1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam

Bị hại trong vụ án Trịnh Văn Quyết được bồi thường 7.215 đồng một cổ phiếu

Nguyễn Hải Hải Nam

(Dân trí) - HĐXX cấp sơ thẩm tuyên các bị hại trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC sẽ được bồi thường 7.215 đồng/cổ phiếu ROS.

85 bị hại đã nhận bồi thường

Sau 2 tuần xét xử và nghị án, chiều 5/8, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo khác trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC. 

Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt 21 năm tù.

Đối với yêu cầu của các bị hại trong vụ án, HĐXX cho biết, kết quả điều tra xác định trong 5 lần tăng vốn trước khi cổ phiếu ROS (cổ phiếu của Công ty Faros) chào bán trên sàn HoSE, tổng số tiền nhóm Trịnh Văn Quyết góp vốn vào Công ty Faros là 1.197 tỷ đồng. 

Vốn điều lệ của Công ty Faros đăng ký tại thời điểm niêm yết trên sàn chứng khoán là 4.300 tỷ đồng. Vì thế, số tiền nâng khống giá trị doanh nghiệp tại thời điểm Công ty Faros niêm yết trên sàn chứng khoán là 3.102 tỷ đồng.

Tổng số cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán là 431 triệu cổ phiếu. Sau khi niêm yết, các bị cáo đã bán ra 391 triệu cổ phiếu, thu về số tiền 4.818 tỷ đồng. 

Các bị cáo đã chiếm đoạt của các nhà đầu tư số tiền hơn 3.621 tỷ đồng.

HĐXX cho rằng, về nguyên tắc cần buộc các bị cáo phải bồi thường cho các nhà đầu tư ban đầu là bị hại số tiền bỏ ra mua cổ phiếu bị nâng khống. 

Song, thực tế có nhiều nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu ROS đã bán đi, có nhà đầu tư mua bán cổ phiếu nhiều lần, khối lượng cổ phiếu bị trộn lẫn trong các lần mua bán sau đó. 

Có nhà đầu tư đã bán hết cổ phiếu đã mua nên không có yêu cầu bồi thường, có nhà đầu tư không biết mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên cũng không có yêu cầu bồi thường. 

Tại thời điểm các bị cáo bán cổ phiếu cho các nhà đầu, có nhà đầu tư mua giá cao nhưng cũng có nhà đầu tư mua với giá thấp, việc giao dịch, khớp lệnh diễn ra nhiều năm. 

Do đó, đến nay không xác định được chính xác việc mua bán trong từng lần khớp lệnh. 

Để đảm bảo công bằng trong vụ án, HĐXX buộc Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm phải bồi thường cho các nhà đầu tư số tiền bị chiếm đoạt trên giá trị nâng khống của mỗi cổ phiếu đã bán ra trên thị trường, tương ứng với khối lượng cổ phiếu các bị hại còn đang sở hữu; tương ứng với 431 triệu cổ phiếu phát hành theo vốn điều lệ của Công ty Faros là 4.300 tỷ đồng.

Trong đó, giá trị các bị cáo đã nâng khống là 3.188 tỷ đồng. 

Như vậy, mỗi cổ phiếu bị cáo Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm khi niêm yết, bán ra trên thị trường đã nâng khống 72,15%. Mệnh giá cổ phiếu được chào bán trên thị trường là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, mỗi cổ phiếu mà các bị cáo đã chào bán ra trên thị trường cho các bị hại đã nâng khống 7.215 đồng. 

Do đó, các bị cáo sẽ phải bồi thường cho các bị hại số tiền 7.215 đồng/cổ phiếu ROS bán ra trên thị trường.

Bị hại trong vụ án Trịnh Văn Quyết được bồi thường 7.215 đồng một cổ phiếu - 1

Bị cáo Trịnh Văn Quyết được dẫn giải đến phiên tòa (Ảnh: Nguyễn Hải).

