Vũ "nhôm" và Trần Phương Bình “bắt tay” rút tiền của ngân hàng

(Dân trí) - Nguồn tiền Vũ "nhôm" mua cổ phần của ngân hàng Đông Á là thế chấp lô đất rộng 220 ha tại TP Đà Nẵng để vay 400 tỉ của ngân hàng Đông Á. Còn 200 tỉ, Vũ “nhôm” chỉ ký khống chứng từ nộp tiền và ngân hàng Đông Á đã xuất quỹ chi 200 tỉ đồng cho Vũ “nhôm” để mua cổ phần.

Các bị cáo trong phiên xử vụ Ngân hàng Đông Á chiều ngày 27/11

17h30, Phiên tòa tạm nghỉ

Để khắc phục thiệt hại trong vụ án, nhà chức trách đã kê biên 5 bất động sản của các bị cáo và phong toả số lượng lớn chứng khoán... Trong đó có hơn 230 triệu cổ phần DongABank đứng tên Công ty Bắc Nam 79, Phan Văn Anh Vũ, gia đình ông Bình và hàng loạt người.

Tuy nhiên, Hội đồng định giá trong tố tụng Hình sự của TPHCM từ chối định giá cổ phần DAB do chưa đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán. Hai đơn vị khác do Bộ Công an thuê cũng không thể xác định giá trị vì báo cáo tài chính của DongABank từ năm 2015 đến 2017 (khi vụ án bị phát hiện) chưa được kiểm toán.

Cuối phiên tòa chủ tọa, yêu cầu trại giam cách ly bị cáo Phan Văn Anh Vũ và bị cáo Ái Lan. Việc trích xuất 2 bị cáo này sẽ được HĐXX thông báo sau cho phía trại giam.

Ngân hàng Đông Á “vượt mặt” ngân hàng Nhà nước

17h10, Bản cáo trạng được công bố tại tòa cho thấy, Trần Phương Bình đã tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DongABank, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 3.608 tỉ đồng, bao gồm 1.160 tỉ đồng trong việc ông Bình mua hơn 74.000 cổ phần DongABank; 437 tỉ đồng và 650 lượng vàng chi lãi ngoài; hơn 24 triệu USD và hơn 15.000 lượng vàng trong việc kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng tài khoản trái phép...

Từ năm 2001 đến năm 2005, DongABank đã thực hiện mở các tài khoản giao dịch USD tại ngân hàng UOB (Singapore) để kinh doanh ngoại hối tại thị trường quốc tế.


Trần Phương Bình đã chỉ đạo việc ngân hàng Đông Á mua bán ngoại tệ ở thị trường nước ngoài khi chưa được cấp phép

Trần Phương Bình đã chỉ đạo việc ngân hàng Đông Á mua bán ngoại tệ ở thị trường nước ngoài khi chưa được cấp phép

Trần Phương Bình chỉ đạo trực tiếp phòng kinh doanh DongABank do Nguyễn Huỳnh Đăng - trưởng phòng , Nguyễn Thị Ái Lan và Nguyễn Thị Kim Loan (là nhân viên Phòng Kinh doanh) thực hiện các giao dịch với ngân hàng UOB thông qua kênh liên lạc là màn hình, thể hiện dưới dang lệnh kinh doanh (lệnh Deal). Nội dung lệnh Deal thể hiện việc DongABank mua của ngân hàng UOB loại ngoại tệ nào, số lượng bao nhiêu, phải thanh toán cho đối tác những loại tiền gì, số lượng như thế nào.

Hoạt động kinh doanh này kéo dài từ năm 2001 - 2003 diễn ra bình thường. Đến năm 2003 - 2005, việc kinh doanh thường xuyên thua lỗ theo các lệnh Deal đã đặt. Trần Phương Bình chỉ đạo phòng kinh doanh của DongABank liên hệ, thỏa thuận với ngân hàng UOB cho kéo dài thời hạn thanh toán số tiền lỗ này bằng việc gia hạn các lệnh Deal còn dư nợ. Đề nghị này được ngân hàng UOB chấp thuận vì lý do đang có 15,5 triệu USD tiền gửi có kỳ hạn và hơn 4,7 triệu USD ký quỹ tại chính ngân hàng UOB.

