5 điều cần biết để du học không trở thành "canh bạc"
Tôi từng đọc bài của một phụ huynh trong nhóm cha mẹ du học sinh tại Mỹ kể rằng con học ngành Khoa học máy tính, cũng chăm chỉ, điểm tổng kết cao, năng động, chơi với nhiều bạn Mỹ mà 3 mùa hè rồi không xin được vị trí thực tập nào. Mà như vậy thì ra trường khả năng cao là con sẽ không xin được việc để ở lại Mỹ.
Phụ huynh kết bài bằng câu: "Nhà em không có đủ điều kiện tài chính để cho con học lên thạc sĩ, đã đổ hết tài lực vào cho cháu để đi học, giờ em rất sợ con sẽ phải về Việt Nam và canh bạc gia đình bỏ ra sẽ tan tành mây khói".
Đọc xong lời của phụ huynh mà tôi thấy thương cho đứa con, được cha mẹ đầu tư cho ăn học nhưng phải gánh trên vai "hòn đá tảng", chính là kỳ vọng của cha mẹ, rằng cha mẹ đã bỏ ra khoản tiền lớn đến vậy cho con du học thì con phải cố mà ở lại được nước Mỹ.
Tôi bình luận: "Nếu học xong mà không xin được việc, con có chí thì có thể xin việc ở Việt Nam, tự trau dồi chuyên môn để quay lại Mỹ. Không quay lại được cũng vẫn có thể sống tốt. Gia đình kỳ vọng quá càng gây áp lực cho con."
Hơn 10 năm nay, các gia đình trung lưu và khá giả Việt Nam đang có trào lưu tích lũy tài chính, dốc tiền đầu tư cho con du học, hoặc là theo diện tự túc hoàn toàn, hoặc là theo diện được hỗ trợ tài chính và có học bổng trị giá tiền tỷ. Một số nghiên cứu đã từng ghi nhận người Việt Nam dành tới 35% chi tiêu gia đình cho giáo dục, một nghiên cứu khác cho biết người Việt buộc phải thắt lưng buộc bụng dành tới tận 47% chi tiêu gia đình cho giáo dục, là một mức rất cao so với thế giới. Tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục ở nhiều gia đình cho con du học có lẽ còn cao hơn mức trung bình nói trên.
Tuy nhiên, từ trải nghiệm một người từng du học và giảng dạy đại học ở nước ngoài, tôi có một số điều chia sẻ mà các gia đình và du học sinh cần biết, để đưa ra quyết định sáng suốt:
Học đại học tốt tại Việt Nam thì bạn vẫn có thể giỏi hơn du học sinh, nếu bạn du học sinh đó chỉ học cho qua môn, đủ tín chỉ, hay du học tại những trường đại học chất lượng thấp ở nước ngoài. Ở các nước ngành giáo dục đã trở thành "con bò sữa", có đóng góp đáng kể trong nền kinh tế, thì các "xưởng sản xuất bằng cấp" (diploma mill) cũng mọc lên nhan nhản.
Khi du học các ngành kinh tế, kinh doanh, quản trị hay các ngành xã hội và nhân văn ở nước ngoài, du học sinh sẽ không có nhiều hiểu biết về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa Việt Nam. Đi du học 3 đến 4 năm cho bậc cử nhân, hay 5 đến 6 năm nếu học thẳng lên thạc sĩ, bạn cũng tách rời môi trường trong nước một thời gian khá dài. Khi trở về, bạn phải cập nhật thực tế và hòa nhập lại, mà hòa nhập lại thường khó khăn hơn bạn tưởng.
Nếu bạn du học ngành marketing, truyền thông ở nước ngoài thì không thể được học về các thương hiệu đang có thị phần lớn trong nước như Viettel, Grab, MOMO, Zalo,Vinamilk, Chinsu hay Bitis. Bạn sẽ khó có thể ngay lập tức bắt kịp xu hướng của người tiêu dùng Việt Nam. Thậm chí nhiều bạn du học sinh còn không viết tiếng Việt thông thạo như viết tiếng Anh.
