Bụi đỏ ở sân bay Long Thành: Những hiểm họa cho sức khỏe
(Dân trí) - Các bác sĩ cảnh báo, trường hợp bụi lọt vào phổi, người dân có thể đối diện nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nặng nề và không thể điều trị dứt điểm.
Những ngày qua, dư luận xôn xao trước việc bụi đỏ ở công trình xây dựng sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) lại "bủa vây" khu dân cư, đường giao thông, thậm chí lan đến cả tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây huyết mạch di chuyển đến nhiều tỉnh thành.
Nhìn hình ảnh bụi mịt mù gây khuất tầm nhìn và ô nhiễm không khí, nhiều người dân sinh sống tại khu vực này không khỏi ái ngại, lo lắng cho sức khỏe có thể bị ảnh hưởng.
Không thể điều trị dự phòng
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Vũ Thông, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, chưa có công trình đề cập đến ảnh hưởng cụ thể của "bụi đỏ" đến sức khỏe.
Về nguyên tắc chung, khi hít phải bụi, tùy mức độ bụi và phản ứng đường thở của mỗi người mà gây ra các tình trạng khác nhau, như kích thích tại chỗ, gây viêm đường hô hấp, nhiễm trùng cơ hội do vi trùng.
Nặng nhất là việc bệnh nhân có thể bị bụi phổi, gây các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Tuy vậy, để xảy ra tình trạng này cần có thời gian hít bụi kéo dài, bụi phải vào thật sâu bên trong.
"Bụi khi đã lọt vào gần như sẽ ở luôn trong phổi, không thể xử lý. Nếu bệnh nhân có đàm, có thể tìm cách khạc ra ngoài. Chỉ khi bệnh nhân có triệu chứng bệnh do hít phải bụi mới cần can thiệp, không thể điều trị dự phòng", bác sĩ Thông chia sẻ.
Những nguy cơ sức khỏe nặng nề nếu hít bụi trong thời gian dài
Lời khuyên cho người dân trong trường hợp này là tìm cách hạn chế tiếp xúc thêm tác nhân bụi, bằng các biện pháp như che chắn mặt, đeo khẩu trang ngăn bụi. Nếu có triệu chứng bệnh, cần đi khám để được chẩn đoán, xác định có nhiễm trùng đường hô hấp hay không để được điều trị thích hợp.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Quách Minh Phong, Trưởng đơn vị Hô hấp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) chia sẻ, tất cả các loại bụi khi hít phải và vào sâu bên trong đường hô hấp đều có thể gây ra tình trạng xơ phổi. Dù vậy, đến thời điểm này, có 3 loại bụi đã được nghiên cứu cụ thể về tác hại, là bụi than, bụi vải và silica.
"Với người bình thường, khi hít phải bụi thời gian dài có thể gây ra bụi phổi. Với người có bệnh nền như hen suyễn, COPD, ung thư… khi hít vào có thể gây ra các tác động hô hấp cấp. Để phòng ngừa bệnh, tốt nhất người dân cần di chuyển đến nơi ở có khí hậu trong lành hơn, dùng khẩu trang bảo vệ đường hô hấp. Vì một khi đã bị bệnh bụi phổi thì không thể điều trị dứt điểm", bác sĩ Phong khẳng định.
Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay đơn vị chưa ghi nhận bất thường về số lượng và tình trạng bệnh hô hấp vào nơi này điều trị.
Ngoài ra, để kết luận bụi đỏ có gây ảnh hưởng nặng đến sức khỏe người dân hay không cần có sự điều tra, đánh giá từ cơ quan chức năng, các chuyên gia về môi trường.
Ngày 19/3, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) ký văn bản đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nghiêm túc thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường tại dự án sân bay Long Thành.
Khu vực dự án sân bay này đang tái diễn hiện tượng bụi phát sinh lớn gây ảnh hưởng đến người dân và hoạt động giao thông đường bộ tại một số thời điểm.
ACV được yêu cầu nghiêm túc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tối đa việc phát sinh bụi trong quá trình thi công dự án sân bay Long Thành, đặc biệt khi khu vực thi công bước vào mùa khô, có hiện tượng gió lốc mạnh.
Liên quan đến sự việc bụi đỏ sân bay Long Thành "bủa vây" khắp nơi, Bộ Giao thông vận tải cũng có công văn yêu cầu ACV đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động, môi trường tại công trình và các vị trí lân cận.