Để che giấu hành vi trả nợ trong hoạt động kinh doanh ngoại hối, Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới lập 15 phiếu thu nhập ngoại tệ mặt khống từ ngân hàng UOB với tổng số tiền là 20,9 triệu USD nội dung thể hiện là DongABank đã rút, nhập ngoại tệ mặt đưa tiền vào kho quỹ.

Tương tự, Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới lập, ký và hoạch toán khống chứng từ nhập ngoại tệ từ ngân hàng Banca Adamas (Thụy Sỹ) với số tiền 3 triệu USD.

Kết quả xác định tại Tổng cục Hải quan và Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất thì DongABank không làm thủ tục mở các tờ khai hải quan để nhập khẩu USD từ ngân hàng UOB và ngân hàng Banca Adamas.

Cơ quan điều tra xác định việc mua bán ngoại tệ ở thị trường nước ngoài của DongABank là vi phạm pháp luật, vì đến ngày 10/12/2008, ngân hàng Nhà nước mới cấp phép cho DongABank thực hiện các giao dịch ngoại hối ở thị trường nước ngoài.

Bà “trùm” ngân hàng Đông Á chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng

16h30, Để che giấu âm quỹ tiền tại DongABank, ngày 28/12/2012, Trần Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Đức Tài ký hợp đồng tín dụng cho Cao Ngọc Huy (em rể Trần Phương Bình) vay khống 170 tỉ đồng. Từ hợp đồng tín dụng này, ngày 28/12/2012, bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến chỉ đạo Nguyễn Văn Thuận (Phó giám đốc DongABank sở giao dịch) lập chứng từ để Cao Ngọc Huy chuyển 20 tỉ đồng vào tài khoản của mẹ Xuyến.

Ngày 29/12/2012, Xuyến chỉ đạo Từ Thị Mỹ Linh (nguyên giám đốc phòng giao dịch Hàm Nghi chi nhánh quận 1) lập chứng từ để mẹ Xuyến rút 20 tỉ đồng tại phòng giao dịch Hàm Nghi. Cùng ngày, Xuyến chỉ đạo Nguyễn Văn Thuận làm thủ tục để Cao Ngọc Huy chuyển 20 tỉ đồng vào tài khoản của Đỗ Thị Minh Giang (người giúp việc của Xuyến) mở tại phòng giao dịch Hàm Nghi.

Vũ "nhôm" và Trần Phương Bình “bắt tay” rút tiền của ngân hàng - 2

Ngày 3/9/2013, tài khoản của Giang phát sinh giao dịch rút 19,9 tỉ đồng tiền mặt. Cùng ngày, Xuyến chỉ đạo Linh làm thủ tục gửi tiết kiệm 19,9 tỉ đồng đứng tên của mẹ Linh.

Ngày 16/4/2015, Xuyến chỉ đạo Linh làm thủ tục chuyển sổ tiết kiệm với số tiền 20,3 tỉ đồng đứng tên mẹ Linh sang tên cho người tên Trần Văn Lâm để trả nợ 20 tỉ đồng mà chồng Xuyến đã vay của Trần Văn Lâm. Như vậy toàn bộ số tiền 40 tỉ đồng trên Xuyến đã sử dụng vào mục đích cá nhân.

Trần Phương Bình “ưu ái” cho nguyên cán bộ Công an TPHCM vay 2.000 lượng vàng

16h, Theo cáo trạng, do Trần Phương Bình và Nguyễn Hồng Ánh (nguyên là đội trưởng 1 đội nghiệp vụ thuộc Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TPHCM), có quan hệ từ trước nên Bình và Ánh thống nhất vay vàng để được hưởng lãi suất thấp hơn vay tiền. Tháng 1/2008, Ánh đề nghị vay 2.000 lượng vàng để góp vốn hợp tác kinh doanh. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là căn nhà và quyền sử dụng 339 m2 ở quận Phú Nhuận, quyền sử dụng 326 m2 đất ở phường Thảo Điền, quận 2 cùng 3.000 cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Gia Định.


Bị cáo Nguyễn Hồng Ánh - nguyên cán bộ Công an TPHCM.

Bị cáo Nguyễn Hồng Ánh - nguyên cán bộ Công an TPHCM.

Tháng 1/2008, Trần Phương Bình phê duyệt đồng ý cho Nguyễn Hồng Ánh vay 2.000 lượng vàng. Thời hạn cho vay là 12 tháng. Ngày 14/1/2008, Ánh ký nhận nợ số vàng này.