Cha mẹ nên cho con học đại học ở Việt Nam, đi làm 2 năm, rồi xin học bổng hoặc đầu tư cho con du học thạc sĩ tự túc, nếu đầu tư cho con du học 4 năm đại học là quá sức của gia đình. Khi cộng cả học phí và chi phí sinh hoạt thì chương trình cử nhân/kỹ sư tốn kém hơn chương trình thạc sỹ. Trong khi đó nhà tuyển dụng lại thường quan tâm tới bằng cấp cao nhất mà bạn nộp trong hồ sơ ứng tuyển và quan trọng hơn là kinh nghiệm, kết quả công việc mà bạn tích lũy được.
Khi đã có kinh nghiệm làm việc và học thạc sỹ, du học sinh sẽ tối ưu hóa được lợi ích của chương trình học hơn, và khả năng xin được việc có thể cao hơn. Kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam, nếu ở các vị trí tốt, tại các công ty lớn cũng rất có giá trị.
Các trường, các quỹ và chính phủ ở tất cả các nước cũng có nhiều học bổng cho bậc thạc sĩ hơn bậc cử nhân. Vậy nên, nếu bạn giỏi thì cơ hội xin được học bổng ở bậc thạc sĩ cao hơn ở bậc cử nhân.
Học thẳng một mạch từ đại học lên thạc sĩ là một sự đầu tư không tối ưu về mặt lợi ích mà bạn thu nhận được từ chương trình, nhất là các ngành kinh doanh, kỹ thuật, công nghệ, cần thực chiến. Không phải ngẫu nhiên mà chương trình thạc sĩ các ngành kinh doanh ở các đại học hàng đầu yêu cầu bạn phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm, thì mới được nộp hồ sơ tuyển sinh.
Bạn học xong chương trình đại học thường phải có kiến thức và kỹ năng nền tảng để làm việc rồi, vấn đề là bạn thiếu trải nghiệm thực tế thôi. Nếu bạn cố học một mạch cho xong thạc sĩ thì cũng không khác gì tích lũy thêm lý thuyết vào mớ lý thuyết chưa được ứng dụng, chẳng khác gì tiếp nối năm 3 hay năm 4 đại học lên năm 5, năm 6.
Ở một số ngành, khung chương trình (curriculum) cử nhân/kỹ sư và thạc sĩ không khác nhau quá nhiều. Nếu bạn thấy tên môn học trong chương trình thạc sỹ giống tên môn học trong chương trình cử nhân thì có nghĩa là bạn sẽ học lại nhiều kiến thức đó, dù yêu cầu bài tập, bài thi ở bậc thạc sĩ có cao hơn chút ít.
Bạn không nhất thiết phải học cùng một ngành ở cả bậc cử nhân/kỹ sư và thạc sĩ. Khi chọn chương trình thạc sĩ, bạn nên điều chỉnh chọn chương trình cập nhật với nhu cầu của thị trường lao động, cũng như mục tiêu phát triển sự nghiệp phù hợp với bản thân. Mà muốn biết mình còn thiếu gì, hay thậm chí đổi hướng thì trải nghiệm thực chiến bạn mới hiểu rõ được.
Ví dụ, nếu bạn học cử nhân các ngành kinh doanh rồi và vẫn muốn theo đuổi ngành, thì lên thạc sĩ có thể học một chuyên ngành gần nhưng mở rộng hơn, hoặc chuyên sâu hơn. Nếu bạn có thực lực phù hợp thì nên học thạc sĩ các ngành có thành tố công nghệ như Phân tích Kinh doanh (Business Analytics), Tiếp thị và Công nghệ (Marketing & Technology), Sáng tạo đa phương tiện và Công nghệ Truyền thông (Multimedia and Communication Technology), Đổi mới Chuỗi cung ứng (Supply Chain Innovation), hay Khoa học Dữ liệu (Data Science) để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ở tất cả các ngành nghề.
Nếu lên thạc sĩ bạn học một ngành khác thì đa số các trường yêu cầu bạn học bổ sung tín chỉ trong chương trình Pre-Master thường kéo dài một năm mà họ thiết kế.
