn gây ra những thiệt hại không thể lường trước. Nhất là thiệt hại về sinh mạng con người. Một lần nữa, nhắc lại chắc chắn không thừa, đó là mỗi người cần nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy cho chính mình; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý, đảm bảo những qui định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy được nghiêm túc thực thi.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!