Ngày 21/1/2009, bị cáo Ánh trả nợ gốc là 2.000 lượng vàng cho DongABank. Nhưng thực chất, 2 bên chỉ làm thủ tục tất toán trên giấy tờ, đảo nợ thành khoản vay mới 2.000 lượng vàng tại DongABank vào ngày 24/1/2009.

Đến 26/1/2010, Ánh chỉ trả được 100 lượng vàng nên trong cùng ngày, DongABank tiếp tục làm thủ tục tất toán trên giấy, đảo nợ cho Ánh thành khoản vay mới là 1.900 lượng vàng, từ ngày 28/1/2010.

Bị cáo Bình và bị cáo Ánh đã bàn bạc, thống nhất để Ánh nộp 32 tỉ đồng, là tiền tiết kiệm của Ánh tại DongABank, còn Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo tất toán khoản vay 1.900 lượng vàng của Ánh.

Ngày 29/2/2012, cấp dưới của Bình đã làm phiếu thu khống 1.900 lượng vàng của Ánh để trả nợ gốc cho khoản vay ngày 28/1/2010. Cùng ngày, Hội sở Dong A Bank lập phiếu thu tiếp nhận điều chuyển khống 1.900 lượng vàng về hội sở, chịu âm quỹ số vàng này.

Vũ "nhôm" và Trần Phương Bình “bắt tay” rút tiền của ngân hàng

15h15, Cáo trạng xác định, năm 2013, Trần Phương Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ của ngân hàng Đông Á từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng vào năm 2014 để thu hút vốn đầu tư và trang trải, xử lý khó khăn; đồng thời, nâng thương hiệu và vị thế, ảnh hưởng của ngân hàng Đông Á.


Bị cáo Trần Phương Bình bị cáo buộc bắt tay Vũ nhôm rút ruột ngân hàng

Bị cáo Trần Phương Bình bị cáo buộc bắt tay Vũ nhôm rút ruột ngân hàng

Thực hiện chủ trương trên, cuối năm 2013, Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ đã bàn bạc thống nhất rằng Vũ sẽ mua 60 triệu cổ phần của ngân hàng Đông Á với giá 600 tỉ đồng để Vũ trở thành cổ đông lớn và có quyền chi phối hoạt động ngân hàng Đông Á.

Nguồn tiền để Vũ mua cổ phần của ngân hàng Đông Á là Vũ thế chấp lô đất rộng 220 ha tại TP Đà Nẵng để vay 400 tỉ của ngân hàng Đông Á. Còn 200 tỉ, Vũ “nhôm” chỉ ký khống chứng từ nộp tiền và ngân hàng Đông Á đã xuất quỹ chi 200 tỉ đồng cho Vũ “nhôm” để mua cổ phần.

Sau đó, từ 400 tỉ đồng vay của ngân hàng Đông Á và 200 tỉ đồng được ngân hàng Đông Á xuất quỹ khống trên, Vũ "nhôm" được coi là đã bỏ ra 600 tỉ đồng để mua 60 triệu cổ phần của ngân hàng Đông Á.


Bị cáo Phan Văn Anh Vũ bị cáo buộc gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á 200 tỉ đồng

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ bị cáo buộc gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á 200 tỉ đồng

Tuy nhiên, năm 2014, ngân hàng Đông Á tăng vốn điều lệ không thành nên Trần Phương Bình đã chỉ đạo chuyển trả cho Công ty cổ phần Bắc Nam 79 số tiền nộp mua cổ phần, kèm theo cả tiền lãi nữa là 609 tỉ đồng.

Sau khi được ngân hàng Đông Á trả lại tiền, ông Vũ đã dùng 500 tỉ đồng để mua lại 50 triệu cổ phần của 4 cổ đông khác của ngân hàng Đông Á, còn 100 tỉ Vũ tiêu xài hết, đến nay ngân hàng Đông Á không thu hồi được.

Tại cơ quan điều tra, Vũ "nhôm" thừa nhận nguồn tiền 600 tỉ đồng mua cổ phần ngân hàng Đông Á là từ 400 tỉ đồng vay của chính ngân hàng này và 200 tỉ đồng ký khống. Sau đó việc mua không thành, Vũ “nhôm” đã sử dụng 500 tỉ đồng mua cổ phần của cổ đông khác, còn 100 tỉ đồng Vũ “nhôm” nghĩ đương nhiên là tiền của Vũ.