Vừa du học, vừa đi làm để trang trải chi phí là một kế hoạch không thực tế. Tất nhiên, bạn nên đi làm trong quá trình đi học, để va chạm với cuộc sống và học thêm kỹ năng ngoài trường học, để có thêm tiền chi tiêu, nhưng bạn khó có thể trang trải toàn bộ chi phí sinh hoạt được nếu chỉ làm những việc như phục vụ nhà hàng, khuân vác ở siêu thị, nhất là các nước cũng hạn chế số giờ bạn được phép đi làm. Nhiều du học sinh mải đi làm đã rớt môn, không đủ tín chỉ để giữ visa, phải xách vali về nước rồi.
Xác suất du học sinh có thể ở lại nước sở tại định cư là rất thấp. Lúc rời mái nhà cha mẹ ở tuổi 18 thì bạn cứ mơ thoải mái thôi. Rồi sau 3-6 năm du học với mục tiêu định cư, nếu không phải là người xuất sắc và may mắn, bạn rất có thể sẽ thất vọng.
Trong nhóm Viet.EB1.EB2.NIW, là một nhóm Facebook dành cho những người tìm kiếm cơ hội định cư tại Mỹ bằng chuyên môn cao, quản trị nhóm là anh Đinh Công Bằng từng dẫn các số liệu của Sở di trú Mỹ cho biết: Năm 2019, chỉ có 77 trường hợp mang quốc tịch Việt Nam nhận thẻ định cư Hoa Kỳ bằng hồ sơ nghề tin học (H1B - GC). Tương tự, trong năm 2021, chỉ có 40 kỹ sư phần mềm nhận thẻ xanh.
Số liệu người Việt làm trong ngành công nghệ thông tin có được thẻ xanh tại Mỹ mà anh Bằng dẫn ở trên là trong các năm 2019 và 2021, khi các tập đoàn công nghệ lớn ở Mỹ vẫn đang tuyển nhân viên ào ạt để đáp ứng tăng trưởng nóng. Nhưng từ 2022 tới nay, các công ty công nghệ đã cho gần 150.000 người nghỉ việc. Du học sinh vừa ra trường, dù cầm bằng kỹ sư hay thạc sĩ trong tay thì cũng khó mà cạnh tranh nổi với đội quân vừa bị cho nghỉ việc, có nhiều năm kinh nghiệm.
Hiện có hơn 30.000 du học sinh Việt Nam tại Mỹ, theo số liệu năm 2023. Ước tính số lượng du học sinh học ngành khoa học máy tính, công nghệ thông tin có thể lên tới hàng ngàn người, vậy mà số lượng người nhận thẻ xanh từ các ngành công nghệ thông tin chỉ vỏn vẹn là 77 và 40 người cho hai năm 2019 và 2021.
Thực ra, nếu bạn không thể đi du học thì cũng chẳng việc gì phải lo là mình không bằng bạn bằng bè. Nếu học ở trường đại học tốt trong nước, nếu các bạn biết cách chủ động tự học, tự trau dồi, năng động tìm cơ hội đi thực tập để tích lũy kinh nghiệm thực tế thì khi ra trường hoàn toàn có khả năng cạnh tranh ngang ngửa với các bạn du học sinh trong công việc.
Tương tự, cũng đã có những bạn trẻ xuất sắc xin được việc ở nước ngoài với bằng cấp hoàn toàn từ Việt Nam. Nhiều khi vượt qua thách thức lại khiến bạn nỗ lực hơn, mạnh mẽ hơn, và nhờ thế mà có thể giỏi hơn.
Cha mẹ cho con đi du học thì hãy mong con học hành nghiêm túc, có trải nghiệm văn hóa, hiểu biết xã hội để mở rộng nhãn quan. Du học không phải một "canh bạc", cha mẹ và các con càng không nên làm "con bạc khát nước" mà phải cố dốc túi đầu tư quá sức, hay cố ở lại, định cư bằng mọi giá.
Tác giả: Chị Nguyễn Yến Khanh tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Leeds, Vương quốc Anh vào năm 2004 với học bổng Chevening của Bộ Ngoại giao Anh và tốt nghiệp bậc Tiến sĩ tại New Zealand năm 2020 với học bổng nghiên cứu sinh tại Đại học Massey. Chị từng nghiên cứu và giảng dạy ngành marketing và truyền thông tại các trường đại học của Australia, New Zealand và Hà Lan.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!