Phi công người Anh đã nhớ được mật khẩu điện thoại, máy tính bảng

(Dân trí) - Đến chiều 10/6, phi công người Anh mắc Covid-19 đã nhớ được mật mã điện thoại máy tính bảng dù hôn mê thời gian dài, tay có thể bấm bàn phím điện thoại.

Bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Theo thông tin từ Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, phi công người Anh, bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 91 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu.

Sau 1 tuần ngừng ECMO, hiện bệnh nhân tỉnh, trí nhớ vẫn tốt dù hôn mê thời gian dài (nhớ mật khẩu điện thoại, máy tính bảng), tay có thể thực hiện các động tác tinh tế như bấm bàn phím điện thoại, tuy nhiên chân còn yếu chưa nâng người được.

Phi công người Anh đã nhớ được mật khẩu điện thoại, máy tính bảng - 1
Phi công người Anh mắc Covid-19 tiếp tục có diễn biến tốt lên.

Đánh giá sơ bộ cho thấy, bệnh nhân đáp ứng với kháng sinh và kháng nấm, đã giảm sốt. Bên cạnh đó, phổi của bệnh nhân cải thiện nhiều, chỉ cần sử dụng oxy nồng độ thấp, tuy nhiên sức cơ hô hấp còn yếu. 

Hiện tình trạng chướng bụng của bệnh nhân cũng đã giảm. Mỗi ngày điều dưỡng cho bệnh nhân ăn qua đường tiêu hóa khoảng 1000ml súp/ngày. Chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt. Đến nay bệnh nhân ngưng lọc máu được 2 tuần.

Các bác sĩ đã tiến hành ngưng máy thở cho bệnh nhân tập thở ngắt quãng. Bệnh nhân cũng đã ngưng dùng một loại kháng sinh vì kết quả vi sinh không ra vi khuẩn gram dương. Đồng thời vẫn sử dụng thuốc kháng đông dự phòng đường uống.

Các bác sĩ cũng tiến hành tập vật lý trị liệu cho người bệnh 2 lần/ngày, điều chỉnh nước điện giải và chăm sóc vết loét cùng cụt.

Trước đó, bệnh nhân đã lần đầu mỉm cười với các y bác sĩ vào ngày 4/6. Đến ngày 8/6, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, đung đưa hai chân, đồng thời, đã tự viết vào bảng và tự bấm nút điều chỉnh độ cao của giường bệnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết với những bệnh nhân khác, những tiến triển nhỏ về sức khỏe đó là bình thường nhưng với bệnh nhân 91 là một nỗ lực lớn, là sự tiến bộ lớn của cả ekip điều trị và Hội đồng chuyên môn cũng như các chuyên gia của hai bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Chợ Rẫy đã cố gắng chăm sóc, điều trị, đưa ra phương án điều bệnh nhân phù hợp với từng giai đoạn sức khỏe. 

Trước đó, ngày 18/3, nam phi công người Anh phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2. Dù nhập viện trong tình trạng khỏe mạnh nhưng trong quá trình điều trị bệnh nhân này đột ngột trở nặng, trong đó có thời điểm phổi gần như bị đông đặc, phải sử dụng đến kỹ thuật ECMO (ngày 6/4). ECMO là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng.

Tính đến nay, bệnh nhân 91 hiện là bệnh nhân Covid-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta. Đây là trường hợp mắc Covid-19 diễn biến nặng nhất tại nước ta đến thời điểm này. Bệnh nhân 91 đã nằm viện gần 2 tháng. Ngay từ khi nhập viện, bệnh nhân liên tục tiến triển nặng, nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính.

Theo các chuyên gia giải thích, bệnh nhân có yếu tố béo phì với chiều cao 1,83m, nặng 100kg. Cơ thể người bệnh cũng phản ứng quá mức với virus SARS-CoV-2, tạo ra “cơn bão cytokine”, tấn công cả tế bào lành. 

Hà An