Tuy nhiên, sau đó Vũ “nhôm” thay đổi lời khai, không thừa nhận có bàn bạc hợp tác đầu tư với ông Bình để mua cổ phần ngân hàng Đông Á.

Vũ “nhôm” khai mua cổ phần ngân hàng Đông Á cho Bình, Vũ ký khống chứng từ và mua 500 tỉ đồng tiền cổ phần là do chỉ đạo của Bình.

Cơ quan điều tra cho rằng hành vi của Phan Văn Anh Vũ đã gây thiệt hại cho ngân hàng Đông Á 200 tỉ đồng, hành vi này có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm của Trần Phương Bình. Vũ “nhôm” phải có trách nhiệm hoàn trả 200 tỉ đồng cho ngân hàng Đông Á.

Bị cáo Trần Phương Bình dùng tiền ngân hàng mua cổ phần cho mình

14h40, Theo cáo trạng, để có tiền mua cổ phần của ngân hàng Đông Á vào năm 2007, Trần Phương Bình đã chỉ đạo cho Nguyễn Đức Vinh (nguyên trưởng phòng ngân quỹ, thủ quỹ ngân hàng Đông Á) lập chứng từ thu khống hơn 374 tỉ đồng. Số tiền này, bị cáo Bình dùng để mua hơn 5 triệu cổ phần của ngân hàng Đông Á đứng tên mình và những người thân trong gia đình.


Bị cáo Trần Phương Bình tại phiên xử chiều nay

Bị cáo Trần Phương Bình tại phiên xử chiều nay

Cuối năm 2007, Trần Phương Bình tiếp tục chỉ đạo Vinh xuất quỹ chi 23.252 lượng vàng (không lập chứng từ) để bán cho các tiệm vàng nhằm bù đắp cho khoản âm quỹ 374 tỉ đồng trên. Sau đó, Bình chuyển số cổ phần đã mua cho một số tổ chức và cá nhân khác để lấy tiền.

Cơ quan điều tra cũng xác định bị cáo Bình đã chỉ đạo xuất quỹ sai nguyên tắc số tiền 234 tỉ đồng để mua 5,7 triệu cổ phần ngân hàng Đông Á của công ty Quỹ Lộc Việt.

Theo kết luận điều tra, trong năm 2007, Trần Phương Bình nhờ Quỹ Lộc Việt mua giúp 5 triệu cổ phần của ngân hàng Đông Á và cam kết sẽ mua lại chỗ cổ phần này với giá 300 tỉ. Năm 2008, bị cáo đã mua cả 5 triệu cổ phần trên với số tiền hơn 327 tỉ.

Vũ "nhôm" và Trần Phương Bình “bắt tay” rút tiền của ngân hàng - 7

Để có tiền mua cổ phần, bị cáo Bình đã chỉ đạo nhân viên ngân hàng Đông Á cho công ty Ninh Thịnh và Công ty Sao Việt Nam (công ty sân sau của một lãnh đạo ngân hàng Đông Á) vay 197 tỉ đồng, thu khống của Nguyễn Hồng Ánh (cán bộ công an TPHCM cũng bị đề nghị truy tố trong vụ này về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng) hơn 30 tỉ đồng và sử dụng 121 tỉ đồng bán chung cư thuộc dự án Richland Hill để thanh toán cho Quỹ Lộc Việt.

Sau đó, bị cáo Bình tiếp tục chỉ đạo Nguyễn Văn Thuận (phó giám đốc ngân hàng Đông Á sở giao dịch) lập chứng từ thu khống 95 tỉ đồng, rồi thủ quỹ của ngân hàng Đông Á tiếp nhận số tiền khống đó để trả 95 tỉ đồng cho công ty Ninh Thịnh.


Luật sư bào chữa cho Vũ nhôm tung chứng cứ mới nhưng không được HĐXX chấp nhận

Luật sư bào chữa cho Vũ "nhôm" tung chứng cứ mới nhưng không được HĐXX chấp nhận

Công ty của Vũ “nhôm” có 12,7% cổ phần của ngân hàng Đông Á

14h30, Đại diện Viện KSND TPHCM Nguyễn Quỳnh Lan bắt đầu công bố cáo trạng.


