Sắp diễn ra tọa đàm "Đánh bại cảm cúm cho sức khỏe vững vàng"

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Chuỗi tọa đàm "Lá chắn khỏe" số đầu tiên với chủ đề "Đánh bại cảm cúm cho sức khỏe vững vàng" phát trực tiếp trên Báo Dân trí vào 9h, ngày 9/10, giúp độc giả trang bị thêm "vũ khí" hiệu quả đánh bay cảm cúm.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm, thế giới có khoảng 5%-10% người lớn và 20%-30% trẻ em nhiễm cúm, trong đó có khoảng 500.000 người tử vong bởi các vấn đề sức khỏe liên quan đến cúm.

Tại Việt Nam, mỗi năm có 1-1,8 triệu người nhiễm cúm. Việt Nam thuộc khu vực nhiệt đới nên virus cúm (virus cúm nam bán cầu và virus cúm bắc bán cầu) có thể xuất hiện quanh năm. Theo nghiên cứu của các nhà dịch tễ học, cúm mùa thường đạt đỉnh vào tháng 3-4 và 9-10 hàng năm, có xu hướng gia tăng vào mùa đông xuân.

Đây là bệnh tưởng chừng đơn giản, nhưng, gây không ít phiền toái. Nhiều người phải nghỉ ở nhà chăm con ốm vì mắc cúm; doanh nghiệp, nhà máy thiếu nhân lực do nhân viên mắc cúm mùa. Các cơ sở y tế đôi khi bị quá tải khi số bệnh nhân cần chăm sóc đột ngột tăng cao.

Sắp diễn ra tọa đàm Đánh bại cảm cúm cho sức khỏe vững vàng - 1

Bất kỳ ai cũng có thể mắc cúm, bệnh dễ gặp nhất là ở những đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc sức đề kháng yếu (Ảnh minh họa: Freepik).

Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu cho thấy tỷ lệ ca mắc bệnh cúm tại Việt Nam là hơn 3.700/100.000 dân, gấp 5 lần trung bình thế giới. Điều quan trọng là cúm đã có vaccine phòng ngừa nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam chưa đến 2% dân số.

Theo các chuyên gia, bất kỳ ai cũng có thể mắc cúm, bệnh dễ gặp nhất là ở những đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc sức đề kháng yếu. Đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Với những trẻ mắc bệnh lý nền như suyễn, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim bẩm sinh, bệnh gan, thận, nguy cơ mắc cúm và biến chứng cao.

Người trên 65 tuổi, người có bệnh nền mãn tính như tắc nghẽn phổi COPD, tiểu đường, tim phổi, suy thận hoặc suy gan, ung thư... cũng dễ biến chứng khi bị cúm.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cúm mùa có thể dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp, co giật,… và thậm chí tử vong.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phòng tránh cúm hiệu quả. Để bảo vệ sức khỏe, mỗi người cần hiểu rõ "địch thủ" của mình như thế nào, để biết cách ứng phó, phòng ngừa và đẩy lùi.

Với mục tiêu giúp mỗi người có thể tự trang bị cho mình một lá chắn hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe, Báo Dân trí ra mắt chuyên đề "Lá chắn khỏe".

Chương trình sẽ trở thành cầu nối giữa độc giả với các bác sĩ nói riêng và ngành y tế nói chung, kịp thời mang đến kiến thức cần có để trang bị, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Đồng hành cùng "Lá chắn khỏe" là các bác sĩ, chuyên gia y tế, đến từ các bệnh viện, trường đại học hàng đầu cả nước.

Theo đó, số đầu tiên của "Lá chắn khỏe" với chủ đề "Đánh bại cảm cúm cho sức khỏe vững vàng" có sự góp mặt của BS.CKII. Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM.

Sắp diễn ra tọa đàm Đánh bại cảm cúm cho sức khỏe vững vàng - 2

BS.CKII. Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - TPHCM (Ảnh: Hải Long).

BS.CKII. Nguyễn Trần Nam sẽ mang đến nhiều thông tin cần thiết, giúp mỗi người sẵn sàng vượt qua cúm và những bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp nguy hiểm khác, từ đó có sức khỏe vững vàng, tận hưởng cuộc sống vui khỏe, an yên, giảm áp lực bệnh tật đến cộng đồng chung.

Độc giả quan tâm có thể đặt câu hỏi cho bác sĩ.