Giọt nước mắt của anh em Trịnh Văn Quyết và "hình phạt" đau đớn nhất
(Dân trí) - Dù chưa nhận phán quyết cuối cùng về án phạt, nhiều bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC đã phải nhận những "hình phạt" khi hôn nhân tan vỡ, người thân qua đời...
Sau 8 ngày xét xử, phiên tòa sơ thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC bước vào thời gian nghị án.
Ở ngày xét xử thứ 8 - 29/7 - VKSND TP Hà Nội đã đối đáp lại những luận cứ của gần 100 luật sư bào chữa cho 50 bị cáo. Sau đó, HĐXX cho các bị cáo được nói lời sau cùng. Những giọt nước mắt đã bắt đầu rơi.
Tại sao số bị hại lại là hơn 25.000 người?
Như đã đưa tin trước đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch FLC) đưa ra một số lập luận liên quan đến số bị hại của vụ án, cũng như việc xác định hơn 3.600 tỷ đồng là số tiền bị cáo Quyết có được từ hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hay là tiền "hưởng lợi không ngay tình từ các hành vi trong vụ án".
Đối đáp lại, VKS giữ nguyên quan điểm Trịnh Văn Quyết đã Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 3.600 tỷ đồng của nhà đầu tư chứng khoán, thông qua việc bán cổ phiếu ROS.
Về số bị hại, cơ quan tố tụng xác định số bị hại không phải là 30.403 người, tuy nhiên cũng không là con số 133 mà luật sư đưa ra. Sau khi rà soát, VKS kết luận có 25.853 bị hại sử dụng 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 4.818 tỷ đồng.
Đại diện VKS lý giải, trong tổng số 430 triệu cổ phiếu ROS, giá trị là 4.300 tỷ đồng được niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ có hơn 1.100 tỷ đồng là vốn góp thật, còn lại hơn 3.102 tỷ đồng là vốn khống.
"Các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ ra một lượng tiền thật vào 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS, bị thiệt hại hơn 3.620 tỷ đồng", đại diện VKS nói và cho biết đây là căn cứ để xác định họ là bị hại của vụ án.
VKS cho rằng việc xác định lại số bị hại không làm ảnh hưởng hoặc thay đổi kết quả điều tra, truy tố của cơ quan tố tụng.
Bởi lẽ, 30.403 tài khoản chứng khoán đã mua hơn 391 triệu cổ phiếu có giá trị nâng khống của Trịnh Văn Quyết và bị thiệt hại hơn 3.620 tỷ đồng, tương đương với số tiền bị cáo đã chiếm đoạt.
Các bị cáo có chuyên môn cao nên buộc phải biết
Với quan điểm của một số luật sư cho rằng thân chủ của họ hạn chế về nhận thức, giữ những chức vụ cao trong các công ty thuộc "họ FLC" chỉ là hình thức; phạm tội nhưng không biết sai hoặc được ông Quyết nhờ... VKS khẳng định luận điểm trên không có cơ sở để chấp nhận.
Cơ quan tố tụng cho rằng, một số bị cáo được bổ nhiệm, phân công, giữ chức vụ cao như: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thành viên HĐQT; Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc Kế toán trưởng, Trưởng Ban kiểm soát; Lãnh đạo các phòng, bộ phận chuyên môn… được hưởng lương với số tiền lớn; chịu trách nhiệm cho chủ trương, quyết định định hướng phát triển của doanh nghiệp và trực tiếp điều hành hoạt động của công ty.
Đặc biệt, VKS nhấn mạnh, nhiều bị cáo có trình độ chuyên môn cao; được đào tạo bài bản, có kiến thức xã hội; am hiểu pháp luật nên phải biết và buộc phải biết trách nhiệm, nhiệm vụ phải làm theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định, vị trí chức vụ mà mình đang đảm nhiệm.
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, các bị cáo này hoàn toàn không bị ép buộc nhưng đã tự mình lựa chọn, quyết định thực hiện một hoặc nhiều công đoạn tội phạm trong một chuỗi hành vi cố ý, giúp bị cáo Quyết, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố.
Riêng với Trịnh Thị Minh Huế, VKS cũng đối đáp lại quan điểm của luật sư của bị cáo này về vai trò, nhận thức của em gái ông Quyết.
Theo VKS, bị cáo Quyết trực tiếp chỉ đạo bị cáo Huế 5 lần thực hiện việc nâng vốn khống; sử dụng 190 tài khoản chứng khoán thao túng thị trường chứng khoán.
Sau đó, Huế tiếp nhận trực tiếp chỉ đạo để thực hiện toàn bộ hành vi soạn thảo thủ tục, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, hợp đồng ủy thác đầu tư, giấy nộp tiền, rút tiền, quay vòng dòng tiền nâng vốn góp khống; hoàn thiện thủ tục cổ đông để niêm yết cổ phiếu ROS; bán cổ phiếu, thu tiền cho bị cáo Quyết sử dụng.
