PhotoStory

Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu

(Dân trí) - Hơn một tuần nay, khoa Cấp cứu, Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức) đã tắt đèn, nhiều máy thở, hàng trăm bình oxy đã được cất vào kho vì không còn bệnh nhân điều trị nữa.

Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu - 1

Đã hơn một tuần nay, các phòng cấp cứu bệnh nhân mắc Covid-19 nặng của Bệnh viện dã chiến số 12 (do Bệnh viện Da liễu TPHCM phụ trách) đã không còn sáng đèn, không còn nghe tiếng máy thở kêu liên hồi. Những tấm nệm được xếp chồng vào một góc, chỉ còn lại những khung giường inox trơ trọi vì đã hết bệnh nhân điều trị.

Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu - 2

Bác sĩ Lưu Ngọc Đông - Bệnh viện Da Liễu TPHCM (Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 12) cho biết, chỉ đạo của Sở Y tế TPHCM, bệnh viện sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình vào cuối tháng 11. Vì vậy đơn vị đang chuẩn bị sắp xếp lại phòng ốc, đối với các phòng không còn sử dụng thì thực hiện vệ sinh khử khuẩn, dọn dẹp gọn gàng lại.

"Riêng khu vực phòng cấp cứu của bệnh viện, hơn một tuần nay đã trống bệnh nhân, không còn hoạt động nữa nên đã được khử khuẩn, dọn dẹp máy móc, trang thiết bị lại để chờ ngày bàn giao", bác sĩ Đông cho hay.

Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu - 3

Điều dưỡng Trương Thanh Phụng - khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu TPHCM (khoa Cấp cứu, Bệnh viện dã chiến Số 12) đang kiểm tra lại toàn bộ máy thở, các loại máy đo sinh hiệu, tháo các họng dẫn oxy của phòng cấp cứu để cho vào kho sau khi đã không còn sử dụng nữa.

Theo điều dưỡng Phụng, toàn Bệnh viện dã chiến số 12 có hơn 100 họng dẫn oxy cho bệnh nhân, riêng khu phòng cấp cứu có khoảng 50 chiếc. 

"Đây là những họng dẫn oxy từ bình chứa lớn bên ngoài, sau khi được dẫn vào đường ống sẽ cung cấp trực tiếp cho bệnh nhân thở oxy liều cao. Các loại máy thở, bình oxy, hay các thiết bị khác có thể sử dụng lại, những họng dẫn oxy này sau khi hết bệnh nhân thì có lẽ bỏ đi, không dùng lại nữa", điều dưỡng Phụng nói.

Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu - 4
Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu - 5

Hàng chục chiếc máy thở được nhân viên y tế kiểm tra kỹ và tháo ra, xếp vào một khu vực để chờ ngày bàn giao lại cho các đơn vị quản lý.

Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu - 6

Khoa Cấp cứu của bệnh viện có khoảng hơn 40 giường bệnh, ở đây là nơi từng điều trị cho các ca bệnh nặng, phải thở oxy liều cao, thở máy, thậm chí là nhiều trường hợp nguy kịch.

Tuy nhiên, sau gần 3 tháng nỗ lực, hiện đã không còn bệnh nhân nặng điều trị tại khoa Cấp cứu, toàn bộ phòng ốc, giường bệnh ở đây đều vắng bóng bệnh nhân điều trị.

Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu - 7

Những chiếc xe cáng đưa đón bệnh nhân từng hoạt động liên tục, hiện cũng nằm im lìm ở hành lang khoa Cấp cứu, không sử dụng tới trong hơn một tuần qua.

Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu - 8

Những bình oxy đủ loại kích cỡ được điều dưỡng Phụng di chuyển về kho để sắp xếp lại sau khi không còn sử dụng đến nữa.

Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu - 9
Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu - 10

"Trước đây khi chưa có trạm chứa oxy cỡ lớn, hàng ngày các nhân viên y tế phải liên tục thay bình oxy cho bệnh nhân. Thở liều cao nên mỗi bình này chỉ thở được từ 1-2 tiếng đồng hồ là hết, có ngày phải thay cả trăm bình. Giờ hết bệnh nhân rồi nên xếp vào kho để bảo quản. Hy vọng là sẽ không còn phải dùng đến những chiếc bình này thêm lần nào nữa", điều dưỡng Phụng nói.

Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu - 11

Hàng trăm bình oxy cỡ lớn không còn dùng đến nữa, được xếp vào một kho riêng ở khu vực khoa Cấp cứu Bệnh viện dã chiến số 12.

Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu - 12

Trạm oxy được lắp ngay phía sau khoa Cấp cứu hiện giờ cũng tạm ngừng hoạt động, được rào chắn lại gần 2 tuần nay.

Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu - 13

Các nhân viên y tế, dân quân tự vệ đang thu gom rác thải y tế, rác thải sinh hoạt và các vật dụng không còn dùng đến ở các phòng F0 sau khi nhiều bệnh nhân xuất viện.

Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu - 14

Theo bác sĩ Lưu Ngọc Đông, giai đoạn giữa tháng 8 đến tháng 9, bệnh nhân nhập viện trung bình mỗi ngày trên 2.000 ca, nhưng nhờ sự nỗ lực của các nhân viên y tế, sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, hiện bệnh viện chỉ còn khoảng 250 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, tỉ lệ bệnh nhân nặng rất nhỏ. 

Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu - 15

Phó Giám đốc BV Dã chiến số 12 cho hay, lúc cao điểm, toàn bệnh viện có khoảng 300 nhân viên y tế làm việc hết công suất, nhưng hiện tại khối lượng công việc đã giảm đi nhiều, áp lực cũng giảm hơn nên bệnh viện chỉ giữ lại khoảng 70 nhân viên y tế của Bệnh viện Da liễu TPHCM và 40 nhân viên y tế của các tỉnh tăng cường để làm việc.

"Hiện giờ có lẽ dịch bệnh cũng đã tạm ổn định, nhân viên y tế tuyến đầu cũng bớt áp lực nhiều hơn. Đặc biệt là về phía gia đình, người thân khỏe mạnh, bệnh nhân giảm đi nhiều, thì nhân viên y tế chúng tôi mới có chút thời gian để thả lỏng hơn, nói một cách đơn giản là thở phào nhẹ nhõm rồi", bác sĩ Đông chia sẻ.

Máy thở, bình oxy xếp đầy kho bệnh viện dã chiến vì hết bệnh nhân cấp cứu - 16

Hiện tại, khu vực khoa Cấp cứu  bệnh viện này đã đóng cửa, không còn bệnh nhân điều trị. Các phòng ốc được dọn dẹp, phun xịt khử khuẩn toàn bộ và khóa cửa.  Theo dự kiến của Sở Y tế TPHCM, Bệnh viện Dã chiến số 12 sẽ tạm ngừng hoạt động, hoàn thành "sứ mệnh" vào 30/11.