1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam

Nhiều người có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trịnh Văn Quyết

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - Theo HĐXX, bị cáo Quyết có thời gian dài cùng Tập đoàn FLC đầu tư vào nhiều dự án lớn tại các vùng xa, các địa phương, tạo ra hàng chục nghìn công ăn việc làm, góp phần tích cực đến kinh tế, xã hội.

Chiều 5/8, TAND TP Hà Nội đưa ra phán quyết với 50 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.

Kết luận về vai trò của anh em Quyết - Huế

Công bố bản án, HĐXX đánh giá Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) là người chủ mưu quyết định, chỉ đạo thực hiện việc góp vốn khống tại Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng và đăng ký đại chúng, đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE. 

Sau đó, Quyết đã cho bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS (cổ phiếu của Công ty Faros) hình thành từ việc nâng khống vốn cho hơn 25.800 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trịnh Văn Quyết còn chỉ đạo mở quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán, thu lời bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Nhiều người có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trịnh Văn Quyết - 1

Bị cáo Trịnh Văn Quyết (Ảnh: Bảo vệ pháp luật).

Với Trịnh Thị Minh Huế, HĐXX quy kết bị cáo này là người thực hành tích cực nhất, giúp sức cho Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội.

Cụ thể, Huế đã trực tiếp nhận chỉ đạo của anh trai để chỉ đạo lại các bị cáo khác nâng khống vốn góp của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên thành hơn 4.300 tỷ đồng.

Huế còn giúp Trịnh Văn Quyết niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán HoSE, bán cổ phiếu chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của hơn 25.000 nhà đầu tư.

"Bị cáo trực tiếp nhận chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết để thực hiện việc mua bán cổ phiếu hoặc chỉ đạo lại các bị cáo khác mở tài khoản, ký các tài khoản chuyển tiền để thao túng thị trường chứng khoán, giúp Quyết thu lời bất chính từ 4 mã cổ phiếu là hơn 684 tỷ đồng", HĐXX công bố bản án.

Đối với Trịnh Thị Thúy Nga - cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS (em gái ruột ông Quyết) - HĐXX đánh giá bị cáo này giúp Huế và Quyết ký hợp đồng ủy thác để hợp thức việc nâng khống vốn của Công ty Faros.

Thúy Nga tham gia tích cực, chỉ đạo toàn bộ việc cấp khống tiền cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế sử dụng để thao túng thị trường chứng khoán, giúp Trịnh Văn Quyết thu lời bất chính 4 mã cổ phiếu với tổng số tiền hơn 864 tỷ đồng.

Trịnh Văn Quyết từng tạo ra hàng chục nghìn công ăn việc làm

Theo HĐXX, có 133 người có đơn yêu cầu giải quyết quyền lợi, những người còn lại chưa có đơn yêu cầu.

"Thực chất sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo đã chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư chứ không phải 2,2 tỷ đồng của 133 bị hại như ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo đã nêu.

Điều này chứng minh bằng các dữ liệu do ủy ban chứng khoán Nhà nước cung cấp về các giao dịch mua bán cổ phiếu bán ra ban đầu của các bị cáo, kết quả điều tra dòng tiền, lời khai của các bị hại và tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó, VKS truy tố các bị cáo tổng số tiền đã chiếm đoạt của bị hại như đã nêu là có căn cứ", HĐXX kết luận.

Tại tòa, HĐXX đánh giá bị cáo Quyết đã có thời gian dài cùng Tập đoàn FLC đầu tư vào nhiều dự án lớn tại các vùng xa như Thanh Hóa, Bình Định... tạo ra hàng chục nghìn công ăn việc làm trong nhiều năm, góp phần tích cực đến kinh tế, xã hội tại một số địa phương.

Nhiều người có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trịnh Văn Quyết - 2

Hội đồng xét xử phiên tòa (Ảnh: Bảo vệ pháp luật).

Đến nay, chính quyền tại một số địa phương và nhiều người có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Căn cứ vào tài liệu vụ án, diễn biến phiên tòa, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Trịnh Văn Quyết 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt 21 năm tù.

49 bị cáo còn lại, HĐXX tuyên phạt mức án từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 14 năm tù về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán. 

Về trách nhiệm dân sự, đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐXX buộc các bị cáo Quyết, Huế phải liên đới bồi thường cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt hơn 2,5 tỷ đồng; bồi thường cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu bồi thường hơn 1.780 tỷ đồng. 

Tổng cộng, số tiền anh em Quyết - Huế phải liên đới bồi thường cho các bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là hơn 1.785 tỷ đồng.

HĐXX xác nhận các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã nộp số tiền hơn 264 tỷ đồng để bồi thường. 

Do đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế phải tiếp tục bồi thường số tiền hơn 1.520 tỷ đồng.

"Nếu chia theo kỷ phần vị trí, vai trò bị cáo Trịnh Văn Quyết phải bồi thường số tiền 1.364 tỷ đồng (tương ứng 90%); bị cáo Huế phải bồi thường 151 tỷ đồng (tương ứng 10%)", HĐXX nêu. 

Dòng sự kiện: Xét xử vụ án FLC