Đại diện Viện kiếm sát công bố cáo trạng

Đại diện Viện kiếm sát công bố cáo trạng

Theo cáo trạng, ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á được thành lập năm 1992, đến nay đã 39 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hiện tại, DongABank có vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng, 100% cổ đông trong nước, cổ đông sáng lập chiếm 13,2% và cổ đông thường chiếm 86,8%. Trong đó Trần Phương Bình chiếm 10,2%, công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chiếm 7,7%, công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 (công ty của Vũ “nhôm” ) chiếm 12,7%, Văn phòng Thành ủy TPHCM chiếm 12,8%.

Trong quá trình quản lý về tổ chức và hoạt động đối với DongABank, ngân hàng Nhà nước phát hiện có sai phạm nên đã tiến hành thanh tra hoạt động của DongABank. Ngày 23/7/2015, cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng Nhà nước có Kết luận thanh tra số 20 xác định một số sai phạm xảy ra tại ngân hàng Đông Á: Tổng số dư nợ tại DongABank là 20.233 tỉ đồng, trong đó 123 khách hàng có dư nợ 19.644 tỉ đồng, tập trung chủ yếu vào 09 nhóm khách hàng và cá nhân liên quan với tổng dư nợ là 19.414 tỉ đồng; trong số này có 7.960 tỉ đồng là nợ khó thu hồi và hơn 5.600 tỉđồng là nợ không có khả năng thu hồi.

Vũ "nhôm" và Trần Phương Bình “bắt tay” rút tiền của ngân hàng - 10

HĐXX không chấp nhận chứng cứ mới của luật sư

14h chiều nay (27/11), TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB).

Ngay đầu giờ chiều, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch nộp cho HĐXX những giấy tờ liên quan chứng minh bị cáo Vũ “nhôm” có quốc tịch Antigua and Barbuda (là thành viên trong Khối Liên hiệp Anh). Tuy nhiên, theo HĐXX, các chứng cứ luật sư Trạch nộp thì không có bản tiếng Việt, lại không có bản gốc, chưa được chứng thực nên HĐXX không chấp nhận chứng cứ mới của luật sư Trạch cung cấp.

Trước đó, sáng nay, ngay trong phần xét lý lịch, bị cáo Phan Văn Anh Vũ nói: “Làm oan bị cáo quá!". Đồng thời, Vũ “nhôm” khai ngoài tên Phan Văn Anh Vũ, bị cáo còn có 2 tên khác là Phan Văn Sáu và Trần Đại Vũ.

“Bị cáo có 2 quốc tịch, một quốc tịch Việt Nam và một quốc tịch nước ngoài”, bị cáo Vũ nói. Theo lời khai của bị cáo Vũ tại tòa, ngoài quốc tịch Việt Nam, bị cáo còn có quốc tịch Antigua and Barbuda (một quốc đảo ở phía đông biển Caribe, gồm 2 đảo chính là Antigua và Barbuda. Quốc đảo nằm giữa quần đảo Leeward, gần với Trinidad và Tobago, Montserrat và Anguilla).

1_82257

Luật sư Trạch cung cấp chứng cứ mới.

Trước phiên tòa này, Vũ đã bị TAND cấp cao tại TP Hà Nội tuyên phạt 8 năm tù về tội xử cố ý làm lộ bí mật nhà nước.

Sau khi kiểm tra căn cứ, chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản cũng thông báo Phan Văn Anh Vũ tham dự phiên tòa hôm nay với 2 tư cách là bị cáo và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Vũ “nhôm” đã phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực cho Trần Phương Bình chiếm đoạt của DongAbank 203 tỉ đồng. Vì vậy Vũ “nhôm” phải bồi thường toàn bộ số tiền này. Ngoài ra Vũ “nhôm” còn phải có trách nhiệm nộp lại số tiền 13,4 triệu USD và 90,5 tỉ đồng mua cổ phần của DongAbank.

img_9000

Vũ "nhôm" khai có 2 quốc tịch 3 tên và 6 người con.

Trong quá trình điều tra, Vũ “nhôm” thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nhưng không thừa nhận là đồng phạm giúp sức cho Trần Phương Bình.

Quá trình điều tra, công an xác định 5 bất động sản ở Đà Nẵng, cùng 2 bất động sản ở TPHCM, trong đó có bất động sản tại số 8 Nguyễn Trung Trực (quận 1, TPHCM) là vật chứng của vụ án, đã được kê biên, phong tỏa trong vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ do Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý điều tra.

Xuân Duy - Phạm Nguyễn