Trong số 133 bị hại đang sở hữu cổ phiếu phát hành lần đầu, 85 người có đơn gửi đến TAND TP Hà Nội xác nhận đã nhận tiền bồi thường từ gia đình bị cáo Trịnh Văn Quyết. 

Vì vậy, các bị cáo tiếp tục phải bồi thường cho các bị hại còn lại theo phương án nêu trên. 

HĐXX cho biết, đối với các bị hại đã bán hết cổ phiếu ROS, đã chuyển giá trị bị nâng khống cho người mua tiếp theo và các bị hại khác chưa có yêu cầu bồi thường có quyền đề nghị xem xét quyền lợi hợp pháp của mình trong vụ án dân sự khác khi có yêu cầu. 

Hơn 27.000 nhà đầu tư yêu cầu bồi thường

Đối với yêu cầu của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, HĐXX cho biết, tính đến ngày bị hủy niêm yết trên sàn HoSE (ngày 5/9/2022) có 63.073 nhà đầu tư đang sở hữu tổng số 567 triệu cổ phiếu ROS. 

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa có hơn 27.000 nhà đầu tư có yêu cầu bồi thường thiệt hại, HĐXX xét thấy hành vi nâng khống vốn sở hữu của Công ty Faros do Trịnh Văn Quyết và các bị cáo khác thực hiện là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Hành vi này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cổ phiếu ROS, kéo theo cổ phiếu này bị hủy niêm yết vào ngày 5/9/2022 do vi phạm điều cấm của Luật Doanh nghiệp.

Bị hại trong vụ án Trịnh Văn Quyết được bồi thường 7.215 đồng một cổ phiếu - 2

Các bị cáo tại phiên tuyên án chiều 5/8 (Ảnh: Nam Phương).

Do đó, các bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. 

Song HĐXX đánh giá, việc mua bán cổ phiếu được xác lập trên cơ sở khớp lệnh của hàng triệu tài khoản chứng khoán trên thị trường.

Khi nhà đầu tư phát sinh nhiều giao dịch mua bán cùng một mã cổ phiếu thì việc xác định nhà đầu tư đã bán cổ phiếu mua tại thời điểm nào và mua của ai là không thể xác định được. 

Ngoài giá trị gốc của cổ phiếu theo mệnh giá thì giá của cổ phiếu còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thị trường, tâm lý nhà đầu tư,...

Mặt khác Công ty Faros vẫn đang hoạt động, cổ phiếu ROS vẫn đang có giá trị lưu hành trên thị trường, chỉ không đủ điều kiện niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Vì vậy, không thể buộc các bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền các nhà đầu tư đã bỏ ra mua cổ phiếu mà chỉ có thể buộc các bị cáo bồi thường phần nâng khống trên mỗi cổ phiếu. 

Kết quả điều tra xác định, sau khi phát hành 431 triệu cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn HOSE vào ngày 1/9/2016, Công ty Farso tiếp tục có 2 lần tăng vốn (lần 6 và lần 7).

Cả 2 lần tăng vốn này đều dưới hình thức phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ để trả cổ tức cho các cổ đông.

HĐXX đánh giá, 2 lần tăng vốn 6 và 7 của Công ty Faros là thật nên xác định sau lần tăng vốn thứ 7, số vốn thật của Công ty Faros là 2.573 tỷ đồng.

Vốn điều lệ sau khi nâng vốn lần 7 là 5.675 tỷ đồng. 

Như vậy, với mỗi cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng có 5.466 đồng là vốn khống. 

Do đó, HĐXX buộc các bị cáo phải bồi thường phần giá trị nâng khống này cho người liên quan.

Phần giá trị khác ảnh hưởng đến giá cổ phiếu nhà đầu tư đã mua nằm ngoài giá trị bị nâng khống là do yếu tố thị trường và các yếu tố chủ quan khác, không buộc các bị cáo phải bồi thường. 

Dòng sự kiện: Xét xử vụ án FLC