Ngoài ra, Huế cũng "tuân" theo anh trai, mượn chứng minh thư của các cá nhân, mở tài khoản, thao túng thị trường chứng khoán; thu tiền bán chứng khoán chuyển cho cựu Chủ tịch FLC.
Giọt nước mắt của anh em Trịnh Văn Quyết
Khi được cho nói lời sau cùng, bị cáo Trịnh Văn Quyết trình bày trong ngập ngừng, nhiều lần phải nén lại cảm xúc.
"Bị cáo xin gửi lời xin lỗi tới tất cả", ông Quyết giãi bày và cho rằng vụ án này là bài học lớn, sẽ khiến bị cáo ân hận suốt quãng đời còn lại. Ông Quyết cũng gửi lời xin lỗi, mong muốn được khoan hồng từ "những người được coi là bị hại" của vụ án.
Đặc biệt, cựu Chủ tịch FLC "không dám xin giảm nhẹ cho bản thân", bởi cựu Chủ tịch FLC cho rằng những bị cáo khác vì tin tưởng ông ta mà vướng vòng lao lý.
"Bị cáo cảm thấy nói lời xin cho riêng mình trong giờ phút này rất khó nói. Bị cáo kính mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo bị liên đới trong vụ án để họ sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình", ông Quyết trình bày, sau đó gửi lời cảm ơn tới HĐXX, tới VKS và cho rằng truy tố của cơ quan tố tụng là thuyết phục.
Trở lại ghế ngồi, cựu Chủ tịch FLC cúi mặt, liên tục lau nước mắt.
Tương tự anh trai, Trịnh Thị Thúy Nga nghẹn ngào gửi lời xin lỗi các bị cáo khác trong vụ án. Em gái ông Quyết cũng giãi bày sẽ không bao giờ quên "nỗi đau" này và mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt vì hoàn cảnh đang phải chăm bố mẹ già, nuôi 3 con nhỏ, bố chồng bị cáo cũng mới mất gần 100 ngày trước vì cú sốc liên quan đến Nga.
Nga cho rằng vì tin tưởng anh trai mà phải đứng trước tòa với vai trò là một bị cáo, cùng với anh trai, em gái, chồng, anh chị chồng và những người thân khác.
"Hình phạt" đau đớn nhất
Vừa bước lên bục khai báo, bị cáo Nguyễn Quỳnh Anh, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán BOS bật khóc nức nở, mong HĐXX xem xét bối cảnh, hành vi phạm tội tuyên phạt bị cáo mức án thấp nhất để sớm trở về với gia đình, xã hội.
Quỳnh Anh nghẹn ngào trình bày, trước khi vào làm tại Công ty cổ phần chứng khoán BOS, bị cáo đã có kinh nghiệm làm cho các công ty chứng khoán thuộc tổ chức nước ngoài.
Song, khi vào làm tại Công ty chứng khoán BOS đã xảy ra những sai phạm khiến bị cáo lúng túng. Quỳnh Anh phân trần vai trò của mình rất nhỏ bé nên bị cáo không thể ngăn chặn được các sai phạm, dẫn đến hậu quả phải đứng trước tòa.
Việc không thể ngăn chặn sai phạm cũng đã dẫn đến những nhân viên của Quỳnh Anh cũng vi phạm.
Sau khi bị khởi tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán, Quỳnh Anh bị tạm giam 5 tháng. Trong khoảng thời gian này, Quỳnh Anh cho biết gia đình bị cáo đã trải qua những biến cố lớn, vợ chồng ly hôn, bà của Quỳnh Anh phải nuôi 2 con, trong đó có 1 bé bị trầm cảm.
"Khi sự cố xảy ra với bị cáo, con bị cáo đã tự tử 2 lần và bị nhà trường trả về. Trong những năm tháng qua, bị cáo đã vô cùng ân hận vì hậu quả của vụ án đã khiến gia đình tan nát.
Khi nghe VKS đề nghị mức án (4-5 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán), bị cáo đã rất sốc và lo sợ nếu phải chịu mức án này, khi được trở về với xã hội sẽ không còn cơ hội được gặp con nữa" bị cáo Quỳnh Anh bật khóc, giãi bày.
Cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS nức nở cho biết, hiện bố mẹ tuổi cao, sức yếu, không đủ điều kiện để chăm sóc cho các cháu.
Gia đình của Quỳnh Anh cũng mong HĐXX xem xét hoàn cảnh, cho bị cáo được hưởng án treo để có thể ở bên cạnh chăm sóc các con.
Dự kiến, ngày 5/8, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết đối với 50 bị cáo.